Phong Nha - Kẻ Bàng xứng danh tuyệt tác kỳ vĩ tự nhiên

(PLO) - Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) khi nghiên cứu về Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã thừa nhận: Mức độ đa dạng sinh học của vườn này thuộc hàng cao nhất hành tinh.
Du khách đu dây thám hiểm hang Sơn Đòong
“Đại gia” hang động
Theo khảo sát của giới địa lý, khối núi đá vôi Phong Nha rộng lớn đến 200.000ha là khối núi đá vôi khổng lồ nhất bán đảo Đông Dương với độ cao trung bình 800m. Sừng sững nhất là “ngọn tháp cổ” - đỉnh Cotatun (1.624m), sinh cảnh đặc thù của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) được hình thành qua hàng trăm triệu năm biến đổi địa chất.
Qua hàng trăm triệu năm, vỏ trái đất đẩy những lớp trầm tích này nhô lên từ đáy biển và tạo thành những núi đá vôi sừng sững tại Phong Nha. Nước mưa thấm vào những kẽ nứt, khe hở của đá vôi, theo trọng lực chảy xuống cho đến khi gặp tầng phân lớp trầm tích thấp hơn.
Quá trình này tiếp diễn không ngưng nghỉ, lâu dài đã tạo nên những khối thạch nhũ lớn nhỏ với đủ hình hài, làm nên những kỳ quan tráng lệ như hang Sơn Đoòng, động ướt Phong Nha, động khô Thiên Đường…
Riêng động Thiên Đường dài 31,4km, rộng từ 30 - 150m, cao 60m, sâu 255m và nằm ở độ cao 360m so với mặt biển với kết cấu địa tầng rất độc đáo, hệ thống thạch nhũ tráng lệ, là chứng nhân kỳ vĩ của 400 triệu năm biến đổi địa chất.
 Cảnh hùng vĩ trong hang Sơn Đòong
PN-KB có khoảng hàng trăm hang động lớn nhỏ, làm say đắm những ai muốn khám phá địa mạo, địa chất… Đến nay, 203 hang động ở Vườn quốc gia (VQG) này đã được khảo sát với chiều dài khoảng 200km.
Khi đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh trở lại với Quảng Bình vào đầu tháng 3/2012, Trưởng đoàn - nhà thám hiểm Howard Limbert phát biểu trước báo giới rằng: “Chúng tôi tin chắc mình sẽ khám phá thêm hang động mới, khám phá cho địa phương này những tài sản danh giá của khoa học địa mạo địa chất mà không nơi nào có được”.
Tất cả hang động ở PN-KB đều lộng lẫy, kỳ vĩ như những tác phẩm điêu khắc bằng nhũ đá. Nổi bật là hang Sơn Đoòng, được hình thành khoảng 2 - 5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy.
Nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng núi. Hang có chiều cao hơn 200m, rộng hơn 150m và dài ít nhất 8.950m. Trong hang, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một dòng sông ngầm dài 2,5km và có cả những cột nhũ đá cao tới 70m. 
 Tắc kè Phong Nha.
Các nhà thám hiểm cho rằng, có những nơi trong hang Sơn Đoòng đủ sức chứa một tòa nhà cao 40 tầng ở New York (Mỹ). Một bức ảnh lộng lẫy do nhiếp ảnh gia Carsten Peter chụp vào tháng 5/2010 ghi nhận một đoạn có vòm hang cao đến 243,84m. 
Sơn Đoòng đã vượt qua hang Deer ở VQG Gunung Mulu (Malaysia) với chiều cao 100m, rộng 90m, dài 2km để trở thành hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.
Sơn Đoòng hiện là viên ngọc vô giá của Du lịch Quảng Bình và được các tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới xếp hạng top 10 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.
“Siêu” Vườn quốc gia
Trong cuốn Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn (do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam biên soạn) khẳng định: VQG PN-KB có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các VQG và khu dự trữ sinh quyển trên thế giới.
Muông thú Phong Nha. 
Thực vật trên núi đá vôi là dạng thực vật điển hình của PN-KB. Rừng nhiệt đới ở đây thường xanh, ẩm, rậm, cao 800m so với mặt biển, tỷ lệ che phủ đến 96,2%, rừng nguyên sinh chiếm đến 92,2%.
Cho đến nay, giới nghiên cứu đã xác định sự có mặt của 2.935 loài thực vật, bao gồm 201 họ, 972 chi, 6 ngành. Trong đó có 39 loài được đưa vào Nghị định 32 của Chính phủ (cấm khai thác, sử dụng và buôn bán), 112 loài trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và 121 loài trong Sách Đỏ IUCN-2011 của thế giới. 
Theo thống kê của Ban Quản lý VQG PN-KB, về hệ động vật, VQG là nơi cư trú của 138 loài thú (bao gồm cả dơi) thuộc 32 họ và 11 bộ. Có ít nhất 43 trong tổng số 140 loài được liệt kê vào Sách Đỏ Việt Nam với cụ thể có bốn loài nguy cấp cao, 18 loài nguy cấp, 16 loài sắp nguy cấp, 4 loài bị đe dọa.
Nổi bật nhất là hổ và bò tót (loài bò rừng lớn nhất thế giới). Cộng đồng linh trưởng ở đây phong phú bậc nhất Đông Nam Á với 10 loài (7 loài trong Sách Đỏ Việt Nam, đặc biệt là Voọc Hà Tĩnh).
VQG cũng sở hữu 161 loài lưỡng cư – bò sát thuộc 24 họ, trong đó có 30 loài bị đe doạ gồm 24 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 15 loài ghi trong Sách Đỏ IUCN (2011), 14 loài ghi trong Nghị định 32 của Chính phủ (2006) và 14 loài ghi trong các Phụ lục CITES (2011).
Bọ cạp Thiên Đường 
Giới nghiên cứu cũng đã xác định được 212 loài cá, thuộc 107 giống, 38 họ và 10 bộ; trong đó có 34 loài có giá trị kinh tế cao, 6 loài được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam, 1 loài nguy cấp, 4 loài cần được bảo vệ, 33 loài là đặc hữu của VQG PN-KB.
Nơi đây cũng tồn tại 460 loài động vật không xương sống thuộc 7 lớp, 22 bộ. Núi rừng PN-KB hiện là sinh cảnh của 303 loài chim. Trong đó, 20 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và 17 loài được ghi trong Sách Đỏ IUCN-2006.
Đối với động vật không xương sống trong hang động, phải kể đến 2 phát hiện mới rất quan trọng vừa qua là: Bọ cạp sống trong động Thiên Đường và bọ cạp trong động Tiên Sơn thuộc họ Pseudochactidae, được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới khi thích nghi được với điều kiện sống trong hang động không ánh sáng.
Tiếp đến là 10 loài cá mới, 1 loài cá lạ có thể bơi ngược thác mạnh, 4 loài bò sát (tắc kè Phong Nha, rắn mai gầm Thành, rắn lục Trường Sơn, thằn lằn tai); tái phát hiện sau 50 năm loài rắn lục sừng.
Kỳ diệu nhất, chuột đá Lào, được khẳng định là đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước, nhưng Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và một nhóm điều tra Việt Nam đã phát hiện chúng vẫn sống tại PN-KB./.