Phục dựng dòng gốm thất truyền sau 500 năm

Trong dân gian truyền miệng “Sứ nhất sứ Giang Tây, Gốm nhất gốm Chu Đậu” đủ thấy dòng gốm này được đánh giá cao đến mức nào. Phát triển rực rỡ trong suốt thời Lý – Trần – Lê – Mạc (thế kỷ XV-XVII) nhưng do những biến cố của lịch sử dòng gốm Chu Đậu - tuyệt đỉnh của Gốm cổ Việt Nam - bị thất truyền hơn 500 năm qua.

Trong dân gian truyền miệng “Sứ nhất sứ Giang Tây, Gốm nhất gốm Chu Đậu” đủ thấy dòng gốm này được đánh giá cao đến mức nào. Phát triển rực rỡ trong suốt thời Lý – Trần – Lê – Mạc (thế kỷ XV-XVII) nhưng do những biến cố của lịch sử dòng gốm Chu Đậu - tuyệt đỉnh của Gốm cổ Việt Nam - bị thất truyền hơn 500 năm qua.

Lai lịch dòng gốm cổ

Làng Chu Đậu là một vùng quê yên ả bên tả ngạn sông Thái Bình, từ lâu nổi tiếng về nghề dệt chiếu. Nhắc đến “chiếu Đậu” thì người Bắc nào cũng biết. Nhưng nói về gốm Chu Đậu thì hầu như chẳng ai biết gì, bởi suốt nhiều thế kỷ qua, nghề gốm Chu Đậu đã thất truyền. Những bí mật sẽ mãi nằm sâu trong lòng đất, nếu không có một biến cố bất ngờ.

Năm 1980 ông Makato Anabuki - Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, trong một chuyến đi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nhìn thấy một chiếc bình gốm hoa lam, trang trí hoa sen và cúc dây cao 54 cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul . T

rên vai bình có ghi 13 chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút”, nghĩa là “Năm Thái Hòa thứ tám (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi”. Vốn đã có thâm niên công tác tại Việt Nam và đặc biệt cũng là một người say mê gốm cổ, ông Makato Anabuki đã xác định bình gốm cổ này có xuất xứ từ Việt Nam.

Sau đó ông đã viết một lá thư gửi ông Ngô Duy Đông (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương – tên cũ là Hải Hưng) nhờ xác minh giúp xem chiếc bình gốm quý giá đó có xuất xứ từ làng gốm nào.

Từ  thông tin trên, bảo tàng, sở Văn Hóa, các nhà nghiên cứu của Hải Dương đã vào cuộc sưu tầm những dấu vết về làng gốm cổ.

Năm 1986, người ta khai quật di tích Chu Đậu thuộc thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương. Kết quả đã tìm thấy nhiều di vật gốm mỹ nghệ cao cấp mà từ trước đến nay chưa từng được phát hiện, cũng như chứng tỏ nơi đây từng là một trung tâm sản xuất gốm lớn của Việt Nam .

Năm 1999, khi con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Hội An) và Pandanan (Philippines) được trục vớt đã thu vớt hơn 20 vạn sản phẩm có xuất xứ từ Chu Đậu. Chứng tỏ thời kỳ hoàng kim,  gốm Chu Đậu đã giao thương buôn bán không chỉ trong khu vực mà còn vươn ra với thế giới (Hiện nay người ta đã thống kê được Gốm Chu Đậu đang được trân trọng lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng ở hơn 30 quốc gia trên khắp thế giới).

Gốm cổ hồi sinh

Đến thăm Chu Đậu vào ngày cuối đông, rất may mắn tôi được gặp ông Nguyễn Văn Lưu- giám đốc xí nghiệp gốm Chu Đậu. Ấn tượng đầu tiên về ông là vẻ rắn rỏi, cương nghị và hồn hậu đậm chất “lính”.

Ông dẫn tôi đi một vòng thăm Xí nghiệp trên diện tích gần 4 hecta và kể về quy trình tạo ra một sản phẩm gốm. Để làm ra đồ gốm người thợ gốm phải qua các khâu chọn, xử lí và pha chế đất (Đất sét ở Chu Đậu lấy từ vùng thổ nhưỡng trầm tích phù sa của 6 con sông lớn – Lục Đầu Giang: sông Lục Nam, Sông Thương, Sông Cầu, Sông Đuống, sông Kinh Thầy, sông Thái Bình).

Sau đó đất được tạo dáng "vuốt tay, be chạch" trên bàn xoay. Để tạo hoa văn, thợ gốm dùng bút lông vẽ trực tiếp trên nền mộc các hoạ tiết; phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm.Vì thế mà các nhà nghiên cứu mới đúc kết quy trình sản xuất ra gốm Chu Đậu mang đầy tính tâm linh: Đất tạo nên xương cốt, nước tạo ra hình hài, lửa tạo ra thần thái! Đó là sự kết hợp hài hòa của âm dương ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ).

Khi được hỏi về quá trình “phục hưng” gốm cổ ông hào hứng “Năm 2000, khi tôi đang làm trưởng phòng gốm mỹ nghệ của Haprosimex thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có thương hiệu là Hapro tại TPHCM thì Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin trục vớt một con tàu ở Cù lao Tràm – Quảng Ngãi trong đó có 40 vạn cổ vật được xác định là gốm Chu Đậu của quê hương Nam Sách chúng tôi. Anh Nguyễn Hữu Thắng – Tổng giám đốc Hapro cũng là một người con của sông Kinh Thầy nảy ra ý tưởng cử tôi về quê, phục hưng nghề gốm của quê hương...

Nói đến đây giọng ông bỗng chùng xuống “Có ý tưởng, quyết tâm như vậy nhưng ngày đầu về đây thì khó khăn trùng trùng. 10 năm trước Chu Đậu còn là một làng quê nghèo, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông và dệt chiếu cói.

Đất nơi này lúc đó là sình lầy, hoang vu, đường giao thông còn chưa có. Nhưng điều khó khăn nhất là nghề gốm Chu Đậu ngày xưa hoàn toàn không còn trong tâm thức của người dân ở đây. Các nghệ nhân xưa cũng không còn một ai, các bí quyết cũng đã bị thất truyền.

Năm 2001, chúng tôi đã đi khắp nơi mời được hơn chục nghệ nhân nổi tiếng, từ Nam ra Bắc, những nhà khoa học... trong đó có những nghệ nhân nổi tiếng khu vực và Việt Nam như nghệ nhân – Bàn tay vàng Đông Dương Vũ Thế Cửu, nghệ nhân - Hoạ sĩ Vũ Bá Định, Tiến sĩ hoá Nguyễn Năng Thi... Chính họ đã cùng chúng tôi bỏ nhiều công sức để tìm tòi, nghiên cứu và đặt những dấu ấn đầu tiên phục dựng lại nghề gốm Chu Đậu, từ việc mô phỏng lại kiểu dáng gốm cổ, chất liệu, màu men, cách thức sản xuất...

Sau đó, chúng tôi đã tổ chức mở nhiều khoá học cho con em ở địa phương về kiến thức làm gốm, thu nhận họ về Xí nghiệp và trở thành những người thợ gốm .Đào tạo thợ cũng gian nan không kém, 300 em thì chỉ có khoảng 15-20 em thành thợ gốm. Khả năng về kỹ thuật thì có thể dạy được nhưng năng khiếu về thẩm mỹ, cái “duyên” về nghề thì do “trời ban”.

Ông Lưu giải thích “Gốm Chu Đậu ngày nay không sản xuất đồng loạt, dùng máy mà tất cả dùng tay. Từ công đoạn tạo dáng, người thợ phải dùng tay “vuốt” trên  bàn xoay để tạo hình cho sản phẩm. Đến công đoạn tạo hoa văn, người thợ gốm vẽ trực tiếp vào mỗi sản phẩm, vì thế mỗi sản phẩm sản xuất ra ở đây có thể nói là “độc nhất vô nhị”.

Cũng là những bình hoa lam, bình tỳ bà, lọ hoa, chén đĩa hay những khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, đàn cá bơi dưới nước, mái nhà tranh ven sông... nhưng dưới sự “nhạy cảm” của đôi bàn tay, mỗi sản phẩm trở thành một tác phẩm mang cái thần, cái hồn rất riêng của mỗi người thợ gốm.

Đưa tôi đến phòng trưng bày sản phẩm của Xí nghiệp, diện tích 1.000m2   với hàng ngàn, hàng vạn các sản phẩm đủ loại kiểu dáng, kích cỡ, hoa văn, họa tiết ,ông Lưu phấn khởi khoe “Bước đầu khó khăn là thế, nhưng 10 năm qua gốm Chu Đậu đã tồn tại và từng bước khẳng định được vị thế của mình. Hiện nay mỗi năm Chu Đậu sản xuất ra hơn chục triệu sản phẩm Các sản phẩm gốm sản xuất ra không chỉ tiêu thụ mạnh trong nội địa mà còn xuất đi trên 50 quốc gia thế giới như châu Âu, Nga, Tây Ban Nha, Đức, Nhật, Hàn Quốc. Đặc biệt người Nhật rất chuộng dòng sản phẩm này và chén, ấm uống trà của Trà đạo Nhật Bản chính là những sản phẩm của dòng gốm Chu Đậu.

Cầm trên tay một chiếc hoa lam tôi hỏi ông: - Chiếc bình ở Istanbul giống như chiếc bình này phải không ạ?

Ông Lưu cười, cái cười hào sảng hồn hậu rất “lính” – Không đâu, chiếc bình ở Istanbul hiện giờ có giá khoảng hơn một triệu đô, còn cái bình cháu cầm thì chỉ đáng giá vài trăm ngàn đồng Việt Nam và chú có thể tặng cháu.

Rồi ông giải thích ngay: Đỉnh cao của gốm được gói gọn trong 5 tiêu chí, đó là: Trong như ngọc, trắng như ngà, mỏng như giấy, sáng như gương và kêu như chuông. Đến nay gốm Chu Đậu do chúng tôi sản xuất cũng đã hội tụ gần đủ cả 5 yếu tố đó. Tuy nhiên, do các bí kíp đã thất truyền, nên một số đặc tính gia truyền của gốm Chu Đậu cổ chúng tôi vẫn chưa nghiên cứu và phỏng theo hết được. Đặc biệt là loại men “Tam Thái” – men ba màu đặc sắc của gốm Chu Đậu cổ xưa. Thế mới thấy cái tài hoa, cái kỳ diệu của ông cha ta.

Cầm chiếc bình gốm trên tay ngoài sự khâm phục, tự hào đối với thế hệ cha ông đã tạo ra được dòng gốm nổi tiếng khắp thế giới cách đây hàng thế kỷ, tôi còn cảm phục cái tài và cái tâm của những người con đất Việt bảo tồn và phát huy được Gốm Chu Đậu, một dòng gốm mang bản sắc thuần Việt, có giá trị lịch sử, văn hoá sâu sắc là một điều đáng trân trọng , tự hào.

Hoàng Giang

Đọc thêm