Cuộc chiến của toàn xã hội…
Hôm qua (29/11), trong chương trình kỷ niệm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” (29/11 hàng năm), ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã dẫn số liệu của Phòng Thương mại Quốc tế ICC, trong đó ước tính giá trị hàng giả trên toàn thế giới sẽ vượt 2.000 tỷ USD (tương đương 3% GDP toàn cầu); hàng giả, hàng nhái chiếm 5-7% tổng doanh số kinh doanh thế giới.
Mức tăng trưởng của hàng giả thậm chí còn bắt nhịp với kinh tế toàn cầu. Nhiều tổ chức trên thế giới đánh giá tội phạm lớn nhất của thế kỷ 21 là tội làm hàng giả.
Trong điều kiện kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, dự báo nạn hàng giả, hàng nhái sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tinh vi, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Qua một số khảo sát cho thấy, hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc thị trường, từ vùng quê đến các thành phố, đô thị, thậm chí còn có mặt ở các siêu thị lớn. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện đa dạng về mẫu mã, “linh hoạt” về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú về chủng loại.
Theo bà Nguyễn Hà Thu, Tổng Giám đốc Công ty Quốc tế Trà Tiên, bên cạnh số NTD mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít NTD biết là giả, kém chất lượng nhưng vẫn không có động thái phù hợp để giúp cơ quan chức năng, DN kịp thời xử lý. Thậm chí còn gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái thông qua việc phân phối và tiêu thụ để rồi hàng giả, hàng nhái ngày càng chiếm thị phần trên thị trường.
“Chính vì vậy, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội. Trước hết DN cần bảo vệ chính mình, NTD cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm, có động thái phù hợp, Nhà nước cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân…” - bà Thu khẳng định.
Sẽ có kênh kết nối trực tuyến
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy vai trò tham gia của DN - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong cuộc chiến phòng, chống hàng giả là rất quan trọng. Luật SHTT của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các DN trong phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, các DN cần theo dõi sát thị trường tiêu thụ hàng hóa của mình, chủ động tố giác các vi phạm, coi quyền SHTT là giá trị nhãn hiệu hàng hóa, là tài sản vô hình phải bảo vệ.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Vũ Xuân Bính, Phòng Nghiệp vụ 2 cho biết, trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tổ chức triển khai kênh kết nối tới các DN. Hiện tại lực lượng đã xây dựng một kênh kết nối trực tuyến, chỉ trong một thời gian rất ngắn NTD có thể ngay lập tức gửi thông tin về những nghi ngờ hàng giả, hàng nhái tới cơ quan chức năng. Cùng với đó, các DN cũng có thể gửi thông tin đến nếu nghi ngờ sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái.
Đại diện VATAP cho rằng, DN chân chính hiện tại chỉ có thể cầu cứu các cơ quan chức năng có thẩm quyền mà chưa có nhiều biện pháp giúp khách hàng phân biệt được hàng hóa do mình sản xuất và hàng hóa bị làm giả; chưa có nhiều giải pháp giảm chi phí nguồn lực để giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái dẫn đến mất tính cạnh tranh của sản phẩm.
Do đó, việc cần thiết hiện nay là cần phải thiết lập một cầu nối giữa người sản xuất và NTD. Nhà sản xuất cần bỏ kinh phí để thông báo đến NTD nhằm phân biệt hàng thật của mình với hàng giả và có chính sách khen thưởng kịp thời cho những NTD phát hiện ra hàng nhái, hàng giả. DN và NTD cần tạo liên kết chặt chẽ hơn, đưa ra thông tin hai chiều liên tục, tránh kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung để vừa giữ được quyền lợi của chính mình, vừa bảo vệ được nền sản xuất trong nước.