Mới đây, clip nhân viên dọn phòng tại một khách sạn TP.HCM dùng khăn tắm để lau bồn vệ sinh, lau sàn và các vật dụng khác trong phòng tắm đã dấy lên mối lo ngại lớn đối với nhiều khách du lịch.
Công tác thanh tra kiểm tra đã triệt để?
Ngày nay, khách đi du lịch Việt Nam thường phải mang theo đồ của mình như khăn tắm, khăn mặt chứ không dám sử dụng tại các khách sạn, nhà nghỉ vì sợ … dơ, gây nên các bệnh về da như nấm, ngứa.
Mối lo này đến từ những phàn nàn của nhiều khách du lịch về vấn đề vệ sinh môi trường không đảm bảo ở nhiều cơ sở lưu trú, thậm chí cả những cơ sở đã được Tổng cục du lịch công nhận, phong sao, phải tuân theo những tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, chịu sự giám sát, kiểm tra của các đoàn thanh tra du lịch theo định kì.
Sau khi clip nữ nhân viên dùng khăn tắm lau bồn cầu được báo Tuổi trẻ công bố, dư luận không khỏi đặt nghi vấn lớn về quy trình kiểm tra của các đoàn thanh tra du lịch tại các khách sạn được gắn sao đã khách quan, hiệu quả, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về vệ sinh phòng ốc hay chưa?
Trao đổi với truyền thông, ông Vũ Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho rằng hiện tượng mà báo chí nêu có thể có tồn tại ở một vài nơi nhưng chắc chắn không thể là chuyện phổ biến.
Bởi các khách sạn hiện nay không chỉ phải chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật, mà còn chịu sự chi phối mạnh mẽ của bàn tay thị trường. Nếu phát hiện có sai phạm như trên thì trách nhiệm lớn nhất nằm ở người quản lý khách sạn, sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, nếu không cải thiện phải gỡ hạng sao.
Song, dư luận dường như vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của các cơ quan chức năng. Đơn cử, một bạn đọc nêu bình luận: “Tôi từng làm khách sạn từ tạp vụ dọn phòng đến lễ tân khách sạn 3 sao ở trung tâm Sài Gòn và từng chứng kiến các đoàn thanh tra kiểm tra “cưỡi ngựa xem hoa” khách sạn tôi như thế nào và chính tôi từng được yêu cầu dùng khăn tắm lau bồn cầu như thế nào”.
Trên thực tế, chuyện vệ sinh phòng không đạt chuẩn là có thật; phần lớn đến từ nguyên nhân không kịp thời gian lau dọn, chuẩn bị phòng cho khách mới vào nên nhân viên phải làm nhanh, ẩu, cốt để đẹp phần hình thức.
Chị Lan, nhân viên buồng phòng tại một khách sạn 3 sao ở Hà Nội cho hay: “Nếu dọn đúng tiêu chuẩn phải mất từ 45 phút đến một tiếng cho một phòng. Trong một ca 8 tiếng tôi thường được yêu cầu phải dọn từ 10 – 15 phòng. Có những lúc thời gian dọn phòng rất gấp gáp do khách đến đột xuất, có lúc đoàn khách rất đông người, chỉ có khoảng 15 – 30 phút để dọn một phòng, nên việc phải nhanh trí, cắt bớt các thao tác cũng là điều nhân viên như chúng tôi phải lựa mà làm”.
Bẩn, ẩu vì thiếu nhân lực?
Bên cạnh đó, nhiều chủ khách sạn cho rằng những “con sâu làm rầu nồi canh” như trên đang làm ảnh hưởng đến rất nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú khác. Có rất nhiều cách để kiểm soát chất lượng vệ sinh trong các khách sạn, nhưng người chủ hay nhân viên có ý thức, có đạo đức làm nghề để làm tốt nhất nhiệm vụ, bổn phận của mình hay không.
Trước sự hoang mang của dư luận về tình trạng vệ sinh không sạch sẽ ở nhiều khách sạn đã từ lâu, nhiều ý kiến vẫn phân bua với lý do “khách còn lấy khăn tắm lau giầy thì việc nhân viên lấy khăn đó lau bồn cầu là chuyện bình thường” hay “khách sạn trên thế giới đều như vậy chứ không riêng gì Việt Nam”, hoặc “trong quá trình dọn dẹp có sót một hai phòng cũng là vì thiếu thời gian”.
Quả thực, đây là một lối suy nghĩ làm du lịch đáng chê trách, bởi lối quy chụp, đem sự hậm hực từ khách này sang khách khác. Trong khi đó, cốt lõi của ngành dịch vụ du lịch là tâm huyết của nhân viên, chất lượng của dịch vụ, đem đến sự hài lòng cho khách hàng.
Trong quản lý vệ sinh phòng buồng đều có quy trình rõ ràng như đầu tiên nhân viên sẽ thu hết đồ bẩn; sau đó đến thu gom khăn, vỏ gối... Dù quy trình này mỗi đơn vị có thể có nhiều điểm khác nhau; nhưng nếu được giám sát, quản lý chặt chẽ, sẽ hạn chế được tình trạng nhân viên làm ẩu, làm sai.
Một thực tế khác, nghề buồng phòng hiện nay cần một lượng nhân viên rất lớn, hầu như đông nhất tại các khách sạn, nhưng nguồn nhân sự chất lượng cho vị trí này lại khan hiếm hơn cả. Hơn nữa, hầu hết các trường lớp đào tạo nghề, đơn vị kinh doanh lưu trú mới chú trọng vào đào tạo nghiệp vụ; còn về đạo đức làm nghề, ý thức trách nhiệm trong công việc của nhân viên ít được chú trọng hơn.
Dù là lý do gì, vệ sinh không sạch sẽ để lại một ấn tượng xấu, một nỗi ám ảnh đối với du khách. Không chỉ thế, phòng ốc không đạt chuẩn còn ảnh hưởng đến uy tín của các công ty lữ hành dẫn đoàn đến lưu trú tại khách sạn.
Không biết từ bao giờ, chính du khách trong nước còn mang tâm lý e ngại sử dụng đồ dùng tại khách sạn, chứ chưa nói đến khách nước ngoài. Chính vì thực trạng này, dư luận mong muốn các cơ quan chức năng sẽ có phương án thanh, kiểm tra đột xuất, khách quan cũng như sát sao hơn đối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú trên các địa bàn, đặc biệt những điểm du lịch nóng, xử lý nặng các hành vi vi phạm, nhằm đảm bảo uy tín cho thương hiệu du lịch Việt.