Phòng, chống hàng giả - Cần sự chung tay của toàn xã hội

(PLVN) - Tình trạng hàng giả hiện nay không chỉ là vấn đề nhức nhối của riêng Việt Nam mà còn là thách thức toàn cầu. Làm gì để ngăn ngừa và phòng, chống có hiệu quả vấn nạn này là một trong những vấn đề mà chúng ta quan tâm nhất hiện nay.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài.

“Khe hở” từ những bất cập trong cơ chế quản lý

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ Chống hàng giả (ACF): Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hàng giả tồn tại dai dẳng trong thời gian dài.

Trước hết, phải kể đến lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất và kinh doanh hàng giả. Các đối tượng làm hàng giả tiết kiệm được chi phí đầu tư nghiên cứu sản phẩm, chi phí quảng cáo, chi phí sản xuất và không phải đóng thuế đầy đủ. Lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với kinh doanh hàng thật chính là động lực thúc đẩy tội phạm làm hàng giả gia tăng, mặc cho các chế tài xử phạt. Điển hình là vụ sản xuất mì chính giả được phát hiện tại Hà Nội vào tháng 5/2023, khi cơ quan chức năng phát hiện một xưởng đóng gói mì chính giả với công suất hàng tấn mỗi ngày, ước tính lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng, trong khi chi phí sản xuất chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm thật. Hoặc gần đây, các vụ thực phẩm giả như: Kẹo rau củ Kera, Sữa giả, Yến sào giả, mỹ phẩm có chứa thủy ngân cũng đã được phát hiện và xử lý.

Thứ hai, công nghệ ngày càng phát triển giúp cho việc làm giả trở nên tinh vi hơn. Vụ việc thuốc tây giả được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh năm 2022 là minh chứng rõ ràng các đối tượng đã sử dụng công nghệ in ấn hiện đại để làm giả vỏ hộp, tem, nhãn gần như giống hệt sản phẩm thật, thậm chí có cả mã QR giả mạo khiến người tiêu dùng khó nhận biết. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất và cơ quan chức năng mới phát hiện được điểm khác biệt rất nhỏ trên bao bì.

Thứ ba, hệ thống giám sát và xử lý vi phạm còn nhiều bất cập. Như trường hợp tại một số tỉnh miền Bắc, có những cơ sở sản xuất rượu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng đã hoạt động nhiều năm liền trong các khu vực dân cư mà không bị phát hiện. Khi được cơ quan chức năng hỏi, chính quyền địa phương tại một số địa bàn cho biết, do thiếu nhân lực kiểm tra thường xuyên và không có thiết bị chuyên dụng để phát hiện hàng giả tại chỗ.

Thứ tư, nhận thức của người tiêu dùng (NTD) còn hạn chế. Khảo sát của ACF cho thấy, có đến 70% NTD không biết cách nhận biết hàng thật - hàng giả đối với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Thứ năm, sự phát triển của thương mại điện tử và các kênh bán hàng online đã tạo ra môi trường thuận lợi cho việc tiêu thụ hàng giả.

Chia sẻ về nguyên nhân thực trạng làm giả thực phẩm giả, bà Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định: “Tình trạng này một phần nguyên nhân từ những bất cập trong cơ chế quản lý. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho DN tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, một số DN đã lợi dụng cơ chế này để làm ăn phi pháp...

Với cơ chế tự công bố, DN có thể tự công bố và sản xuất ngay mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Lợi dụng sự thông thoáng này, một số DN đã tự công bố các sản phẩm dinh dưỡng y học hoặc sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt là thực phẩm bổ sung, đây là hành vi “lách luật” đáng bị lên án”.

Triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp

Để bảo vệ NTD, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài cho hay: ACF đã đưa ra các khuyến cáo giúp NTD nhận biết hàng thật - giả. Trong thời gian tới, ACF sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động và tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc phòng, chống hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. ACF cũng đang triển khai dự án ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp NTD dễ dàng xác minh thông tin sản phẩm từ khâu sản xuất đến tay NTD.

Các hộp sữa bột giả vừa bị lực lượng chức năng phát hiện. (Ảnh: VTV)

Nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn này, theo Phó Chủ tịch HĐQL ACF Nguyễn Thị Thu Hoài, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường chế tài xử phạt. Cụ thể: Cần sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng mức xử phạt hành chính và trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; Đặc biệt đối với hành vi vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử; Áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục, biện pháp bổ sung như tịch thu phương tiện, công cụ sản xuất hàng giả và đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với đối tượng vi phạm; Công khai thông tin về các đối tượng vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng;

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống hàng giả: Khuyến khích DN áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến như tem chống giả thông minh, blockchain trong truy xuất nguồn gốc, giúp NTD tra cứu toàn bộ quá trình sản xuất, vận chuyển và phân phối sản phẩm; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để các cơ quan chức năng dễ dàng tra cứu, xác minh thông tin; Trang bị các thiết bị kiểm tra nhanh cho lực lượng chức năng, giúp phát hiện hàng giả ngay tại hiện trường;

Nâng cao nhận thức của NTD: Tổ chức các chiến dịch truyền thông rộng rãi về tác hại của hàng giả đối với sức khỏe và nền kinh tế; Xây dựng các ứng dụng di động giúp NTD dễ dàng tra cứu, kiểm tra và phản ánh hàng giả; Tăng cường vai trò của các tổ chức, Hiệp hội, để bảo vệ NTD trong việc cung cấp thông tin và hỗ trợ người dân khi gặp vấn đề về hàng giả;

Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác liên ngành về phòng, chống hàng giả cấp quốc gia với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội và cần có quy chế phối hợp chặt chẽ; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống hàng giả, đặc biệt là với các nước trong khu vực;

Hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh chân chính: Có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào hệ thống bảo vệ thương hiệu và chống hàng giả; Hỗ trợ DN trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa; Tạo cơ chế phối hợp hiệu quả giữa DN và cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống hàng giả.

Nói về các biện pháp ngăn chặn thuốc giả, TS Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chia sẻ: “Bên cạnh các giải pháp tổng thể và dài hạn, Bộ Y tế cũng triển khai các giải pháp trước mắt. Chúng tôi sẽ tập trung tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc, yêu cầu các cơ sở phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của thuốc trước khi nhập và bán cho người dân; Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, đặc biệt trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội; Khuyến khích các cơ sở kinh doanh áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và tem chống giả như mã QR, để quản lý hàng hóa, giảm thất thoát và ngăn chặn thuốc giả.

Đồng thời, chúng tôi yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm trên toàn quốc, bao gồm các Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và các trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố, tăng cường lấy mẫu thuốc trên thị trường, chú trọng lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm, cả định kỳ và đột xuất. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kinh phí cho hoạt động lấy mẫu, mua mẫu cũng như đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực cho các trung tâm kiểm nghiệm để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc tại địa phương”.

“Bảo đảm hoạt động của DN sản xuất, kinh doanh chân chính không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Quỹ Chống hàng giả cam kết sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa DN, NTD và cơ quan quản lý, nhằm góp phần xây dựng thị trường lành mạnh” - Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài.

Đọc thêm