Từ “nâng bước chân cho nghệ sĩ”…
Theo dự định, vào thời gian cuối năm nay, Như Quỳnh và em trai kết nghĩa, ca sĩ Trần Quang Hiếu sẽ khai trương phòng trà ca nhạc của nữ ca sĩ. Phòng trà này sẽ là “ngôi nhà nghệ thuật” của Như Quỳnh tại Việt Nam, nơi trưng bày những vật dụng có tính kỉ niệm, gắn với cuộc đời âm nhạc của Như Quỳnh, đồng thời cũng là nơi nữ ca sĩ hội ngộ với người hâm mộ mỗi khi trở về nước. Nhiều người cho rằng, nếu chỉ nhằm mục đích giao lưu, điểm hẹn hò của người yêu nhạc Như Quỳnh thì phòng trà có lẽ sẽ thành công, nhưng nếu định hướng chủ yếu về mặt doanh thu thì sẽ khó tránh lỗ.
Từ nhiều năm nay, kinh doanh phòng trà đã không còn là lĩnh vực “hái ra tiền” nữa. Ở thời kì vàng son của loại hình biểu diễn phòng trà, TP HCM có đến vài chục phòng trà lớn nhỏ, cái nào cũng đắt khách.
Những năm 2004 – 2007, nhiều nghệ sĩ đã nhận định, dù có số lượng phòng trà lớn nhất cả nước, nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu xem – nghe của thị trường. Thời ấy, nghệ sĩ, ông bầu thi nhau mở phòng trà, và đêm đêm, sân khấu phòng trà sáng đèn, dập dìu giai nhân tài tử. Ở thời điểm này, đến phòng trà nghe nhạc còn là một thú vui đầy tao nhã, tại đây, khán giả bỏ tiền không chỉ để nghe hát mà còn để gặp gỡ, thỏa lòng mến mộ đối với những nghệ sĩ tên tuổi.
Nói một cách khác, thời điểm đó, thành công của phòng trà là đã đem nghệ sĩ lớn đến gần với công chúng hơn, đồng thời tạo cơ hội cho những giọng ca mới vào nghề. Nghệ sĩ hải ngoại thời ấy lũ lượt kéo về “chạy show” ở phòng trà và các tụ điểm tại TP HCM.
Các phòng trà từng vang danh một thuở ở TP HCM phải kể đến MTV, M & Tôi, Không Tên, 32 Coffee, ATB, Sax n’Art Club, Yesterday Piano, 2B Lê Duẩn, Đồng Dao… đã từng là nơi nâng bước chân cho những nghệ sĩ mới tỏa sáng, thành danh sau này như Tấn Minh, Trọng Tấn, Lan Anh, Hoàng Lê Vi… cùng nhiều ca sĩ dòng nhạc trẻ khác.
Đến lo bù lỗ tồn tại
Mười năm sau thời hoàng kim, số lượng phòng trà quy mô lớn của TP HCM giảm đi, còn chưa đến một nửa. Sự bùng nổ của internet cộng với cuộc tiến công của game show truyền hình thực tế vào làng giải trí đã thừa thỏa mãn nhu cầu nghe lẫn tiếp cận nghệ sĩ của công chúng, và phòng trà dần dà trở thành một thú vui khá xa xỉ so với túi tiền của người dân, khi mà họ có nhiều lựa chọn kinh tế hơn.
Ca sĩ hải ngoại vẫn ào ào về nước, nhưng là về để làm giám khảo game show. Nhiều phòng trà đầy tâm huyết nhưng không trụ vững trước sự chuyển dịch của nhu cầu thị trường. Như ATB của nghệ sĩ Ánh Tuyết, lúc mới xuất hiện, được đánh giá rất cao bởi cách xử lý, làm mới những ca khúc tiền chiến vang bóng một thời. Dù nữ nghệ sĩ đã dồn bao tâm huyết, thậm chí phải bán nhiều bất động sản đi để duy trì phòng trà, nhưng cuối cùng cũng lực bất tòng tâm.
Nếu như thời điểm huy hoàng, chuyện quan trọng nhất của phòng trà là làm sao mời được những gương mặt hot, mới mẻ, tìm được nhiều ca khúc hay thì giờ đây, làm sao để bù lỗ, để duy trì hoạt động mới là chuyện sống còn của phòng trà.
Nói về phòng trà quy mô lớn tại TP HCM, giờ đây chưa đếm được quá đầu ngón tay. Phòng trà WE nổi tiếng, nơi có khả năng mời được những sao lớn, sao mới nổi với cát xê cao, nhưng vẫn không ít những đêm nhạc ế khách đến mức phải hủy show. Nhiều phòng trà lớn khác cũng không ngoại lệ, có đêm, nghệ sĩ đến, trang điểm, thay trang phục rồi… tẩy trang, ra về vì khách lác đác có vài người.
Trước đây, nếu những nghệ sĩ hot như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Dũng… luôn là sự đảm bảo cho phòng trà đầy kín khách, thì nay, không ít lần, tiền nước thu vào không đủ trả cho ca sĩ, ca sĩ đành giảm cát xê so với thỏa thuận ban đầu để chia sẻ với chủ phòng trà.
Sự đìu hiu của tình hình kinh doanh phòng trà tại TP HCM là có thật và nếu cứ xu hướng thế này, thì thời hoàng kim khó lòng trở lại. Những phòng trà đẹp đẽ, sang trọng, tinh tế đã trở thành những kí ức đẹp đầy nuối tiếc. Nhưng, sức bền của những phòng trà – café nhỏ cho thấy, hình thức giao lưu âm nhạc trong không gian phòng trà vẫn sẽ còn sống trong lòng thành phố, có chăng là nó đã được người Sài Gòn năng động chuyển sang một hướng thích hợp hơn để thưởng thức mà thôi.
Giờ đây, tại TP HCM, một thế hệ kinh doanh phòng trà kiểu “vừa sức” đã ra đời. Đó là những phòng trà kết hợp quán café, diện tích không quá lớn, cũng không nằm ở những mặt tiền trung tâm. Các phòng trà – café này lui vào những con hẻm, thậm chí quận ven như quận 2, quận 9, Thủ Đức…
Ca sĩ hát phòng trà rất phong phú, nhưng hầu hết đều không có tên tuổi, là ca sĩ tự do, sinh viên các trường âm nhạc… Giá mỗi phần nước + vé hầu hết không quá 150 ngàn, chỉ bằng hơn 1/10 các phòng trà hạng sang.
Những phòng trà café nhỏ khá có tiếng của Sài Gòn như Guita Gỗ, Quán Tôi, Carmen, Đen và Trắng…, số lượng khách vẫn gần đầy kín cho mỗi đêm nhạc là minh chứng cho sự hợp lý của cách thức kinh doanh phòng trà café này.