"Phong trào thi đua khích lệ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn"

Phong trào thi đua Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tác động mạnh mẽ tới tâm tư, tình cảm, nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp. Ông Nguyễn Bá Yên, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng, Bộ Tư pháp trao đổi về phong trào có ý nghĩa này.

[links()]Phong trào thi đua Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tác động mạnh mẽ tới tâm tư, tình cảm, nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp. Ông Nguyễn Bá Yên, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng, Bộ Tư pháp trao đổi về phong trào có ý nghĩa này.

Gắn thi đua với nhiệm vụ chuyên môn

- Thưa ông, điều gì đã làm nên hiệu quả Phong trào thi đua Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành Tư pháp thời gian qua?

- Ngay từ khi phát động phong trào, ngành Tư pháp đã xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, các nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện nhằm đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Ông Nguyễn Bá Yên.

Quan trọng nhất là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được quán triệt, tổ chức thực hiện gắn với các nhiệm vụ chính trị được giao. Nhờ vậy, trong năm 2012, ngành Tư pháp đã đạt nhiều thành tích, kết quả quan trọng trên các lĩnh vực công tác tư pháp, góp phần tạo nên những thành tựu chung trong phát triển kinh tế, xã hội của cả nước và từng địa phương.

Trong đó, ngành Tư pháp đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ nặng nề, khó khăn như: Chủ trì xây dựng Luật Giám định tư pháp, Luật Thủ đô, Luật Xử lý vi phạm hành chính, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hành nghề công chứng trong cả nước, hoàn thành việc thành lập và đi vào hoạt động 5 trường Trung cấp Luật, chủ trì tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp xây dựng báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992…

Nhiều án tồn đọng, đơn thư, khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài trong lĩnh vực thi hành án dân sự đã được giải quyết dứt điểm, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với các hoạt động của ngành.

Những kết quả này cũng thể hiện sự sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và ý thức tự giác hưởng ứng phong trào thi đua của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Tư pháp.

Khắc phục tính hình thức

- Phong trào đã được triển khai hơn một năm và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, qua sơ kết quá trình thực hiện, ngành Tư pháp nhận thấy còn những hạn chế, tồn tại gì cần sớm được khắc phục, thưa ông?

- Có một số hạn chế chung dễ nhìn thấy trong các phong trào thi đua là công tác tổ chức, chỉ đạo phong trào ở một số cơ quan, đơn vị còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đi vào chiều sâu. Ở nhiều nơi còn lúng túng trong thực hiện đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên hàng ngày.

Bên cạnh đó, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu một số nơi chưa tốt. Công tác phát hiện, xây dựng, phổ biến, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt thực hiện chưa thường xuyên, chưa phát hiện, xây dựng được nhiều điển hình tiên tiến để tạo sức lan tỏa trong toàn ngành.  

Cũng phải kể tới một số tồn tại cần khắc phục ngay như một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia, hưởng ứng phong trào còn ở mức độ, chưa thật chủ động, tích cực, tự giác, quyết tâm chưa cao. Một số công chức, trong đó có cả công chức lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan THADS địa phương còn suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý kỷ luật đang có xu hướng ngày càng tăng.

- Ngành Tư pháp có giải pháp gì nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của phong trào trong thời gian tới không, thưa ông?

- Phát huy những kết quả đã đạt được và hạn chế thấp nhất những hạn chế, tồn tại như đã nói ở trên, giải pháp mà ngành Tư pháp sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới là tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về ý nghĩa của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phối hợp chặt chẽ giữa việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Ngành Tư pháp cũng sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng của phong trào thi đua, không chỉ là những tập thể, cá nhân đơn vị thuộc Bộ, cơ quan tư pháp địa phương mà còn bao gồm cả các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Đồng thời, quan tâm làm tốt việc phát hiện, lựa chọn, biểu dương những tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả…

Chúng tôi cũng xác định lấy kết quả thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng đối với tập thể, cá nhân trong ngành.

Tin rằng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành Tư pháp sẽ ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thúy (thực hiện)

Đọc thêm