Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Xây dựng mô hình gia đình, cộng đồng an toàn

Theo thống kê của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội và Sở Y tế, 6 tháng đầu năm 2010 đã có 6 trẻ em bị đuối nước, trong đó 5 cháu tử vong.

Theo thống kê của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội và Sở Y tế, 6 tháng đầu năm 2010 đã có 6 trẻ em bị đuối nước, trong đó 5 cháu tử vong. Năm 2007, có 31 cháu, năm 2008 có 13 cháu và năm 2009 có 20 cháu chết vì đuối nước. Đây là những con số đau lòng, báo động về tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn thành phố…

 

Nhiều thanh, thiếu niên rủ nhau nhảy từ trên cầu Thượng Lý (Hồng Bàng) xuống sông tắm rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước Ảnh: Minh Trí

Nhiều thanh, thiếu niên rủ nhau nhảy từ trên cầu Thượng Lý (Hồng Bàng) xuống sông tắm rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước

Ảnh: Minh Trí

Đuối nước: SOS!

 

Đuối nước là một nguyên nhân cơ bản gây tử vong cho trẻ em, vượt xa những nguyên nhân khác như tai nạn giao thông, bỏng, ngã, động vật cắn... Số vụ tai nạn đuối nước thường xảy ra vào dịp hè, tập trung vào nhóm từ 8-14 tuổi.

 

Đầu tháng 6-2010, cháu Lê Ngọc Sơn, sinh năm 1996, ở tổ Vừng, phường Vạn Sơn (quận Đồ Sơn) bị đuối nước khi tắm biển tại khu vực bãi tắm Đoàn 295, khu 1, Đồ Sơn. Công an quận Đồ Sơn xác minh, cháu Sơn cùng các bạn đến bãi biển Đoàn 295 đá bóng, sau đó xuống tắm và bị nước xoáy cuốn trôi.

 

Tiếp đó, ngày 19-6, một học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Hồng Phong, tên là Q bị đuối nước ở đoạn sông gần cầu Thượng Lý (quận Hồng Bàng). Những người chứng kiến sự việc kể lại: Q cùng 2 người bạn nhảy xuống sông tắm. Tới giữa sông, do kiệt sức, Q gọi bạn tới dìu vào bờ. Khi tới gần bờ, một chiếc sà lan chạy qua làm sóng dềnh mạnh, 2 người bạn của em không giữ nổi khiến Q chìm xuống lòng sông. Trước đó tại khu vực hồ điều hòa Phương Lưu (quận Hải An) cũng xảy ra một vụ đuối nước làm 3 học sinh bị thiệt mạng.

 

Theo Phó giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Tâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trẻ em bị đuối nước. Nhưng chủ yếu là mùa hè nóng nực, trẻ em hiếu động thích chơi đùa trong môi trường nước như ao, hồ, sông, kênh, mương trong khi phần lớn các em thiếu kỹ năng bơi. Không ít gia đình bất cẩn, để trẻ chơi tự do, thiếu sự quản lý, theo dõi, quan tâm đến các em. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ môi trường sống không an toàn, nhiều nhà gần ao hồ, sông ngòi nhưng không có rào che chắn, các giếng khơi, bể nước không có nắp đậy. Nhận thức của xã hội về vấn đề này còn hạn chế, công tác tuyên truyền, phòng ngừa chưa được thực hiện triệt để, thiếu sân chơi cho trẻ em, nhất là trẻ em nông thôn. Nhiều địa phương còn xem nhẹ, chưa chú trọng việc nâng cao nhận thức cho người dân về mức độ nguy hiểm do đuối nước gây ra...

 

Chung tay vì môi trường sống an toàn cho trẻ em

 

Về công tác chỉ đạo, phòng chống tai nạn thương tích, nhất là đuối nước, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em, Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể cho biết: UBND thành phố có Quyết định số 2723 phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Thường vụ Thành uỷ về Công tác dân số, gia đình và trẻ em trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và thành phố. HĐND thành phố có Nghị quyết về Đẩy mạnh công tác dân số, gia đình và trẻ em giai đoạn 2006 - 2010, trong đó mục tiêu phấn đấu là 95% trẻ em khuyết tật, tàn tật được chăm sóc thường xuyên để phục hồi chức năng; phấn đấu đến năm 2010 có 40% trở lên số xã, phường đạt tiêu chuẩn “xã, phường phù hợp với trẻ em”. Mặt khác, Hải Phòng sớm triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 và Chính sách quốc gia phòng chống tai nạn thương tích giai đoạn 2001-2010 với mục tiêu tăng cường công tác tuyên truyền và các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, đuối nước nói riêng nhằm giảm thiểu số trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích và đuối nước, hướng tới xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em sống và phát triển toàn diện.

 

Theo phó chủ tịch Hoàng Văn Kể, có 4 giải pháp cần tập trung thực hiện là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước; thay đổi, cải tạo môi trường sống trong gia đình, trường học và cộng đồng, xây dựng mô hình gia đình an toàn, cộng đồng an toàn; thực hiện các quy định, chính sách về an toàn và phòng tránh đuối nước; phát triển kỹ năng sơ cấp cứu và dạy bơi cho trẻ em. Trong đó giải pháp quan trọng là trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em, khẩn trương khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất để đưa quy trình dạy bơi, học bơi cho trẻ em vào trường phổ thông. Bên cạnh đó, các ngành liên quan cần phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân các địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho những cán bộ nòng cốt về vấn đề này để đích cuối cùng là có thể triển khai đến từng nhà, vận động, tuyên truyền đến từng bậc phụ huynh, những người trông trẻ và trẻ em, nhằm hạn chế tối đa những tai nạn thương tâm do đuối nước gây ra.

 

Cùng với việc chỉ đạo chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống đuối nước trẻ em, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước thành phố nếu thiếu quan tâm trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, đuối nước nói riêng. Hơn hết, mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng cần chung tay vì sự an toàn và phát triển của trẻ em.

 

Thanh Thủy

Đọc thêm