* Có phải bệnh tiểu đường dẫn đến bệnh suy thận mãn? Khi bị suy thận mãn tính, cần phải ghép thận hay lọc thận? (Lê Đức Anh, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
|
- Thận có chức năng tách và thanh lọc chất bẩn khỏi máu, sau đó chất bẩn được bài tiết ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Khi thận bị hư hại, nó không thể lọc chất bẩn ra khỏi cơ thể hiệu quả. Đây chính là bệnh thận mãn tính, có thể dẫn đến suy thận.
Các triệu chứng của bệnh thận mãn: Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng gì ở giai đoạn đầu của bệnh. Tuy nhiên, khi căn bệnh đã phát triển có thể có các triệu chứng sau: Chán ăn, buồn nôn, luôn cảm thấy mệt mỏi và không khỏe, mất ngủ/thay đổi thói quen ngủ thông thường, sưng tấy chân và mắt cá chân, khó thở, da khô và ngứa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thận mãn. Tuy nhiên, hai phần ba những người mắc bệnh thận mãn là do tiểu đường và huyết áp cao. Những nguyên nhân khác ảnh hưởng đến thận là do tắc nghẽn bởi những thứ như sỏi thận, u bướu, sự phình lên của tuyến tiền liệt. Chứng viêm, sưng thận, viêm mạch, viêm đường tiết niệu, những bệnh di truyền như bệnh thận đa nang hai bên, bệnh luput và những căn bệnh khác ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể.
Bác sĩ sẽ đánh giá tỷ lệ tách lọc cầu thận, giúp xác định bệnh nhân mắc bệnh thận mãn đang ở giai đoạn nào để có thể lên kế hoạch điều trị sau đó. Tuy nhiên, có phương pháp điều trị đúng thì bệnh thận mãn vẫn có thể xấu đi theo thời gian và thận sẽ ngừng hoạt động. Đấy gọi là suy thận (bệnh thận mãn giai đoạn 5). Khi thận ngừng hoạt động, toàn bộ các chất thải sẽ tích tụ trong cơ thể dẫn đến sự nôn mửa, cơ thể yếu đi, mất cân bằng chất điện phân, quá nhiều chất tích tụ trong cơ thể, gây rối loạn và thậm chí là hôn mê.
Ghép thận là một giải pháp trong điều trị suy thận mãn tính. Thường bác sĩ sẽ cho thẩm tách thường xuyên để loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.
* Người bị suy thận có nên ăn nhạt hoàn toàn không? Xin cho biết thực đơn dành cho bệnh nhân suy thận. (Lã Văn Cường, tổ 10 Lộc Phước, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng).
|
- Người bị suy thận mãn tính nên kiêng hẳn các loại dưa, cà, mắm tôm, cá mắm, rượu, bia... Khi chế biến thức ăn, tuyệt đối không cho muối và mì chính, chỉ được phép dùng 1 thìa nước mắm mỗi ngày. Khi bị phù thì phải ăn nhạt hoàn toàn.
Về nước uống, bệnh nhân suy thận mãn nên dùng nước đun sôi để nguội, nước rau luộc, nước quả (cam, quýt). Lượng nước uống mỗi ngày bằng lượng nước tiểu cộng thêm 200-300 ml.
Những thức ăn nên hạn chế:
- Gạo, khoai tây, đậu đỗ, lạc, vừng.
- Rau ngót, rau muống, rau dền, giá đỗ.
- Các phủ tạng động vật như gan, bầu dục, óc, tim....
Những thức ăn nên dùng:
- Các thực phẩm có chứa ít chất đạm như miến dong, bột sắn, khoai lang.
- Các loại hoa quả ngọt như chuối, nhãn, vải, na, xoài, đu đủ, nho ngọt.
- Các loại rau ít muối như bầu, bí, mướp, dưa chuột, bắp cải, rau cải.
- Các thực phẩm nhiều chất bổ như trứng gà, thịt nạc, cá, sữa, tôm.
Các món ăn có lợi nhất:
- Miến nấu thịt nạc hoặc thịt nạc xào giá đỗ.
- Khoai sọ, khoai lang luộc, sắn luộc chấm đường.
- Bột sắn dây nấu chè.
- Bánh bột lọc.
- Khoai tây, khoai lang rán.
Lượng thực phẩm dùng trong một ngày:
- Thịt nạc (cá, tôm) 100 g. Có thể thay bằng 2 quả trứng gà hoặc 1 bìa đậu phụ.
- Mỡ lợn 2-3 thìa cà phê.
- Gạo (hoặc mì) 120 g. Có thể thay bằng 150g miến dong hoặc 300g khoai lang, khoai sọ.
- Nước mắm 1 thìa.
- Dưa chuột, bí xanh, rau cải 200-300g.
- Chuối, na, vải, nhãn 200-300g.
P.M.C.T