Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành và chính quyền địa phương phải quán triệt, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường không chỉ kiểm soát kênh bán hàng truyền thống mà phải giám sát cả kênh thương mại điện tử để phòng chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả. Cùng với đó, lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra hàng hóa tại khu vực biên giới, ngăn chặn nhập khẩu hàng giả, hàng nhái, xâm hại quyền sở hữu trí tuệ.
Tại các địa bàn dân cư, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm cơ sở sản xuất kinh doanh, phân phối, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, xâm hại quyền sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức bảo vệ thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu Việt, chủ động phối hợp cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý các vụ việc gian lận thương mại.
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP, tại Việt Nam, lượng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ chiếm tỷ lệ khá cao trên thị trường, gần như mặt hàng nào được người tiêu dùng ưa chuộng đều bị làm hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Từ thực trạng trên, tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị cơ quan chức năng liên ngành và các Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn về lĩnh vực pháp luật. Đồng thời, Chính phủ nên xem xét lại mức xử phạt đối với các đối tượng và hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ, bởi mức phạt hiện hành chưa đủ tính răn đe.