Phụ nữ kỳ thị... chính mình

Bản thân phụ nữ cũng kỳ thị chính mình. 46,1% số người được hỏi cho biết, họ không thoát khỏi sự đè nặng của định kiến giới trong bản thân để rồi nhận về mình gánh nặng việc nhà, áp lực sinh con trai và cả những nắm đấm bạo hành…

Bản thân phụ nữ cũng kỳ thị chính mình. 46,1% số người được hỏi cho biết, họ không thoát khỏi sự đè nặng của định kiến giới trong bản thân để rồi nhận về mình gánh nặng việc nhà, áp lực sinh con trai và cả những nắm đấm bạo hành…

Tiền vợ chồng cùng kiếm, nhưng chị em chỉ có quyền… đi chợ

Sau 5 năm Luật Bình đẳng giới (BĐG) được tuyên truyền, thực hiện, kết quả khảo sát xã hội học năm 2012 (do Viện Xã hội học-Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tiến hành ở Hà Nội, Hòa Bình, Huế, Tiền Giang) cho thấy “phong tục, định kiến xã hội” vẫn tiếp tục là rào cản lớn, là nỗi “ám ảnh” cho sự bình đẳng trong quan hệ gia đình”.

 

Chính Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền (Chủ tịch UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam) cũng phải thừa nhận: “Tư tưởng định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức”.

Dù khẳng định rằng: “Mô hình truyền thống về phân công lao động gia đình gần như không còn chiếm vị trí độc tôn, nhất là ở những gia đình thành thị, học vấn cao, nghề phi nông nghiệp”, song đáng tiếc thực tế đó lại không đồng nghĩa với việc định kiến xã hội về việc nhà có sự thay đổi hoặc đã dần bị triệt tiêu.

Ngược lại, định kiến này vẫn tồn tại trong các nhóm xã hội, nhất là nhóm nam giới, nghề nông, lâm nghiệp và nguy hiểm hơn nó tiếp tục tồn tại nặng nề trong bản thân nữ giới. 46,1% số người được hỏi cho biết: mức độ chia sẻ việc nhà không thay đổi suốt 5 năm qua.

Khi phụ nữ có nhiều cơ hội để vượt ra khỏi cánh cổng nhà thì nghĩa vụ kiếm tiền được chia đều cho cả vợ và chồng, thậm chí có gia đình, vợ kiếm được nhiều tiền hơn.

Dù vậy, quyền quyết chi tiêu trong gia đình vẫn theo mô hình truyền thống: vợ quyết khoản nhỏ (chủ yếu đến sinh hoạt hàng ngày), chồng quyết khoản lớn (có bàn bạc trong gia đình).

Và tình trạng phân biệt con trai, con gái, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên để giải “cơn khát” con trai vẫn đang diễn ra, không chỉ ở nông thôn hay những gia đình có trình độ học vấn thấp mà cả những gia đình cán bộ, có điều kiện và trình độ học vấn cao, ở các đô thị.

Không những thế, hiện tượng phân biệt giới, bạo lực gia đình còn chi phối mạnh cơ hội và sự tham gia của nữ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, địa phương, duy trì hiện tượng bất bình đẳng, vi phạm BĐG trong lĩnh vực lao động, tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn...

Luật chịu “kiếp vô hình”

Cuộc đấu tranh cho BĐG là bảo đảm BĐG thực chất và xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, bởi “BĐG không có nghĩa để đàn ông ở nhà làm nội trợ, mà để giúp phụ nữ ra ngoài làm việc nhiều hơn” như nhận định của nhà xã hội học Lars Plantin (Đại học Malmoe, Thụy Điển).

Muốn vậy, lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật là một biện pháp chiến lược để thực hiện BĐG và bảo đảm quyền của phụ nữ được thực hiện trên thực tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận xét: “Luật BĐG và các văn bản hướng dẫn còn chung chung, mang tính chỉ tiêu phấn đấu và khuyến nghị về các mục tiêu BĐG về mặt chính trị, không mang tính bắt buộc, không qui định trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm trong việc thực hiện mục tiêu BĐG về mặt chính trị và thiếu các biện pháp xử lý kỷ luật nếu không đạt mục tiêu đề ra”

Khảo sát không phát hiện thấy hiện tượng vi phạm BĐG trong lĩnh vực chính trị, giáo dục và đào tạo, nhưng vi phạm BĐG trong lĩnh vực lao động của các công ty, doanh nghiệp sản xuất ở các địa phương hiện nay là khá phổ biến, chủ yếu trong quá trình tuyển dụng lao động, chế độ lao động, phúc lợi xã hội.

 Điều đáng nói là những vi phạm Luật BĐG gần như “vô hình” với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức nên thiếu sự can thiệp để ngăn chặn hay xử lý các vi phạm dẫn đến việc càng góp thêm cơ hội cho phân biệt giới, bạo hành gia đình tồn tại.

Trong khi các lực lượng chức năng, nhất là UBND cấp xã, chưa làm tốt trách nhiệm xử lý hiện tượng vi phạm BĐG thì văn bản qui định, chế tài xử phạt chưa mạnh, “không đủ gãi ngứa”, chứ nói gì đến răn đe hành vi vi phạm BĐG.

Hải Nhật

Đọc thêm