Phòng chống dịch lợn tai xanh ở huyện Yên Hưng: Cần sự vào cuộc một cách đồng bộ

QTV - Chỉ trong thời gian ngắn, dịch lợn tai xanh đã bùng phát mạnh mẽ tại các huyện Đông Triều, Yên Hưng và thành phố Hạ Long. Hiện dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Người chăn nuôi thì lao đao  bởi các ổ dịch mới vẫn tiếp tục phát sinh và lan rộng, trong khi đó công tác phòng chống dịch vẫn còn nhiều điều bất cập.

QTV - Chỉ trong thời gian ngắn, dịch lợn tai xanh đã bùng phát mạnh mẽ tại các huyện Đông Triều, Yên Hưng và thành phố Hạ Long. Hiện dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Người chăn nuôi thì lao đao bởi các ổ dịch mới vẫn tiếp tục phát sinh và lan rộng, trong khi đó công tác phòng chống dịch vẫn còn nhiều điều bất cập. 

 Nông dân lao đao vì dịch bệnh tai xanh ở lợn
 

Phòng chống dịch lợn tai xanh ở huyện Yên Hưng: Cần sự vào cuộc một cách đồng bộ ảnh 1
Dịch lợn tai xanh khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng. Ảnh: Hải Ninh

 Nhiều ngày nay, chị Đặng Thị Nga (xóm 3, xã Nam Hòa, huyện Yên Hưng) ăn ngủ không yên bởi đàn lợn - cả cơ nghiệp của gia đình chị bỗng dưng lăn ra ốm hàng loạt. Từ chiều 30/4, cả 2 con lợn nái đều bị sốt cao, biếng ăn, toàn thân nóng đỏ, ho và khó thở. 21 con lợn con cũng đã bắt đầu xuất hiện những triệu chứng tương tự.

 

 Chị Nga cho biết, từ trước đến nay gia đình chị luôn tuân thủ đúng việc phòng chống các loại dịch bệnh ở lợn nhưng vẫn không tránh khỏi bệnh tai xanh. Ngay sau khi phát hiện lợn bị bệnh, chị đã báo cho có quan Thú y đến để kiểm tra.

 

 Gần kề với nhà chị Nga là hộ chăn nuôi của bà Ngô Thị Được. Mấy ngày nay, đàn lợn 3 con của gia đình bà cũng đã bỏ ăn. Dù đã được tiêm 5 đến 6 mũi thuốc trị bệnh nhưng cả 3 con lợn trên đều đang có dấu hiệu ngưng thở.

 

 Một trường hợp khác là hộ chăn nuôi của chị Ngô Thị Hoa ở xóm 4, xã Nam Hòa. Hai con lợn nái trong tổng đàn gần 20 con của gia đình chị đang chờ sinh sản. Tuy nhiên cả 8 con lợn con đều bị đẻ thiếu tháng và chết ngay từ lúc mới sinh. Mất bao mồ hôi công sức để chăn nuôi với chi phí không nhỏ, chung nỗi niềm xót xa, cả chị Nga, bà Được và chị Hoa đều mong sớm được nhận hỗ trợ của Nhà nước để gây lại giống, tạo đàn lợn mới.

 

 Những bất cập trong phòng chống dịch

 

Tính đến thời điểm này, tại huyện Yên Hưng mới chỉ có xã Liên Vị là đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh tai xanh. Tuy nhiên, tại các xã khác là Nam Hòa và Yên Hải hiện cũng đã xuất hiện nhiều đàn lợn có biểu hiện lâm sàng của dịch bệnh này. Đến chiều ngày 5/5, tại 3 xã trên có tổng cộng 256 con lợn bị ốm ở 31 hộ, trong đó đã có 19 con bị chết.

 

 Theo ông Vũ Đình Minh – Trạm trưởng trạm Thú y huyện Yên Hưng, mấu chốt nhất trong công tác phòng dịch bệnh tai xanh là phải kiểm soát được việc vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn. Nhưng ông Minh cũng thừa nhận, công tác này hiện nay trên địa bàn còn có phần hạn chế. Nhiều đàn lợn chưa qua kiểm dịch vẫn lọt vào địa phương, nhất là tại các chợ.

 

 Cùng quan điểm đó, Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa huyện Yên Hưng cho biết, phạm vi dịch bệnh thì quá rộng song ý thức buôn bán, giết mổ lợn của nhiều tiểu thương, hộ chăn nuôi còn quá kém, chủ quan lơ là với dịch bệnh.

 
Phòng chống dịch lợn tai xanh ở huyện Yên Hưng: Cần sự vào cuộc một cách đồng bộ ảnh 2
Tiêu hủy lợn bệnh

Điều đáng lưu ý, tuy đã phát sinh ổ dịch và xuất hiện nhiều ổ bệnh có nguy cơ thành dịch nhưng cho đến chiều 6/5, trên địa bàn huyện Yên Hưng vẫn chưa có chốt kiểm dịch nào được đưa vào hoạt động. Thay vào đó chỉ có các tổ cơ động làm công tác phòng dịch ở các chợ và các khu giết mổ gia súc, gia cầm. Trong khi nhiều hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh của huyện Yên Hưng vẫn thường xuyên nhập lợn giống từ các địa phương khác trong tỉnh, thậm chí là ngoài tỉnh để chăn nuôi, buôn bán. Rõ ràng đây là điều bất cập bởi các tỉnh, thành lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… đều đang trong tình trạng báo động về dịch lợn tai xanh. Công tác khoanh vùng dập dịch vì thế gặp khó khăn.

 

Thực tế khác trong công tác phòng chống dịch là hiện nay, do bệnh tai xanh ở lợn bùng phát dẫn đến giá thịt lợn giảm đáng kể, khoảng 21- 22 ngàn đồng/kg, có nơi 17 – 18 ngàn đồng/kg. Trong khi đó giá hỗ trợ của Nhà nước đối với lợn bị bệnh là 25 ngàn đồng/kg. Điều này khiến cho nhiều hộ chăn nuôi lợi dụng cơ chế để hưởng lợi từ dịch bệnh.

 

Trước thực trạng này, theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa thì việc kiểm tra thực tế để xác định rõ việc lợn có bị bệnh hay không là cần thiết. Và song song với việc tiêu hủy, xã sẽ công bố công khai danh sách các hộ dân được nhận hỗ trợ tại trụ sở UBND xã, các nhà văn hóa cộng đồng, những nơi công cộng và việc hỗ trợ sẽ được tiến hành sau một tháng kể từ khi lợn được mang đi tiêu hủy.

 

Kiểm tra là việc làm cần thiết, song cũng do đó mà công tác kiểm soát dịch bệnh càng gặp khó khăn.  Bởi trong điều kiện lực lượng cán bộ chuyên môn còn mỏng, số hộ có lợn bị ốm lại quá nhiều dẫn đến nhiều hộ có lợn bị bệnh tai xanh không được kiểm tra kịp thời, là một trong những điều kiện thuận lợi để dịch bệnh càng lan rộng.

 

 Từ những bất cập trên cho thấy, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc một cách quyết liệt thì mới mong kiểm soát được dịch bệnh, xóa bỏ các ổ dịch. Quan trọng nhất là mỗi người dân và hộ chăn nuôi cũng phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.

 

 Đàm Hằng 

     

Đọc thêm