Theo thống kê của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế, nước ta đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ dân số vàng với nhóm người trong độ tuổi 15-19 đông nhất, tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi. Do đó, trong khoảng 10 năm tới, cả 2 nhóm tuổi này sẽ bước vào giai đoạn “mắn đẻ” nhất.
|
Nữ công nhân khu công nghiệp tham gia buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV. |
Hiện nay, bình quân trên cả nước cứ 2 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ mới có 1 người bước ra khỏi độ tuổi này. Các chuyên gia nhận định, số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tiếp tục tăng và đạt cực đại vào khoảng năm 2020, với tiềm năng sinh đẻ rất lớn. Điều đó tạo ra áp lực không nhỏ cho công tác DS-KHHGĐ trong vấn đề giảm sinh, ổn định quy mô dân số, mặc dù nước ta đã đạt được mức sinh thay thế nhưng chưa bền vững. Ngay cả vấn đề đáp ứng nhu cầu về tránh thai, KHHGĐ cho nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ này cũng đang trở nên phức tạp, cấp thiết.
Bên cạnh các điều kiện thuận lợi về kinh tế, mức sinh thay thế có thể được duy trì nhờ nâng cao khả năng nhận thức của người dân để họ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ bằng việc đa dạng hóa phương tiện, đa dạng hóa các kênh và chế độ cung cấp các dịch vụ KHHGĐ. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng nhiều. Mức giảm sinh đã có tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến tình trạng dân số Việt Nam. Sức ép của sự gia tăng dân số lên nền kinh tế, xã hội và môi trường đã giảm đáng kể. Cơ cấu dân số cũng thay đổi nhanh chóng như giảm nhanh tỷ lệ trẻ em, tăng nhanh dân số người cao tuổi và dân số trong độ tuổi lao động.
Qua 3 cuộc tổng điều tra dân số gần đây, sau mỗi thập kỷ, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều tăng lên, nhưng số dân tăng thêm hằng năm thì lại giảm. Tuy nhiên, số phụ nữ ở độ tuổi 15 - 49 hiện nay trên cả nước có khoảng 25 triệu người. Tại thành phố Đà Nẵng, theo tổng điều tra dân số ngày 1-4-2009 thì có 57,2% dân số nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó 58,4% đang có gia đình. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu tiên của phụ nữ là 25,2 tuổi. Với con số trên, cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, trong 10 năm tới sẽ bước vào giai đoạn “mắn đẻ”. Đây cũng là áp lực không nhỏ cho ngành dân số thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.
Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, thời kỳ cơ cấu dân số vàng ở nước ta có thể kéo dài khoảng 20 năm nữa. Bà Urmila Singh - Phó trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội của Việt Nam để có được nguồn nhân lực dồi dào, tuy nhiên nó cũng tạo ra những thách thức lớn về việc làm và an sinh xã hội nếu lực lượng lao động trẻ không được trang bị về trình độ học vấn, đào tạo nghề và các cơ hội nghề nghiệp. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, cơ sở hạ tầng, vật chất ở Việt Nam còn chưa đồng bộ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số còn hạn chế.
Bên cạnh việc nghiên cứu chính sách để làm sao tận dụng được tốt nhất nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng, ngành DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng cũng đang từng bước triển khai các mô hình can thiệp nhằm nâng cao chất lượng dân số thành phố như Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mô hình can thiệp nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển đảo và ven biển ngày càng có hiệu quả.
Bài và ảnh: TUẤN PHÚC