Phụ nữ Dao Tiền thay đổi cuộc sống từ du lịch cộng đồng

(PLVN) - Từ khi các mô hình du lịch cộng đồng phát triển và lan tỏa trong nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nghề thủ công truyền thống của cộng đồng người Dao Tiền ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã dần trở thành sản phẩm du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Phụ nữ Dao Tiền với khát vọng thay đổi cuộc sống được “đánh thức”. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng nâng cao.
Bà con làng Hoài Khao trình diễn nghề in thêu hoa văn bằng sáp ong dưới mái nhà âm dương. (Ảnh: Ngọc Anh)

Homestay với mái ngói âm dương cổ xưa

Hoài Khao là xóm của đồng bào Dao Tiền nằm e ấp sau những núi non trùng điệp hoang sơ. Những mái nhà nâu trầm lợp ngói âm dương đậm bản sắc Dao Tiền đong đầy nét hoài cổ, thơ mộng ẩn hiện sau những lũy tre xanh mát.

Hoài Khao không chỉ có yên bình, mà còn giữ gìn giá trị văn hóa, điển hình như kiến trúc nhà cổ bằng gỗ 3 - 5 gian, lợp bằng ngói âm dương. Ngoài nếp nhà chính để sinh hoạt, mỗi gia đình có một kho chứa thóc làm bằng gỗ nằm tách biệt với nhà chính. Những kho chứa thóc cũng là nét riêng độc đáo chỉ có ở Hoài Khao... Dân tộc Hoài Khao có hai dòng họ lớn là họ Chu và họ Lý. Phía bên hông nhà xây dựng miếu thờ làm bằng đá để thờ tổ tiên gia đình.

Người dân Hoài Khao chủ yếu sống bằng cây lúa, củ khoai, ngô sắn. Đàn ông thường lên rừng đốn củi, tìm những vị thuốc bằng lá, còn phụ nữ thường lên nương, chăm sóc con và đàn gia súc tăng gia sản xuất hay ở nhà dệt cửi, trang trí vải thổ cẩm bằng sáp ong. Họ sống mộc mạc, chân chất, hiền hòa.

Do giữ gìn được những giá trị văn hóa, nếp sống giàu bản sắc của người Dao Tiền, vào tháng 10/2020, xóm Hoài Khao được huyện Nguyên Bình chọn làm điểm du lịch cộng đồng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình cũng như giới thiệu bản sắc văn hóa người Dao Tiền độc đáo.

Ngày 27/4/2022, UBND huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã tổ chức khánh thành điểm du lịch cộng đồng người Dao ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) trước niềm vui khôn tả của người dân xóm Hoài Khao được gọi là xóm Trâu Trắng này.

Hai du khách mặc trang phục Dao Tiền do đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Hoài Khao tạo nên. (Ảnh: Thùy Dương)

Chị Lý Thị Hương - chủ một homestay phấn khởi kể: “Người dân xóm Hoài Khao mới đầu khi nghe du lịch cộng đồng thì lạ lắm. Bởi từ xưa tới nay, họ ít ra khỏi thung lũng, quanh năm chỉ biết hạt thóc, hạt ngô. Nhưng khi nghe các cán bộ xã, cán bộ huyện, tỉnh tới nói đó là sự bảo vệ, phát huy, giới thiệu văn hóa dân tộc Dao Tiền cùng những vẻ đẹp thiên nhiên, nếp nhà nơi đây và phát triển kinh tế gia đình, làng xóm, chúng tôi mừng lắm. Mừng nhiều mà lo không ít. Để làm một homestay, chúng tôi phải tu bổ lại nhà, lợp lại mái nhà âm dương, mua gỗ đóng giường tủ, bàn ghế, chòi nghỉ chân, làm đẹp cảnh quan nhà bằng hoa lá, làm vệ sinh đạt chuẩn… tất cả hết những hơn 300 triệu đồng. Số tiền này đối với chúng tôi là một số tiền khổng lồ. Rất may, chúng tôi được huyện Nguyên Bình hỗ trợ mỗi homestay 80 triệu đồng và giúp vay vốn ưu đãi của tỉnh, của Nhà nước, chúng tôi mạnh dạn bắt tay đổi mới”.

Suốt vài tháng, những cán bộ huyện, xã không quản đường xa mỗi ngày đi đi về về, hỗ trợ người dân tập huấn tổ chức homestay cũng như cách tiếp đón du khách và giúp dân dọn dẹp, trang trí homestay, bê tông hóa 20m đường vào nhà dân, hướng dẫn bà con vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Cả xóm rộn ràng, tràn ngập niềm hy vọng.

Chỉ trong thời gian ngắn, xóm Hoài Khao đã xuất hiện hơn 10 homestay, 3 nhà trưng bày đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ lao động sản xuất, 3 bộ bàn ghế tại 3 chòi nghỉ dừng chân, đặt 9 thùng rác tại các điểm quy định... Từ khi có chương trình phát triển xóm trở thành điểm du lịch cộng đồng, bà con tích cực vệ sinh nhà ở, giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Đường vào xóm sạch sẽ, rải đầy sắc hoa.

Chị Nông Thị Thủy - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyên Bình vui vẻ cho hay: “Người dân Hoài Khao rất chăm chỉ và tiếp thu kiến thức mới rất nhanh. Từ những người làm nông đơn thuần, họ đã biết tổ chức homestay cũng như cách tiếp đón du khách. Tại xóm đã thành lập các tổ, đội phục vụ khách du lịch như: Đội văn nghệ bảo tồn văn hóa truyền thống; Đội thêu, in hoa văn sáp ong; Tổ bảo tồn văn hóa nghi lễ truyền thống; Tổ đan lát các sản phẩm lưu niệm; Tổ dược liệu; Tổ chế biến các món ăn; Tổ đón tiếp và hướng dẫn khách du lịch; Tổ vệ sinh môi trường; Tổ an ninh, Tổ quản lý tài chính... nhằm cung ứng dịch vụ, sản phẩm trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan.

Lối đi vào homestay Nhất Nhất của chị Chu Thị Hạnh (sinh năm 1993) rải những khóm cẩm tú cầu tím nhạt xinh xắn. Ngôi nhà gỗ mái âm dương đầy ắp tiếng cười của dân bản và du khách. Du khách được ngắm những cốc, chén gốm sứ cổ và những bộ trang phục người Dao Tiền được trưng bày trên vách tường. Du khách còn được thưởng thức món ăn: cá chép ruộng, ốc ruộng, rau rừng bổ máu, gà đồi, thịt lợn đen, xôi nếp cẩm được tẩm ướp, xào nấu hương vị đậm dân tộc Dao Tiền cùng những chén rượu gạo thơm nồng.

Phụ nữ Dao Tiền với khát vọng thay đổi cuộc sống từ du lịch cộng đồng. (Ảnh: Tuệ Minh)

Buổi tối, làn điệu Páo dung cùng những cô sơn nữ miệng cười tỏa nắng duyên dáng trong bộ trang phục in hoa văn sáp ong đưa du khách tới Nhà văn hóa Hoài Khao để khám phá trích đoạn trình diễn Lễ cấp sắc độc đáo của người Dao Tiền. Lễ cấp sắc dành cho người con trai từ tuổi vị thành niên trở lên và coi đây là sự trưởng thành đủ điều kiện kết hôn. Cấp sắc của người Dao Tiền có nhiều cấp bậc: bậc đầu tiên là 3 đèn, bậc thứ hai được cấp 7 đèn, tham gia buổi lễ có rất nhiều thầy cúng, thầy cả và thầy hai giữ vai trò chính, thầy cả gọi là “Chềnh mềnh say”, thầy hai gọi là “Chì chiều say”, người được cấp sắc gọi là “con hương”. Người Dao Tiền còn có lòng tin sâu sắc rằng khi được cấp sắc làm ăn mới may mắn, phát đạt, sinh hoạt mọi mặt thuận lợi, dòng họ mới thịnh vượng.

Đêm muộn, sương lạnh, người dân bản và du khách cùng nhau chuyện trò và cùng nếm miếng khoai, bắp ngon thơm nồng nướng trong bếp củi đượm than hồng.

Du khách ngóng đợi sáng sớm hôm sau để được “săn mây” ngay chính những homestay của xóm. Những đám mây óng mướt bồng bềnh nhẹ gót phiêu du trên từng mái nhà âm dương, len lỏi qua từng kẽ lá rồi lại lướt vào những sườn núi mờ ảo. Cảnh sắc ấy khiến du khách ngỡ như lạc vào cõi tiên.

Những cụ bà, cô sơn nữ tỉ mẩn in hoa văn sáp ong

Những cụ bà, cô sơn nữ ngồi sân tỉ mẩn in hoa văn sáp ong lên thổ cẩm như những họa sĩ vẽ tranh. Tại homestay Khánh Hưng, vừa in sáp ong, chị Bàn Thị Liên ân cần giới thiệu nghề truyền thống hàng trăm năm của dân tộc mình. Điểm khác biệt nữa tạo nên sức hút của du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao chính là những tổ ong khoái ở 2 hang động quanh xóm. Người dân xóm Hoài Khao có tục cấm phá tổ ong lấy mật nên một hang động có hàng trăm đàn ong bay về làm tổ. Những tổ ong khoái to như tấm chiếu với hàng triệu con ong bám vào, tạo nên một cảnh tượng kỳ vỹ hiếm thấy. Mùa xuân ong khoái về làm tổ, lập thu lại bay đi. Khi bay đi, những con ong khoái để lại vỏ sáp là nguyên liệu để những người phụ nữ nơi đây đun nấu thành sáp ong sử dụng in trên vải, tạo nên những hoa văn độc đáo lên thổ cẩm truyền thống. Các sản phẩm vải thủ công in sáp ong không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt, đồng bào còn mang bày bán tại chợ phiên địa phương, phố đi bộ nhằm tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Những người phụ nữ Dao Tiền cũng thường xuyên phô diễn kỹ thuật in sáp ong để quảng bá, giữ chân du khách.

Để giúp bà con Dao Tiền bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, thời gian qua, UBND huyện Nguyên Bình đã phối hợp với trung tâm văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thông tin tỉnh Cao Bằng mở nhiều lớp tập huấn về truyền dạy in hoa văn sáp ong cho các chị em trong xóm và các xóm lân cận tham gia. Nhờ đó, ngày càng có nhiều chị em Dao Tiền biết và thực hành các kỹ thuật in thêu truyền thống đặc sắc của dân tộc. Chị Bàn Thị Liên phấn khởi cho hay: “Sau khi học các lớp tập huấn về truyền dạy in hoa văn sáp ong cho các chị em, chúng tôi học và sáng tạo nhiều sản phẩm lưu niệm mới như: móc chìa khóa, túi đựng điện thoại, túi xách, ba lô, khăn trải bàn, rèm cửa sổ…

Người phụ nữ cao tuổi Dao Tiền vui vẻ đón du khách bên homestay của mình. (Ảnh: Thùy Dương)

Bà con trong làng cùng giúp đỡ nhau làm du lịch, nhà nào không mở homestay thì mở nghề in hoa văn sáp ong, hoặc thêu thùa, một số nhà thì làm nghề thuốc nam, thuốc tắm, thuốc ngâm chân. Những người phụ nữ Dao Tiền biết quảng bá homestay qua các mạng xã hội như: facebook, tiktok, zalo, trên các trang du lịch huyện Nguyên Bình và du lịch tỉnh Cao Bằng. Lượng khách du lịch vào đây chủ yếu là khách du lịch trong nước. Khách du lịch đông vào dịp nghỉ lễ, ngày thường thì đông vào dịp cuối tuần,

Đồng bào Dao Tiền ở xóm Hoài Khao nói chung, những người phụ nữ nơi đây nói riêng đều có ý thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, từ kiến trúc nhà cửa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tiếng nói… Đặc biệt, nghề in hoa văn bằng sáp ong được lưu truyền từ đời này qua đời khác, như một nét văn hóa độc đáo và cũng là niềm tự hào của dân tộc.

Ông Đào Nguyên Phong - Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, người rất tâm huyết với bà con xóm Trâu Trắng tràn đầy hy vọng, xóm Hoài Khao không chỉ trở thành một điểm đến đầy tiềm năng trên bản đồ du lịch Cao Bằng mà còn là điểm đến không thể thiếu của Việt Nam và trên thế giới.

Đọc thêm