Phú Thọ: Nhiều chuyển biến tích cực sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21/NQ-TW của Bộ Chính trị

(PLO) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Chính sách BHXH, BHYT đã thật sự đi vào cuộc sống và khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống an sinh xã hội.
Đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho hội viên hội phụ nữ tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

Đối tượng tham gia BHXH tăng 22,5% so với năm 2012

Xác định việc triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW có ý nghĩa rất quan trọng, gắn trách nhiệm và sự thống nhất của các cấp ủy đảng trong lãnh đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, vì vậy, ngay sau khi Nghị quyết 21-NQ/TW được ban hành, BHXH tỉnh Phú Thọ đã tích cực tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Nhờ đó, sau 5 năm triển khai tuyên truyền thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả tích cực. Trước hết là nhận thức của cấp ủy, chính quyền về BHXH, BHYT đã tích cực hơn, hầu hết các địa phương không còn coi việc thực hiện Nghị quyết 21 là nhiệm vụ riêng của Ngành BHXH, mà coi đây là một nhiệm vụ chính trị phải chủ động chỉ đạo, thực hiện. Trong đó, ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ hơn với ngành BHXH trong công tác KCB BHYT với mục tiêu vì lợi ích của người bệnh có thẻ BHYT. Ngành Giáo dục đã tích cực vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT. 

Đáng chú ý, nhận thức của người dân về BHXH, BHYT được tăng lên đáng kể. NLĐ đã chủ động liên hệ, tìm đến cơ quan BHXH để hỏi về chính sách, chế độ BHXH. Hội viên hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn viên thanh niên đã nâng cao nhận thức về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Phụ huynh học sinh đã hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của tấm thẻ BHYT đối với con, em và gia đình mình. Từ sự chuyển biến nhận thức đó, kết quả cụ thể được thể hiện trong công tác phát triển đối tượng và tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, cụ thể:

Số người tham gia BHXH đạt 150.717 người, tăng 27.685 người (22,5%) so với năm 2012, trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc: 142.800 người, tăng 24.082 người (21%) so với tháng 12/2012; Số người tham gia BHXH tự nguyện: 7917 người, tăng 3.603 người (83,1%) so với năm 2012; Số người tham gia BHYT: 1.233.556 người, tăng 257.976 người (26,4%) so với tháng 12/2012, chiếm 87,7% số dân toàn tỉnh (năm 2012: tỷ lệ bao phủ BHYT là 72% dân số). Tỷ lệ tham gia BHYT đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định 1167/QĐ-TTg; Số người tham gia BH thất nghiệp: 129.814 người, tăng 27.570 người (26,9%) so với tháng 12/2012.

Ngoài ra, với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH với các ngành, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT hàng năm tại Phú Thọ đã giảm xuống mức dưới 5%, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, BHYT, đảm bảo thu hồi số nợ nộp về quỹ BHXH, BHYT. Tích cực thực hiện công tác đôn đốc, thu hồi nợ BHXH, BHYT tại các đơn vị chây ỳ, nợ đọng kéo dài, phối hợp chặt chẽ với Cục Thi hành án tỉnh tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN qua đó thu hồi được hàng chục tỷ mỗi năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết 21, vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ với các Sở, ban, ngành có lúc, có nơi còn chưa thực sự hiệu quả; Đối với DN, thời gian làm việc phải tập trung tối đa cho sản xuất. Do vậy, việc bố trí, sắp xếp để tổ chức đối thoại trực tiếp với NLĐ tại DN gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn tình trạng đơn vị, DN trốn tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ. Một số NLĐ do không muốn ràng buộc lâu dài với DN nên chủ động không tham gia BHXH. 

Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Tuy nhiên, khi tuyên truyền cho nhóm đối tượng này, họ thường đem so sánh giữa BHXH tự nguyện và BH nhân thọ; còn tâm lý ngần ngại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tiếp tục tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Theo đó, để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, trong giai đoạn 2017 - 2020, BHXH tỉnh Phú Thọ tiếp tục xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW là nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống và tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể: Một là, tiếp tục phát động phong trào thi đua thực hiện công tác tuyên truyền Nghị quyết 21-NQ/TW giai đoạn 2017 – 2020 và triển khai tới toàn thể công chức, viên chức, lao động trong hệ thống BHXH tỉnh Phú Thọ.

Hai là, tích cực tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động, khai thác, mở rộng đối tượng. 

Ba là, tăng cường phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, các cơ quan truyền thông, các Sở, ban, ngành trên địa bàn trong quá trình triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Bốn là, chủ động liên hệ với các đơn vị sử dụng lao động tổ chức các cuộc đối thoại với người lao động, kịp thời giải đáp vướng mắc về chính sách BHXH, BHYT. 

Năm là, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong Ngành về việc thực hiện công tác tuyên truyền tại địa phương. Tùy theo đặc điểm tính chất vùng miền để có những chỉ đạo sát hợp, giúp công tác tuyên truyền thực sự hiệu quả

Sáu là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Tăng cường sử dụng hình thức tuyên truyền lưu động, hình thức sân khấu hóa để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. 

Đọc thêm