Phòng đọc sách thiếu nhi ở Hải Hậu- Mô hình cần nhân rộng

Những ngày này, phòng đọc thiếu nhi của Thư viện huyện Hải Hậu thu hút rất đông thiếu niên, nhi đồng đến đọc sách. Trong căn phòng rộng hơn 50 m2 nằm trên tầng 2, được trang bị quạt trần, quạt bàn, các em thanh thiếu niên, nhi đồng ngồi kín và còn kê ghế ra hành lang say mê ngồi đọc truyện, đọc sách báo.
Thư viện tỉnh thường xuyên thu hút đông học sinh, sinh viên đến đọc sách báo.            Ảnh: Xuân Thu

Những ngày này, phòng đọc thiếu nhi của Thư viện huyện Hải Hậu thu hút rất đông thiếu niên, nhi đồng đến đọc sách. Trong căn phòng rộng hơn 50 m2 nằm trên tầng 2, được trang bị quạt trần, quạt bàn, các em thanh thiếu niên, nhi đồng ngồi kín và còn kê ghế ra hành lang say mê ngồi đọc truyện, đọc sách báo. Chủ nhân của phòng đọc sách, vợ chồng bác Đặng Duy Khảm năm nay đã gần 70 tuổi, luôn tay lấy truyện, sách ra ghi chép cho độc giả mượn sách về nhà. Bác Khảm cho biết: Thư viện huyện hoạt động đến nay gần 20 năm, ngày nào phòng đọc thiếu nhi cũng thu hút khoảng 300 lượt thiếu niên, nhi đồng đến đọc truyện, xem sách báo tại chỗ hoặc mượn về nhà. Để đáp ứng nhu cầu đọc sách của các em, nhất là trong dịp hè, hàng tuần bác Khảm đều bổ sung từ 300-400 đầu sách báo và tranh thủ mượn luân chuyển sách của Thư viện tỉnh. Hiện tại, phòng đọc sách đã có khoảng 40 nghìn đầu sách, báo, truyện tranh các loại; chưa kể đến số lượng ngần ấy sách đã được bác chuyển giao cho các cơ sở đọc sách trong và ngoài tỉnh. Phòng đọc mở cửa tất cả các ngày trong tuần, từ sáng sớm đến 10 giờ đêm và có người trông xe.

Cách trung tâm huyện khá xa, ở xóm 7 xã Hải Anh, hơn 10 năm qua bà con quanh vùng đã quá quen với thư viện sách tư nhân của ông Nguyễn Đức Cương. Thư viện sách tư nhân này nằm lọt giữa xóm làng bình yên. Với quy mô khoảng hơn một vạn cuốn sách, báo, truyện được đóng bìa cẩn thận, xếp ngay ngắn, ngày nào cũng có hàng trăm lượt người trong và ngoài xã, đặc biệt là thiếu niên, nhi đồng đến ngồi kín gần 100 ghế để đọc sách, xem truyện nâng cao hiểu biết, giải trí. Thư viện được chia làm 2 phòng: phòng đọc sách cho người cao tuổi và phòng đọc sách cho học sinh. Hình ảnh bố và con, ông và cháu cùng đến đọc sách không còn là cảnh xa lạ ở thư viện sách tư nhân này và việc đọc sách báo dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, đặc biệt có tác dụng đối với các em học sinh trong việc nâng cao hiểu biết.

Khi "văn hóa đọc" đang có chiều hướng giảm sút so với sự ra đời ồ ạt của các loại hình giải trí, nghe nhìn hiện đại thì việc tồn tại và hoạt động hiệu quả của các mô hình phòng đọc phục vụ nhu cầu của thanh thiếu niên ở huyện Hải Hậu trong thời gian dài như vừa qua là một "điểm nhấn" ấn tượng. Sự ra đời và duy trì hoạt động của phòng đọc thiếu nhi đã khẳng định được hiệu quả chủ trương xã hội hóa hoạt động thư viện "Nhà nước và nhân dân cùng làm" một cách sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đọc sách của học sinh, thanh thiếu niên. Có được thành quả đó là do có sự "vào cuộc" tích cực của các ban, ngành, đoàn thể của huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện. Trung tâm VH-TT-TT huyện đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho bác Khảm bằng việc bố trí hẳn căn phòng rộng rãi, thoáng mát và không thu lệ phí. Trung tâm còn ký hợp đồng với gia đình bác Khảm và thực hiện sự kiểm định với các đầu sách, báo. Cấp ủy, chính quyền xã Hải Anh thường xuyên tạo mọi điều kiện, động viên gia đình bác Cương mở rộng hoạt động. Cùng với sự tạo điều kiện của các cấp, các ngành, còn phải kể đến sự nỗ lực của bác Khảm, bác Cương trong công việc tốn nhiều công sức mà thu nhập không cao này xuất phát từ lòng yêu trẻ, yêu công tác văn hóa. Khi nghỉ chế độ, bác Khảm mở phòng đọc sách tại nhà với mục đích phục vụ nhân dân nơi cư trú. Nhưng trước sự khó khăn của phòng đọc thiếu nhi thư viện huyện, được sự động viên của lãnh đạo huyện, trực tiếp là Phòng Văn - Thể huyện, bác đã đồng ý tham gia để các em có được nhu cầu đọc sách. Để làm tốt công việc, bác tranh thủ đi học hỏi kinh nghiệm và nghiệp vụ thư viện ở các thư viện và cơ sở thuê sách trong tỉnh để tìm hướng cho phòng đọc sách thiếu nhi tồn tại và phát triển. Nếu sách, báo cho người lớn có thể mượn từ hệ thống thư viện thì sách, truyện tranh cho thanh thiếu niên phải trực tiếp mua nên mỗi tuần bác Khảm đầu tư gần 2 triệu đồng mua sách. Do sách và truyện tranh thiếu niên, nhi đồng có giá trị khai thác ngắn, tiền thu được từ việc đọc của các em rất ít, tối đa cũng chỉ chiếm 40-50% giá trị sách nên bác phải tìm cách đưa về cho các cơ sở sách khác ở trong và ngoài huyện. Cũng như gia đình bác Khảm, bác Cương ở xã Hải Anh nguyên là cán bộ Thành ủy Nam Định về hưu. Hơn 20 năm thường xuyên đến Thư viện tỉnh, niềm vui đọc sách đã trở thành thói quen khó bỏ đối với ông. Vì vậy, khi bác Khảm thành lập phòng đọc sách thiếu nhi, bác Cương cũng mở tủ sách gia đình để đáp ứng nhu cầu tìm đọc của người dân quanh vùng. Lúc đầu còn khó khăn về nguồn sách, lại ít người đọc nhưng bác quyết tâm duy trì vì nghĩ lợi ích của việc đọc sách sẽ mở mang tri thức cho người dân trong xã, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nhờ nguồn sách bổ sung, luân chuyển từ phòng đọc thiếu nhi của bác Khảm và Thư viện huyện, thư viện của bác Cương hoạt động ngày càng hiệu quả.

Mặc dù duy trì ở Hải Hậu từ khá lâu nhưng trên địa bàn tỉnh ta, mô hình phòng đọc sách cho thanh thiếu niên vẫn còn rất ít. Để có thể nhân rộng mô hình này hơn nữa, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố trong việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm, không gian, bổ sung đầu sách. Ngoài ra, các địa phương cũng cần tiếp tục động viên đối với những người đam mê văn hóa, yêu con trẻ vượt lên khó khăn tham gia vào hoạt động này. Sự xuất hiện càng nhiều mô hình phòng đọc thiếu nhi sẽ giúp cho sự luân chuyển về đầu sách được nhiều hơn, sẽ khai thác được triệt để giá trị của sách, giúp cho họ bớt được khó khăn về kinh phí đầu tư, duy trì hoạt động của thư viện. Có như vậy, phòng đọc sách cho thiếu nhi mới được nhân rộng để thanh thiếu niên ở nông thôn, đặc biệt là các vùng quê còn nhiều khó khăn được nâng cao mức hưởng thụ sách báo, nâng cao kiến thức./.

Đức Thiện

Đọc thêm