Phòng, chống tham nhũng: Vẫn nhiều lúng túng

(PLO) - Thu hồi tài sản tham nhũng là mục tiêu cuối cùng và cũng là nhiệm vụ đầu tiên trong phòng, chống tham nhũng để trả lại nguồn lực cho Nhà nước và cảnh báo, hạn chế việc đạt được mục đích kinh tế của tội phạm tham nhũng. 
Số liệu đưa ra tại Hội thảo trước đối thoại phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam” do Thanh tra Chính phủ tổ chức sáng qua (28/10) cho thấy, thu hồi tài sản tham nhũng (TN) vẫn là một thách thức lớn trong công cuộc PCTN ở nước ta.
“Thước đo” bị hụt…
TS.Nguyễn Thanh Tú  - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ luật Hình sự (BLHS) qui định tài sản bị tịch thu phải là tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm, nhưng thực tế tài sản do TN mà có thường được các đối tượng phạm tội cất giấu, chuyển hình thức sở hữu như chuyển cho người thân, “rửa” qua các hoạt động kinh tế… 
Còn ông Nguyễn Văn Ngọc – Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) phản ánh, tội phạm rửa tiền là tội phạm phái sinh từ tội phạm TN thường chấp nhận mất đi một số tiền nhỏ để mua chuộc các cơ quan tố tụng, giám sát tài chính để “bảo toàn” số tiền lớn còn lại là hợp pháp nên khó thu hồi tài sản TN. 
Từ đó, ông Ngô Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Chống TN (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, thu hồi tài sản TN chưa hiệu quả vì hiện mới tập trung thu hồi tài sản TN mà chưa chú ý thu hồi tài sản, lợi ích phái sinh từ tài sản TN. 
Mặt khác, dù có nhiều nỗ lực nhưng số tiền TN bị thu hồi vẫn rất ít so với số tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án TN, như báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2014 thì tỷ lệ tài sản thu hồi chỉ đạt 22,3%. TS.Trương Minh Mạnh - Phó Vụ trưởng Vụ 1 (VKSNDTC) phản ánh, số tiền, tài sản Tòa án tuyên phạt các bị cáo trong các vụ án TN phải bồi thường rất lớn, nhưng thực tế khả năng thi hành án, thu hồi số tiền này là không nhiều và phải thực hiện trong nhiều năm. 
Thực tế xử lý các vụ án TN thời gian qua cho thấy, một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến thực trạng khó thu hồi tài sản TN là do một số trường hợp người phạm tội cho dù có khai nhận, nộp lại tài sản TN thì vẫn phải chịu mức án cao nên họ chấp nhận hình phạt, không chịu khai báo, che giấu tài sản TN để hưởng lợi. 
Để đảm bảo không bỏ lọt tài sản do TN hoặc phái sinh từ tài sản TN, ông Nguyễn Văn Ngọc kiến nghị thay đổi nghĩa vụ chứng minh trong các vụ án TN, yêu cầu các đương sự trong các vụ án TN chứng minh tính hợp pháp của tài sản dự kiến bị tịch thu do nghi ngờ liên quan đến TN và xem xét thực hiện cơ chế thu hồi tài sản không qua xét xử. 
Dịch vụ công “không phong bì” để phòng, chống tham nhũng
Nguồn thông tin quan trọng để phát hiện và xử lý TN là từ người dân. Nhưng khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho thấy, không có nhiều người dân muốn tố cáo TN vì nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là họ không thấy thông tin của mình được xử lý triệt để, có hiệu quả. Ông Jairo Acuna-Alfaro - Cố vấn chính sách, quản trị công và PCTN (UNDP) cho rằng, người dân chỉ muốn thấy kết quả tố cáo có được xử lý triệt để không, thông tin của họ về tham nhũng có được tôn trọng, xem xét nghiêm túc hay không. “Đó là độ tin cậy của người dân đối với cơ quan PCTN, quyết định đến sự tích cực của người dân tham gia PCTN”. 
Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cảnh báo: “Nếu người dân không tin tưởng vào công tác PCTN, không tham gia PCTN thì dù phòng ngừa bao nhiêu cũng không có hiệu quả. Nếu người dân tố cáo nhưng đối tượng bị tố cáo không bị làm sao, thậm chí “lên cao hơn” sẽ khiến người dân sợ hãi, không tố cáo TN. Chỉ khi người dân thấy hậu quả đánh vào kẻ TN chứ không phải người tố cáo TN thì mới tích cực tham gia PCTN”.
Theo đại diện UNDP: “Phải thận trọng trong khen thưởng đối với việc tố cáo TN. Để không thể thưởng sai cho những hành vi không mong muốn, nên có cơ chế khuyến khích tố cáo TN không đề cập đến vật chất mà cơ chế khuyến khích là cung cấp dịch vụ công không còn nhũng nhiễu, không đòi phong bì”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc: 
Bỏ tù, tăng án chưa chắc đạt mục tiêu phòng, chống tham nhũng
Khó khăn cho thu hồi là xác định tài sản. Vậy kê khai tài sản có ý nghĩa như thế nào đối với việc thu hồi tài sản, thưa Thứ trưởng?
- Theo tôi, việc kê khai tài sản, công khai, minh bạch tài sản cũng không có gì lớn, nhưng việc giám sát tổng thể thì đòi hỏi toàn hệ thống chính trị, không đơn thuần là thủ tục hành chính xem việc kê khai đã phản ánh đúng, thực chất vấn đề chưa. Nhưng đó chỉ là một phần mà đòi hỏi những giải pháp đồng bộ hơn.
Thu hồi tài sản khó khăn do rửa tiền. Theo Thứ trưởng, thời gian tới hoàn thiện thể chế thế nào để khắc phục vấn đề này?
- Có nhiều giải pháp, trong đó có hoàn thiện thể chế, nội luật hóa các công ước liên quan, tăng cường phối kết hợp tốt cũng như nâng cao nhận thức hơn nữa. Đây là tội phạm kinh tế nên phải nhằm vào vấn đề kinh tế để làm mất đi mục tiêu kinh tế của tội phạm, chứ chỉ nghĩ bỏ tù, tăng án thì hiệu quả chưa chắc đạt được mục tiêu. Với các văn bản pháp luật đang được sửa đổi, bổ sung hiện nay, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự… cũng cân nhắc vấn đề này để đảm bảo PCTN hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm