Phụ nữ Việt Nam khởi nghiệp giỏi chẳng kém gì đàn ông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua Việt Nam luôn nằm trong tốp 10 toàn cầu các quốc gia dẫn đầu về thành tựu tiến bộ phụ nữ cùng một số nước Phillipines, Thái Lan và New Zealand... Để có được thành tựu tiến bộ phụ nữ đó, có sự góp phần không nhỏ của năng lực tham gia khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam.
Những phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 theo bình chọn của Forbes.
Những phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 theo bình chọn của Forbes.

Việt Nam là nơi các nữ doanh nhân có được điều kiện thuận lợi nhất để phát triển

Trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp đang đứng trước những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh COVID-19 nhưng rất nhiều phụ nữ vẫn theo đuổi khát vọng khởi nghiệp. Bằng chứng là phát động từ trung tuần tháng 2/2021, số lượng dự án gửi về dự thi cấp trung ương Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” năm nay tăng 1,6 lần so với năm 2020 đã cho thấy sự sẵn sàng và quyết tâm khôi phục và phát triển kinh tế hậu Covid-19 của phụ nữ.

Cuộc thi đã thu hút được đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi tham gia, thí sinh trẻ nhất mới 17 tuổi và thí sinh cao tuổi nhất là 71 tuổi và trong số 1.449 chủ thể dự thi có 14% là doanh nghiệp, 15% là hợp tác xã; có tới gần 1 phần 3 là mô hình giảm nghèo và phụ nữ khuyết tật chiếm 5%; 13% dự án đến từ vùng dân tộc thiểu số, 10% sản phẩm/dịch vụ của các dự án đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đạt chuẩn từ 3-4 sao.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao Giải Nâng tầm thương hiệu OCOP cho tác giả Vi Thị Lụa với dự án Trà diếp cá Lụa Vy năm 2021.Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao Giải Nâng tầm thương hiệu OCOP cho tác giả Vi Thị Lụa với dự án Trà diếp cá Lụa Vy năm 2021.

Điều đặc biệt, trong tổng số dự án dự thi, có tới 21% chủ thể là chị em phụ nữ sắp/đã mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng; phụ nữ khuyết tật chiếm 5%, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV chiếm 1%; 24 dự án của các em nữ sinh viên các trường đại học trên cả nước.

Tháng 11/2019, kết quả khảo sát lần thứ ba về Chỉ số phát triển nữ doanh nhân (MIWE) ghi nhân Việt Nam nằm trong tốp 20 thị trường là nơi các nữ doanh nhân có được điều kiện thuận lợi nhất để phát triển. Khảo sát ghi nhận sự phát triển và thành tựu của các nữ doanh nhân và chủ doanh nghiệp tại 58 quốc gia, nơi chiếm gần 80% lực lượng lao động nữ của thế giới, dựa trên ba yếu tố gồm thành tựu tiến bộ của phụ nữ, tài sản tri thức và tài chính, cuối cùng là các yếu tố hỗ trợ khởi nghiệp. Tại thị trường châu Á Thái Bình Dương, phụ nữ tại Indonesia, Philippines và Việt Nam đã đạt được sự bình đẳng với nam giới về năng lực tham gia khởi nghiệp.

Ở Việt Nam, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân sẽ có 1 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài đóng vai trò trong phát triển kinh tế xã hội, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội…

Hay nói cách khác, phụ nữ Việt Nam khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi chẳng kém gì đàn ông. Và nhận định này đã được chứng minh qua sự thành công của các tấm gương doanh nhân nữ như: tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, “nữ tướng” Mai Kiều Liên, nữ doanh nhân quyền lực ASEAN – Thái Hương, nữ tướng vàng thời trang Cao Thị Ngọc Dung, “bà trùm” thủy sản Trương Thị Lệ Khanh, người đàn bà quyền lực Nguyễn Thị Nga…

Nam giới làm bệ phóng cho chị em thăng hoa và sáng tạo

Hai năm qua, dịch bệnh đã hoành hành làm cả thế giới phát triển chững lại, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Doanh nghiệp bị thất thu, người lao động không có việc làm. Các doanh nghiệp do phụ nữ khởi nghiệp, lãnh đạo, làm chủ cũng bị ảnh hưởng. Phụ nữ đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức xã hội trong bối cảnh Covid-19 là vấn đề được đặc biệt quan tâm và cũng là chủ đề buổi hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững; Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS), Hội nữ trí thức Hà Nội, United Way Worldwide tổ chức mới đây.

Nguyễn Ngọc Hương với dự án khởi nghiệp “Bột rau sấy lạnh” đã xuất sắc vượt qua các thí sinh, nhận giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019.

Nguyễn Ngọc Hương với dự án khởi nghiệp “Bột rau sấy lạnh” đã xuất sắc vượt qua các thí sinh, nhận giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019.

Tại hội thảo các doanh nghiệp tiêu biểu như Sao Thái Dương hay doanh nghiệp khởi nghiệp Aligo Kids đã chia sẻ về các câu chuyện của họ trong việc giải quyết các thách thức xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Tổng giám đốc Sao Thái Dương chia sẻ: “Trong bối cảnh COVID-19, chúng tôi thấy vai trò của mình trong việc đóng góp giải quyết thách thức xã hội. Khi thấy nước mình đang cần các bộ xét nghiệm COVID-19, Sao Thái Dương đã tham gia ngay, tình hình lúc ấy gấp nên không bàn tới lợi nhuận hay kinh doanh bởi chúng tôi xác định đây là việc mình cần làm. Sao Thái Dương chính vì thế trở thành một trong các đơn vị tiên phong cung cấp bộ xét nghiệm COVID-19 tại Việt Nam và có thành công trong kinh doanh, nhưng trước hết là sự thành công của việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội”.

Bà Ngô Thuỳ Anh, sáng lập, giám đốc Hasu, Aligo Kids, Aligo Media và Memory Love Book cho biết: “Là doanh nghiệp khởi nghiệp, thích ứng với nhu cầu thay đổi của khách hàng vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh đại dịch, startup đương nhiên gặp thách thức nhưng cũng phải tìm thấy cơ hội, việc giải quyết các vấn đề của khách hàng, cũng là giải quyết các thách thức xã hội”. Với startup của mình, Thuỳ Anh đã tìm ra các giải pháp mới để hỗ trợ trẻ em, hỗ trợ người cao tuổi về vấn đề sức khoẻ tâm thần.

Chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ đưa ra quan điểm rất độc đáo rằng để hỗ trợ những người phụ nữ có tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng ta hãy tạo ra hệ sinh thái mà trong đó kể cả nam giới là nguồn cảm hứng, là nơi củng cố niềm tin để phụ nữ có thể khai phá nội lực, nhận ra những vấn đề cần giải quyết và sáng tạo khi đưa ra phương án giải quyết.

“Khi có được bệ phóng là nam giới, phụ nữ đưa ra những giải pháp mới, lan tỏa giá trị cộng đồng và chính chúng ta cũng sẽ là người hưởng lợi, không chỉ ở trong nước mà còn trên phạm vi quốc tế. Vậy nên, trong thời gian tới, chúng ta hãy cùng nhau truyền cảm hứng, trao niềm tin, trao thách thức, làm bệ phóng cho chị em thăng hoa và sáng tạo” - , ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Có thể thấy, thực tế đã chứng minh trong đại dịch COVID-19, phụ nữ với khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt có thể thúc đẩy tốt hơn quá trình phát triển kinh tế, vừa giải quyết các vấn đề xã hội. Vấn đề ở đây là cần quan tâm tới việc xây dựng hệ sinh thái đoàn kết đồng lòng, tìm ra giải pháp thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà khoa học, tập đoàn, nhà đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ, tháo bỏ những rào cản cho sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ.

Mọi phụ nữ đều cần tự tin vào bản thân mình, khẳng định quyền được lựa chọn, theo đuổi ước mơ, sáng tạo và đóng góp vào tiến trình phát triển xã hội. Phụ nữ thành công và hạnh phúc cũng thì chắc chắn xã hội cũng phát triển bền vững và hạnh phúc.

Đọc thêm