Liên tiếp xảy ra
Mấy ngày nay, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán, băn khoăn và bức xúc khi đọc báo, nghe đài, xem truyền hình biết được vụ cháy lớn xảy ra tối 10-3 tại khu chung cư 18 tầng của tòa nhà JSC34 trên phố Khuất Duy Tiến (Hà Nội), làm hai người chết và thiệt hại lớn về tài sản. Tiếp đó, ngày 11-3 trên địa bàn Hà Nội lại xảy ra cháy tại kho hàng của Công ty chuyển phát nhanh ở phố Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, làm toàn bộ hàng trăm m2 nhà kho và hàng hóa bị thiêu rụi. Cùng ngày, vụ cháy cơ sở đệm mút tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương làm 7 người thiệt mạng.
Trên địa bàn Hải Phòng, vụ hỏa hoạn xảy ra đêm 10-3 tại Nhà hàng lẩu cua đồng tại số 188 phố Văn Cao làm cháy rụi khoảng 200 m2 nhà hàng và tài sản. Trước Tết Canh Dần, xảy ra vụ cháy salon ô tô trên đường Phạm Văn Đồng, phường Anh Dũng (quận Dương Kinh) thiêu rụi gần chục ô tô, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Điều đáng nói, các vụ cháy xảy ra trước thời điểm Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ (từ 14-3 đến 21-3) năm 2010. Từ thực tế này cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời điểm hanh khô còn nhiều “lỗ hổng”, một bộ phận người dân vẫn chủ quan, thiếu ý thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy ban đầu.
|
Cụm doanh nghiệp huyện An Lão diễn tập chữa cháy, góp phần nâng cao ý thức người lao động về công tác phòng, chống cháy, nổ. |
Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn
Thực tế, khu vực các doanh nghiệp sản xuất, chợ, trung tâm thương mại được trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ, như bình bột, thang, câu liêm, vòi chữa cháy… Các đội chữa cháy tại chỗ được huấn luyện kỹ thuật chữa cháy, nâng cao ý thức phòng, ngừa cháy nổ trong quá trình sản xuất- kinh doanh, lực lượng chức năng kiểm tra thường xuyên, nên phần nào hạn chế sự cố cháy nổ. Tuy nhiên, ở khu dân cư, do ý thức người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy, các trang thiết bị chữa cháy tại chỗ còn thiếu và yếu, thật sự là nỗi lo lớn về hỏa hoạn. Anh Đoàn Hồng Quân, ở khu tập thể An Dương (quận Lê Chân) cho biết: Cả dãy nhà nhiều tầng của khu tập thể, không gia đình nào có bình chữa cháy, trong khi nhiều nhà sử dụng hỗn hợp bếp gas, bếp than tổ ong. Với một không gian hẹp, cơi nới chắp vá như vậy nếu xảy ra cháy, thì chỉ có nước… bỏ của chạy lấy người thôi.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn thành phố mới xây dựng được gần 300 họng nước cung cấp chữa cháy, đạt 9% so với quy phạm. Chỉ tính riêng trên các đường phố, phải lắp đặt từ 3 nghìn họng nước trở lên. Kế đến các chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp cũng thiếu trầm trọng, mới lắp đặt các họng nước đạt gần 78%. Vì vậy, nếu xảy ra sự cố cháy lớn, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không biết lấy nước ở đâu để chữa cháy. Hậu quả thật khó lường.
Để bảo đảm an toàn trong mùa hanh khô, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn để mọi người nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ trong quá trình sản xuất và sinh hoạt hằng ngày; chủ động trong công tác chữa cháy tại chỗ.
Các cơ quan, doanh nghiệp và các hộ dân cần kiểm tra kỹ dây chuyền sản xuất, thiết bị sử dụng điện, bếp gas, bếp dầu, bếp than, kịp thời loại bỏ, thay thế thiết bị, vật dụng không an toàn. Tại các khu dân cư, các hộ dân cần tự trang bị bình chữa cháy xách tay, bình cát, câu liêm, thang… để kịp thời xử lý khi sự cố cháy nổ xảy ra. Mặt khác, chính quyền các phường, xã, thị trấn, cơ quan xí nghiệp kiện toàn và bổ sung lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, sớm phát hiện và xử lý sự cố cháy, nổ vừa mới phát sinh. Trong tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ, rất cần có những đợt diễn tập với sự tham gia của đông đảo người dân trong khu dân cư, từ đó, có thể ứng phó, xử lý khi tình huống cụ thể xảy ra./.