Phụ huynh trường tư đau đầu học phí đầu năm học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, học trực tuyến đã không còn là giải pháp tình thế, mà sẽ linh hoạt khi bùng dịch. Và câu chuyện làm sao để thống nhất mức học phí online giữa các trường tư, cũng như việc tăng học phí theo lộ trình ở bậc đại học đang khiến nhiều phụ huynh rối bời…
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Trường dừng, trường tăng học phí

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhận được nhiều kiến nghị của công dân liên quan đến việc Đại học (ĐH) FPT tăng học phí trong năm tới. Các kiến nghị đều cho rằng ĐH FPT tăng học phí quá cao trong thời điểm dịch bệnh. Việc học online gặp nhiều khó khăn nhưng nhà trường không có biện pháp giải quyết. Sinh viên và phụ huynh đã nhiều lần kiến nghị nhưng không được nhà trường lắng nghe.

Cụ thể, theo chính sách tài chính được ĐH FPT thông báo từ tháng 2, bắt đầu từ tháng 9, nhà trường sẽ áp dụng mức học phí chuyên ngành mỗi kỳ là 27,3 triệu đồng (trước đây 25,3 triệu đồng). Một năm học của trường có 3 học kỳ, mỗi học kỳ kéo dài 10 tuần. Cũng thời gian qua, ở khối THPT, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT FPT cơ sở Hà Nội gửi “Đơn kêu cứu” vì không đồng tình mức giảm của nhà trường đối với một số khoản phí khi học online do tác động của dịch COVID-19.

Những phụ huynh này cho hay, vừa qua, họ nhận được thông báo của Trường THPT FPT cơ sở Hà Nội về việc hoàn trả các khoản phí do ảnh hưởng của dịch Covid19 cuối năm học 2020-2021 và đóng các khoản phí học kỳ 1 năm học mới 2021-2022. Sau khi xem xét, các phụ huynh cho rằng việc hoàn trả này chưa thỏa đáng. Việc hoàn trả phí hoạt động ngoại khóa 25% là chưa hợp lý vì các hoạt động này gần như không tổ chức được do một nửa thời gian học online. Do đó, theo họ, trường cần hoàn trả phí khoản này ở mức 50% của học kỳ 2.

Cùng đó, thời gian mà trường tính để hoàn trả các dịch vụ chưa sử dụng như xe buýt, phòng ở ký túc xá trong thời gian học sinh học online 2 tháng là chưa đúng.

Theo phụ huynh, thời gian các con học online và nghỉ tại nhà là 2,5 tháng. Vì lý do này, các phụ huynh kiến nghị trường hoàn trả 30% học online và 100% học phí thời gian không học, hoàn trả 100% tiền xe buýt và tiền phòng ở ký túc xá trong 2,5 tháng, không phải 2 tháng như cách trường đang tính…

Có thể nói, ở bậc phổ thông, hiện tượng phụ huynh không thỏa đáng với mức thu học phí online diễn ra ở hầu hết các trường tư. Và trước đề nghị của Bộ GĐ-ĐT, Hệ Phổ thông FPT trên toàn quốc cho biết sẽ tạm thu học phí đầu năm học 2021-2022 theo mức học phí của năm học trước trong khi chờ xây dựng mức học phí chính thức.

Cùng với đó, ĐH FPT quyết định sẽ tạm thu học phí đầu năm học 2021-2022 dựa trên khung học phí của năm học trước đó. Đồng thời, nhà trường cũng tạm điều chỉnh mức hỗ trợ người học gặp khó khăn do COVID-19 là 15% thay cho mức cao hơn đã thông báo trước đây…

Tương tự, Hệ thống Trường phổ thông liên cấp Newton, Hệ thống Giáo dục Alpha school, Hệ thống Giáo dục thực nghiệm Victory tại Hà Nội cũng cho biết không tăng học phí so với năm học cũ. Việc tăng học phí ở các trường tư với mức học phí vài chục triệu mỗi kỳ đã đau đầu với phụ huynh thì ở các trường quốc tế, nơi học phí hàng trăm triệu mỗi kỳ, vấn đề học phí lại càng căng thẳng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, tất cả đều lao đao, thậm chí nhiều đơn vị kinh doanh phá sản…

Chính vì thế, năm nay nhiều phụ huynh của Trường quốc tế Anh Việt (BVIS) đang phải đau đầu lo tiền học cho con. Mức học phí thấp nhất của trường là hơn 200 triệu đồng/năm với bậc mầm non, gần 400 triệu đồng với bậc tiểu học và từ trên 450 triệu đến trên 519 triệu/năm với bậc trung học. Đặc biệt, trong năm học 2021-2022 tới, Trường công bố tiếp tục tăng học phí ở mức 5% với bậc mầm non và tiểu học, 6% với bậc trung học. Cho dù việc học sinh sẽ tiếp tục phải học online là khó tránh khỏi.

Và học phí cao ngất ở khối Y - Dược: Bao nhiêu là đủ?

Cùng với sự tự chủ của Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH khi tự chủ sẽ đồng nghĩa với lộ trình tăng học phí. Tuy nhiên, học phí đào tạo khối ngành y, dược luôn gây sốc bởi so với mặt bằng chung, mức học phí ngành y ở một số trường được cho là cao quá mức. Đề án tuyển sinh của các trường cho thấy, năm học 2021- 2022 và lộ trình học phí cho cả khóa học, có trường công bố mức học phí ngành y lên tới hơn 200 triệu đồng/năm.

Thống kê sơ bộ, trường ĐH công lập có mức học phí đào tạo ngành y tương đối ổn định, ở mức tương đương nhau và dễ chịu hơn so với các trường ĐH ngoài công lập. Theo đó, mức học phí các trường đào tạo ngành Y - Dược ở trường công thấp nhất là 14,3 triệu đồng/năm, cao nhất là 88 triệu đồng/năm; ở trường tư cao nhất là 220 triệu đồng/năm.

Đơn cử như Trường ĐH Y Hà Nội học phí năm 2021-2022 vẫn theo Nghị định 86 của Chính phủ năm 2015 (14,3 triệu đồng/năm) và Nghị định thay thế Nghị định 86 của Chính phủ. Khi thực hiện tự chủ, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ thay đổi mức học phí; Trường ĐH Dược Hà Nội trong năm 2021 vẫn tạm thu 14,3 triệu đồng/năm cho đến khi có Nghị định thay thế Nghị định 86 của Chính phủ; Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam thu học phí năm học 2021- 2022 là 14,3 triệu đồng/năm; Trường ĐH Y tế Công cộng mức học phí năm 2021-2022 là 14,3 triệu đồng/năm; Trường ĐH Y dược (ĐH Thái Nguyên) có mức học phí năm 2021 là 14,3 triệu đồng/năm; Trường ĐH Tây Nguyên, học phí đào tạo các ngành: Y khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng năm 2021-2022 là 14,3 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố học phí ngành Răng - Hàm -Mặt; Y khoa chương trình tiếng Việt là 182 triệu đồng/năm; học phí ngành Răng - Hàm - Mặt; Y khoa chương trình tiếng Anh là 220 triệu đồng/năm; học phí ngành Dược học 55 triệu đồng/năm; các ngành khác 50 triệu đồng/năm…

Theo đó, từ mùa tuyển sinh 2020, dư luận đã băn khoăn về mức học phí khủng của khối trường y dược, hoặc trường có đào tạo ngành y, dược. Liên quan đến vụ học phí tăng đến 70 triệu đồng/năm (ĐH Y dược TP HCM). Trước độ “nóng” của học phí ngành y năm 2020 đã khiến Bộ GD-ĐT phải vào cuộc. Bộ GDĐT đã đề nghị Bộ Y tế xác minh vụ học phí trường y tăng gấp 5, qua đó cần cung cấp thông tin công khai cho xã hội và người học.

Theo lý giải của PGS.TS Ngô Minh Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì học phí khối ngành Y, Dược quá thấp sẽ không thể đào tạo được nhân lực bậc cao và để sinh viên cạnh tranh trong khu vực. GS. Nguyễn Văn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cho rằng, việc tăng học phí khối ngành Y, Dược là tất nhiên. Nhưng cơ sở thế nào thì cần có công trình chứng minh tăng bao nhiêu lần là phù hợp, sinh viên sẽ được tăng thụ hưởng cụ thể ra sao?… Nếu cần thiết, cần thành lập nhóm giúp khảo cứu về điều này.

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), khi Luật yêu cầu công khai mức học phí ngay từ Đề án tuyển sinh thì việc một trường nào đó đặt ra mức học phí quá cao, không thuyết phục, không giải trình được… thì chắc chắn sẽ bị người học quay lưng.

Trở lại vấn đề tăng học phí, ngay từ đầu tháng 8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục và đào tạo về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh COVID-19 và đề nghị giữ ổn định mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.

Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục cần căn cứ các công văn, hướng dẫn của Bộ GDĐT về việc đảm bảo chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, để tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và công khai, minh bạch.

Đọc thêm