Hệ luỵ tiềm ẩn
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 15,5 triệu lượt, trong đó có tới quá nửa đến từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, con số lần lượt là 5 triệu và 3,5 triệu lượt. Mặt khác, khi nói đến các thị trường khách quốc tế khác có thể thấy những con số chênh lệch rõ rệt.
Ví dụ, tháng 12/2018, Tổng cục Du lịch Thái Lan công bố đã đón vị khách Việt Nam thứ một triệu, nhưng ngược lại số du khách Thái Lan tới Việt Nam còn chưa đạt mốc 350.000 người. Số du khách Singapore đến Việt Nam cũng chưa đầy 300.000 lượt. Thậm chí, hai thị trường rộng lớn có mức chi tiêu cao là châu Âu và châu Mỹ cộng lại cũng chưa bằng số lượng du khách Hàn Quốc đến Việt Nam.
Chưa kể, tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang… đã xuất hiện nhiều bảng chỉ dẫn, hướng dẫn, người dân và hướng dẫn viên chủ yếu giao tiếp tiếng Trung và tiếng Hàn tăng lên. Thậm chí, có những địa điểm chỉ phục vụ khách Trung hoặc khách Hàn. Tuy nhiên, hiện tượng phụ thuộc vào một hai thị trường du khách quốc tế như vậy cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Từ đầu năm đến nay, lượng du khách đến miền Trung vẫn tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt tại những trung tâm du lịch ở khu vực như Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam hay Nha Trang... Tuy nhiên, lượng khách từ những thị trường Trung Quốc hay Hàn Quốc lại sụt giảm.
Đơn cử, theo thống kê từ Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, thành phố đón 1,82 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26,1% so với cùng kỳ 2018. Tổng số khách Hàn Quốc, Trung Quốc đến Đà Nẵng đạt lần lượt khoảng 878.719 lượt và 337.601 lượt.
Dù vẫn chiếm quá bán số lượng du khách quốc tế đến Đà Nẵng, nhưng tỷ lệ khách của hai thị trường này có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước lần lượt là gần 5% và 2,3%. Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ ngành du lịch của địa phương, từ các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, cung cấp dịch vụ du lịch cùng các loại hình kinh doanh du lịch khác.
Đại diện một hãng lữ hành cho biết, trong dịp pháo hoa quốc tế năm trước, các khách sạn ở khu vực ven biển luôn ở tình trạng “cháy phòng”; nhưng dịp năm nay, nhiều khách sạn còn trống phòng, tỷ lệ lấp đầy các phòng rất thấp.
Hướng đến nguồn khách bền vững
Theo báo cáo do Tập đoàn Samsung công bố năm 2016, Trung Quốc áp lệnh hạn chế du khách nước này tới Hàn Quốc khiến ngành công nghiệp không khói của nước này chao đảo. Được biết, khoảng 70% du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc để mua sắm. Trong nửa đầu năm 2016, ước tính 65% doanh số của Shilla – chuỗi cửa hàng miễn thuế lớn thứ hai của đất nước này, được tạo ra bởi du khách Trung Quốc.
Khi lượng du khách đồng thời chi tiêu trung bình của du khách Trung giảm xuống, ngành bán lẻ của Hàn Quốc sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Lượng khách Trung Quốc giảm 1%, lợi nhuận của Shilla Hotel and Resort có thể giảm 2,6%. Không chỉ Hàn Quốc, ngành du lịch một số nước cũng từng gặp khó khăn khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường du khách từ Trung Quốc.
Trở lại Việt Nam, tỷ trọng khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm tỷ lệ cao trong tổng lượng khách quốc tế, gây mất cân đối về cơ cấu khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, việc sụt giảm du khách tại hai thị trường khách này một phần xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan trong ngành du lịch của các địa phương.
Trao đổi với truyền thông, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân của sự sụt giảm số lượng khách của một số thị trường có thể là do điểm đến không còn mới mẻ, sản phẩm du lịch không đa dạng. Theo đó, ngành du lịch địa phương cần xúc tiến ngay những thị trường khách khác để mở rộng cơ hội.
Những năm gần đây, các thị trường ngay trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia… ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, các khu vực này vẫn chưa được khai thác hiệu quả, thể hiện ở con số lượt khách đến, thời gian khách ở, lượng chi tiêu và số lượng khách quay trở lại. Đồng thời, các thị trường ổn định nhưng xa hơn như châu Âu, Mỹ, Úc còn chiếm tỷ trọng thấp. Đối tượng khách này có khả năng chi trả cao nhưng cũng có nhiều yêu cầu khắt khe đối với chất lượng trải nghiệm.
Theo một số đánh giá, không chỉ về vấn đề di chuyển chưa thuận tiện, các địa phương vẫn còn thiếu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là sản phẩm du lịch văn hóa phù hợp thị hiếu khách chi tiêu mức cao. Chưa kể, các địa phương có sản phẩm du lịch còn na ná nhau, chưa có tính đặc thù. Còn công tác xúc tiến cần đầu tư nhiều để quảng bá một cách hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm tới những thị trường tiềm năng.
Mặt khác, mục tiêu của ngành du lịch vẫn phải giữ được sự ổn định của hai nguồn khách truyền thống (Trung Quốc, Hàn Quốc) nhưng vẫn mở rộng để triển khai xúc tiến các hoạt động khác để thu hút nhiều thị trường khách tiềm năng hơn. So với con số 31 triệu lượt khách quốc tế tới Thái Lan năm qua, thiết nghĩ, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để khai phá.
Để trở thành địa điểm mới cho châu Á, Việt Nam phải cạnh tranh
Năm 2019, Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 17,5 – 18 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhỏ bé so với các nước trong khu vực như Thái Lan (khoảng 40 triệu) hay Malaysia (30 triệu), nhưng theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, con số trên vẫn khá áp lực.
Phát biểu tại Hội nghị “Tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam” mới đây, ông Thiện khẳng định, thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam và miền Trung thời gian tới vẫn là dòng khách châu Á, cụ thể là Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…), tiếp đến là thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…) và Ấn Độ. Bởi thực tế, thị trường khách châu Âu, Bắc Mỹ tăng khá chậm, quy mô cũng khiêm tốn, việc quảng bá, thu hút khách phải cần thời gian lâu dài.
Theo ông Brent Hill - Giám đốc Tiếp thị Hội đồng Du lịch Nam Úc: “Rất nhiều địa điểm hiện nay cũng gặp phải vấn đề phụ thuộc vào du khách Trung Quốc. Do đó, việc tập trung hơn vào các thị trường như châu Âu, Mỹ hay Úc rất quan trọng. Ngày càng nhiều du khách Úc yêu thích Việt Nam bởi không ít người đã tới Thái Lan, tới Bali và dần tìm kiếm địa điểm mới.
Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Philippines và nhiều quốc gia khác để trở thành một địa điểm mới cho châu Á và tôi nghĩ rằng Việt Nam đang làm rất tốt. Du lịch Việt Nam có thể bay lên nhờ vào lịch sử đất nước bởi lịch sử Việt Nam rất hấp dẫn”.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng: “Những năm qua Đà Nẵng chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của nguồn khách đến từ khu vực Đông Bắc Á, trong đó lớn nhất là thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây là tín hiệu tốt, chứng tỏ sự hấp dẫn về tài nguyên, về cơ sở hạ tầng và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Tuy vậy, việc chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn khách (trên 80%) của hai nguồn khách này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể tạo ra sự sụt giảm nhanh chóng nguồn khách khi có các biến động về chính trị, về cơ chế chính sách, về sản phẩm thị trường... dẫn đến ảnh hưởng cho cả cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Cùng với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch thị trường quốc tế trọng điểm gồm Đông Bắc Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đà Nẵng cũng phải phát triển dịch vụ du lịch phục vụ khách Hồi giáo, chủ yếu là từ Trung Đông, nhằm đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng thiếu sản phẩm du lịch gắn với văn hóa địa phương để kéo dài ngày lưu trú của du khách, phải có làng nghề, giá trị văn hóa gắn với cộng đồng dân cư. Như Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hiện nay có show diễn Hồn Việt đã đưa ra phục vụ khách là một sản phẩm văn hóa - du lịch rất đặc trưng và hấp dẫn mà thành phố cũng như các công ty lữ hành cần quan tâm.
Đà Nẵng phải kiện toàn hệ thống sản phẩm, tức là làm sao phải đa dạng hóa và làm phong phú hơn những sản phẩm của điểm đến. Muốn khách đến đông thì trước tiên sản phẩm phải tốt trước đã. Như vậy, sản phẩm phải đi kèm với hệ thống dịch vụ. Hệ thống dịch vụ về số lượng, chất lượng, nguồn nhân lực”.
Ông Nguyễn Văn Tài - Chủ tịch HĐQT Cty Du lịch Necotour (Đà Nẵng): “Đà Nẵng cần làm mới sản phẩm, khai tác tối đa tiềm năng của thành phố, việc hoàn thiện hệ thống dịch vụ phải thường xuyên và làm mới để đảm bảo chất lượng tốt ngay khi khách đến”.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Giám đốc Cty du lịch Duy Nhất Đông Dương (Đà Nẵng): “Sở Du lịch cũng như các công ty lữ hành đang hết sức nỗ lực tạo ra các hoạt động thu hút khách. Nhưng tôi nghĩ ngoài sự chung tay của các doanh nghiệp, thành phố cần có hỗ trợ thêm cho hoạt động xúc tiến du lịch, nhất là khi thành phố đã yêu cầu lấy du lịch làm mũi nhọn, tận dụng nguồn thu từ du lịch, hút nguồn khách, nhưng nếu không đầu tư thì không thể thành mũi nhọn được. Theo tôi thấy, ngân sách của thành phố dành cho xúc tiến du lịch chưa đủ”. Diệu Bảo (Tổng hợp)