Phóng viên – nghề nguy hiểm

Nhiều người cứ nghĩ rằng phóng viên chiến trường mới là công việc nguy hiểm, nhưng thực chất, phóng viên luôn là một nghề nguy hiểm, ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào.
Nhiều người cứ nghĩ rằng phóng viên chiến trường mới là công việc nguy hiểm, nhưng thực chất, phóng viên luôn là một nghề nguy hiểm, ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Là phóng viên, bạn có thể phải đối mặt với những điều gì? Được đi nhiều, gặp gỡ nhiều, nơi lui tới là những sự kiện lớn, đi ra mắt những chiếc xe mới sang trọng, đi dự tiệc với những ngôi sao đình đám… Trong hình dung của nhiều người, phóng viên – nhà báo là những người sung sướng. Nhưng khi đã thực sự cầm trên tay cây bút (giờ đây là máy tính) và chiếc máy ảnh, bạn phải đối mặt với những điều gì ?. Chó đuổi, người chửi, bị chen lấn xô đẩy, bị móc túi, bị cướp giật và cuối cùng là bị hành hung, bị đập phá máy móc, bị đe dọa về tính mạng. Nghề phóng viên là một nghề thực sự nguy hiểm.
Kẻ gian lấy cắp máy ảnh của phóng viên bị bắt.
Cuối năm, khi ngày Tết đã cận kề, những người làm báo vẫn rong ruổi trên mọi nẻo đường. Người đi chụp tắc đường, người đi làm bài phản ánh về dân nghèo đón Tết, những người làm báo với niềm đam mê và chỉ mong số tiền thưởng Tết được bằng một phần ba một cầu thủ dạng trung bình chơi bóng ở V-League. Cuối năm, khi tất cả chuẩn bị nghỉ ngơi và mua sắm cho một cái Tết vui vẻ và đầm ấm, những người làm báo vẫn cứ lao động, vẫn cứ cày cuốc mà ai đó đã nói đùa rằng “Khi bạn làm báo là bạn đã mang trong mình số phận của…một con trâu”. Năm 2010 vừa qua, hàng loạt những vụ việc nhà báo bị hành hung, đe dọa đã xảy ra. Phóng viên đi tác nghiệp bị móc túi, mất trộm ĐTDĐ đã là chuyện bình thường. Hai phóng viên của TTX Việt Nam là Trần Huy Hùng và Nguyễn Phương Hoa bị kẻ gian giật mất chiếc balo trong đó có 3 ống kính máy ảnh trị giá hơn 50 triệu đồng, kẻ gian sau đó đã bị công an tóm gọn. Phóng viên Thế Dũng của báo Người lao động khi đi viết bài về buôn lậu tại Lạng Sơn đã bị hành hung một cách dã man. Cuối năm, một phóng viên khác của báo Người lao động là Hoàng Hùng đã bị kẻ ác tẩm cồn đốt trong lúc ngủ. Phóng viên làm mảng hình sự- xã hội vẫn thường xuyên bị đe dọa, gửi tin nhắn khủng bố. Những phóng viên thể thao vẫn thường nói với nhau rằng làm bóng đá là vô thưởng vô phạt, có nói ông Feguson là chẳng có tài cầm quân thì cũng chẳng làm sao, làm thể thao không khổ và nguy hiểm như làm xã hội. Thế nhưng, đến cả phóng viên thể thao cũng bị nguy hiểm khi tác nghiệp. Phóng viên Duy Bùi của báo thể thao 24h khi tác nghiệp tại sân Thiên Trường đã bị 6 người hành hung, đập phá máy ảnh. Báo 24h sau khi phản ánh, lên tiếng mạnh vụ việc này cuối cùng cũng đã nhận được công văn của BTC sân Thiên Trường nhưng trong đó rút cuộc chẳng có lấy một lời xin lỗi nào và kết quả là sự việc “chìm xuồng”. Những ngày cuối cùng của năm, lại thêm một vụ việc phóng viên bị hành hung nữa, một điều đáng buồn và đáng lên án. Hai phóng viên Lê Hân và Sỹ Lực của báo Nông thông ngày nay khi đi phản ánh vụ việc ở Grand Plaza dã bị hành hung, giật máy ảnh. Những người lao động vào can ngăn cũng bị đuổi đánh. Câu hỏi đặt ra khiến chúng ta phải đau lòng là: phóng viên – nhà báo là những người tác nghiệp, phản ánh thông tin khách quan đến độc giả đúng theo pháp luật qui định, tại sao lại bị đe dọa, hành hung??? Tại sao những người làm báo chưa được tôn trọng một cách đúng mực? Những hành vi côn đồ, bạo lực gây nguy hiểm đến tính mạng những người làm báo cần phải được trừng trị đích đáng, nhà báo cần phải được pháp luật bảo vệ. Những điều nêu trên cho thấy nghề báo là một nghề nguy hiểm, và những người làm báo khi đi tác nghiệp ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào vẫn cứ luôn đứng trước nguy cơ nguy hiểm rình rập, không lẽ những người làm báo ngoài việc nâng cao năng lực nghiệp vụ còn phải đi học thêm cả môn Boxing để tự bảo vệ cho mình, để tự vệ trong giới hạn cho phép.
Phóng viên ảnh thể thao Duy Bùi, người tùng bị hành hung ở sân Thiên Trường tiếp tục tác nghiệp với nụ cười ấm áp luôn nở trên môi.
Bản thân chúng tôi, những người làm báo, những ngày cuối năm vẫn gửi đến nhau những lời chia sẻ, động viên, vui khi bạn bè, đồng nghiệp có được một bài báo hay đăng số Tết. Bên cạnh đó là những nỗi buồn, niềm đau, sự bức xúc khi một đồng nghiệp nào đó lại bị đe dọa, hành hung. Nghề báo vất vả, nhọc nhằn, thậm chí nguy hiểm nhưng không vì thế mà những người làm báo bớt đi niềm đam mê, bớt đi động lực để cố gắng. Trong sự nghiệp Đổi mới Đất nước, trong niềm vui của người dân khi Tết đến xuân về, kinh tế đi lên và những cái Tết của người dân lao động được đầm ấm, sung túc hơn, những người làm báo đã có những sự đóng góp đầy ý nghĩa. Mỗi người làm báo được sống với những sự kiện kinh tế, văn hóa thể thao lớn của Đất nước, được có điều kiện nhìn nhận rõ hơn những bước chuyển mình đi lên, và đó là những niềm vui lớn mà không phải ai cũng có được. Xuân về, mong cho những người làm báo, mong cho các đồng nghiệp khắp nơi có một mùa xuân ấm áp, hạnh phúc, và cũng có thêm một mong muốn đơn giản và thực tế: mong cho mỗi nhà báo được an toàn hơn mỗi khi cầm máy đi tác nghiệp.
Theo Quang Anh (Vnmedia)

Đọc thêm