Phụ nữ cô đơn trong vòng vây bạo lực gia đình

Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời, theo đó là các mô hình ngăn chặn bạo lực gia đình, giúp đỡ nạn nhân. Thế nhưng, vẫn có nhiều người phụ nữ luôn cảm thấy không an toàn trong chính ngôi nhà của mình, trong chính những vòng tay giang ra để giúp đỡ mình. 

Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời, theo đó là các mô hình ngăn chặn bạo lực gia đình, giúp đỡ nạn nhân. Thế nhưng, vẫn có nhiều người phụ nữ luôn cảm thấy không an toàn trong chính ngôi nhà của mình, trong chính những vòng tay giang ra để giúp đỡ mình. 

Chắc chị nói gì nó mới đánh (!)

Theo điều tra quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ năm 2010 thì 58% phụ nữ được hỏi bị ít nhất một hình thức bạo lực gia đình (thể chất, tình dục, tinh thần). Và trong số này, có tới 87% không hề tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ các địa chỉ hỗ trợ hay ban ngành ở địa phương; gần 50% không hề tiết lộ việc mình bị bạo lực gia đình cho bất kỳ ai.

Có nhiều lý do dẫn đến sự im lặng đáng lo ngại này như: bản thân người trong cuộc quan niệm “xấu chàng hổ ai” nên không muốn nói đến; cộng đồng lại cho rằng đó là việc riêng của gia đình (một nghiên cứu thực hiện năm 2008 chỉ ra rằng chỉ có 43% số vụ việc bạo lực gia đình được báo cho cơ quan công an, và trong số này có tới 34% người bị bạo lực được khuyên là nên “giải quyết vấn đề” trong nội bộ gia đình); và rất nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình nghĩ rằng họ không được nhìn nhận công bằng khi nhờ chính quyền, đoàn thể can thiệp.  

Để bảo vệ quyền lợi phụ nữ, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước CEDAW.
Tại Hội nghị quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2012 với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách từ Luật tới cuộc sống” diễn ra cuối tháng 9 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thu Thúy, Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho rằng, sở dĩ tình trạng bị bạo lực của phụ nữ vẫn bị che giấu, lờ đi, không dám nói vì họ chưa có niềm tin. Điều này cũng chứng tỏ các dịch vụ, các cơ quan chức năng được giao trong lĩnh vực này đang bỏ ngỏ nhiều thứ. Theo bà Thúy, điều này liên quan một phần đến việc hòa giải mà nhiều nơi đang áp dụng cho các hộ gia đình có bạo lực gia đình. 
Hòa giải được coi là một trong những biện pháp đầu tiên để xử lý người có hành vi bạo lực gia đình áp dụng hầu hết ở các địa phương. Nhưng hiện nay việc hòa giải đang không có tác dụng răn đe, không có tác dụng gì với người bạo lực. Bởi qua thực tế tìm hiểu, việc thực hiện hòa giải của cơ quan đoàn thể còn chưa đúng, xuê xoa, thậm chí đổ lỗi cho người phụ nữ như “chắc chị nói gì nó mới đánh”, “Thôi, anh ấy vốn bình thường, bản chất tốt, chẳng qua hôm nay say rượu”...
Một phụ nữ trong tổ hòa giải ở Yên Bái cho biết: “Thường hòa giải trên quan điểm vì hạnh phúc gia đình mỗi người nhịn đi một tý. Phân tích cho chồng, phân tích cho vợ. Thường là khuyên vợ phải nhịn chồng, phải khéo léo, không làm chồng mất mặt… Phụ nữ có trách nhiệm chăm sóc, vun vén cho chồng con”. Với cách hòa giải như thế này, người bạo lực thấy họ không phải chịu trách nhiệm về hành vi đó mà đổ lỗi cho rượu, cho chính nạn nhân của bạo lực, tính chất của hành vi bạo lực vì thế sẽ bị làm nhẹ đi rất nhiều. 
Triển khai luật theo kiểu “phép vua thua lệ làng”
“Bảo vệ phụ nữ hay quyền của phụ nữ” – đó là câu hỏi mà bấy lâu nay những người làm công tác gia đình thường đặt ra tự vấn mình. Câu hỏi này cũng được đem ra mổ xẻ trong hai ngày Hội nghị quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2012, nhưng lời đáp thì có vẻ vẫn chưa thỏa mãn. Theo Luật PCBLGĐ, UBND có vai trò lớn trong việc PCBLGĐ nhưng trong thực tế lại thể hiện mờ nhạt. “Những người có chức năng xử lý như công an viên, tổ trưởng dân phố… phần lớn có mối quan hệ họ hàng, hàng xóm với người gây bạo hành nên… không nỡ xử phạt.
Để bảo vệ tính toàn vẹn của gia đình, nhiều tổ chức hòa giải lại hướng đến việc tìm kiếm cái sai ở người phụ nữ để biện minh cho hành động bạo lực của người chồng” – theo bà Hồng Giang, nghiên cứu viên CSAGA. Hay nói như một nữ cán bộ tổ hòa giải: “Khi xẩy ra bạo lực, cố gắng tìm ra “nguyên nhân từ phía phụ nữ” để đổ lỗi, cho nên công tác hòa giải chưa đứng trên quan điểm bảo vệ quyền chính đáng của người phụ nữ”.
Để thúc đẩy quyền con người của phụ nữ, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tham gia Công ước bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Trong hệ thống nội luật, Việt Nam cũng đã có Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ. Theo các văn bản này, phụ nữ là chủ thể của quyền. Quyền cơ bản nhất của phụ nữ là quyền được sống, quyền được sống an toàn và quyền được sống hạnh phúc.
Thế nhưng, việc triển khai Luật theo kiểu “phép vua thua lệ làng” là một trong những nguyên nhân chính mà các nhà nghiên cứu, người thực hiện luật ở cơ sở cho rằng: quyền của người phụ nữ và quyền của con người nói chung trong vấn đề phòng, chống BLGĐ đang bị chối bỏ. 
Hồng Minh

Đọc thêm