Phụ nữ Mỹ dễ dàng đi tù chỉ vì không bảo vệ thai nhi

Một nhóm các nhà hoạt động vì quyền lợi của những người phụ nữ mang thai tại Mỹ cho rằng, nước Mỹ đang đi quá xa trong việc bảo vệ bào thai mà tước bớt đi quyền của mẹ chúng.

Một nhóm các nhà hoạt động vì quyền lợi của những người phụ nữ mang thai tại Mỹ cho rằng, nước Mỹ đang đi quá xa trong việc bảo vệ bào thai mà tước bớt đi quyền của mẹ chúng.

Hình minh họa
Hình minh họa

Khi Bei Bei Shuai đang mang bầu ở tháng thứ 8 thì người tình của cô, cũng chính là cha của đứa trẻ – nhất quyết đòi chấm dứt quan hệ. Sau nhiều lần thuyết phục bạn trai quay trở lại nhưng không thành, Shuai – một phụ nữ gốc Trung Quốc - vì quá bế tắc nên đã đi đến một quyết định dại dột là uống thuốc diệt chuột để kết thúc cuộc đời mình.

Theo các văn bản được đệ trình lên tòa án, trước khi tự tử, Shuai đã để lại một bức thư cho bạn trai. Trong thư tuyệt mệnh, Shuai tuyên bố cô sẽ tự tử và với việc làm này, cô sẽ “mang theo đứa bé này, đứa bé mà anh đã đặt tên là Crystal, đi cùng tôi”.

Nhưng, một người bạn sau đó đã phát hiện và đưa Shuai đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Shuai sinh con vào ngày 31/12/2010 nhưng đứa trẻ đã tử vong 4 ngày sau đó. Đến tháng 5/2011, cơ quan công tố đã quyết định truy tố Shuai về cáo buộc giết người và cố ý phá thai. Bức thư tuyệt mệnh nói trên chính là bằng chứng để các công tố viên áp đặt cáo buộc hình sự đối với Shuai.

Đây là vụ việc đầu tiên mà một thai phụ làm chết thai nhi trong lúc định tự tử được đưa ra xem xét tại bang Indiana. Bang này mới đây đã thông qua một đạo luật, theo đó cấm phá thai dưới mọi hình thức, trừ một số trường hợp bắt buộc.

Thêm vào đó, đạo luật giết người của tiểu bang này cũng gồm một mục nhỏ quy định rõ ràng rằng một vụ giết bào thai có chủ ý là một vụ giết người. “Luật pháp đã nêu rõ rằng một bào thai là một đối tượng riêng biệt và tách biệt với người mẹ, và nghĩa vụ của chúng tôi là phải tuân theo luật pháp” – công tố viên Terry Curry – người trực tiếp thụ lý vụ việc của Shuai nói.

Theo ông Curry, việc bị cáo để lại một bức thư tuyệt mệnh nói rõ ý định giết chết thai nhi và cả bản thân cô chính là bằng chứng rõ ràng nhất chứng minh rằng cô đã vi phạm luật pháp mới ban hành.

Tuy nhiên, theo luật sư Linda Pence, nguyên nhân tử vong của đứa trẻ có thể không phải là do thuốc diệt chuột mà Shuai đã uống và việc truy tố Shuai về cáo buộc âm mưu tự tử đã chối bỏ hầu hết các quyền công dân của cô. “Theo diễn dịch của cơ quan công tố, tất cả mọi người đều có thể tự giết chết mình ngoại trừ những người phụ nữ” – luật sư Pence nói.

Mới đây cơ quan công tố cho biết, họ đã bác bỏ lời làm chứng của cơ quan y tế khi cho rằng thuốc diệt chuột là nguyên nhân dẫn đến cái chết của đứa trẻ. Thẩm phán thụ lý vụ việc cuối tuần trước cũng nói rằng, có thể chính các loại thuốc mà các bác sỹ đã tiêm cho Shuai khi thai phụ này nhập viện mới giết chết đứa trẻ sơ sinh. Kết quả là, công tố viên Curry cũng tuyên bố có thể ông sẽ phải hủy bỏ các cáo buộc đối với Shuai.

Các nhà vận động quốc gia vì phụ nữ mang bầu (NAPW) hồi đầu tháng công bố một nghiên cứu cho hay, họ đã ghi nhận hơn 400 trường hợp mà trong đó người phụ nữ đã bị truy tố hình sự hoặc bị buộc phải trải qua các biện pháp can thiệp bắt buộc, ví dụ như bị cảnh sát buộc phải truyền máu hay mổ lấy thai trái với ý muốn của họ. “Từ năm 2005 đến nay, chúng tôi đã ghi nhận 250 vụ việc. Và chúng vẫn đang tiếp diễn” – bà Lynn Paltrow – Giám đốc điều hành của NAPW nói. Trong đó, đáng kể nhất là vụ một phụ nữ ở Alabama đã dùng ma túy đá khi đang mang bầu, dẫn đến sinh non và đứa trẻ tử vong. Người phụ nữ này sau đó đã bị kết án 10 năm tù.

Theo bà Lynn Paltrow, các vụ việc này cho thấy nhà chức trách đang quá chú trọng đến sức khỏe của những đứa trẻ trong bụng mẹ mà tước đi quyền của những phụ nữ mang bầu. Hơn thế nữa, luật dường như cũng đặt quyền của đứa trẻ lên trên quyền của người mẹ. Như trường hợp của Shuai, có thể vì sự áp dụng luật một cách quá máy móc mà cô đã  phải ngồi tù suốt nhiều ngày sau khi vừa trải qua cú sốc mất bạn trai, mất con và suýt mất mạng.

Minh Ngọc (Theo BBC)

Đọc thêm