Phục hồi màu xanh đô thị

Hơn 13 năm đầu tư xây dựng và phát triển, đến nay, mảng cây xanh đô thị ở Đà Nẵng đã được định hình.

Hơn 13 năm đầu tư xây dựng và phát triển, đến nay, mảng cây xanh đô thị ở Đà Nẵng đã được định hình. Được biết, từ năm 2004-2009, số lượng cây xanh trồng mới theo Đề án Phát triển cây xanh đô thị được 24.000 cây, với chất lượng, chủng loại, quy cách đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển cây xanh.

Tăng cường phát triển cây xanh tại công sở, gia đình sẽ góp phần tạo thêm mảng xanh đô thị.

Tăng cường phát triển cây xanh tại công sở, gia đình sẽ góp phần tạo thêm mảng xanh đô thị.

Đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã đạt tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị 2,7m2/người, cây xanh đường phố đạt tỷ lệ 3,78 m2/người và đến cuối năm 2010 sẽ đạt 4m2 cây xanh đường phố/người. Theo đó, cây xanh đường phố đã hình thành một hệ thống đồng bộ gồm các loại cây bóng mát chủ lực là sao đen, lim xẹt (muồng kim phượng), muồng tím, sấu, xà cừ, phượng vĩ. Số cây xanh trồng mới ở nhiều tuyến đường, khu dân cư giai đoạn 2004-2007 đến nay đã tạo bóng mát, hình thành hệ thống cảnh quan đô thị. Nhiều tuyến đường được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và cây xanh, tạo nên những điểm nhấn cảnh quan đẹp. Đối với các tuyến đường phố cũ, thành phố đã từng bước chuẩn hóa cây xanh bằng cách thay thế dần những cây tạp và trồng cây chủ lực theo chương trình phát triển cây xanh hằng năm.

Cây xanh trên đường Trần Phú.
Cây xanh trên đường Trần Phú.

Dù các cơn bão số 6 năm 2006 và bão số 9 năm 2009 đã gây thiệt hại nặng nề như làm ngã đổ hoàn toàn hơn 1.700 cây xanh các loại trên đường phố nhưng hệ thống cây xanh đô thị ngày càng phát triển. Hằng năm, Công ty Cây xanh đều tổ chức điều tra đánh giá hiện trạng cây xanh để phục vụ công tác quy hoạch, quản lý và phát triển cây xanh đô thị. Công ty Cây xanh Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng 2 vườn ươm có quy mô lớn tại gò Một, phường Hòa Thọ Tây và phường Hòa Minh đang sản xuất 42.000 cây xanh bóng mát với các loài như sao đen, muồng tím, phượng vĩ, viết...

 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, mục tiêu đến năm 2020, thành phố sẽ trồng mới 120.000 cây xanh để có được mật độ che phủ cây xanh đạt chuẩn của Thành phố môi trường khi có 6,8m2 cây xanh/người. Thành phố Đà Nẵng cũng đã xây dựng bản đồ thổ nhưỡng trên toàn thành phố để làm cơ sở cho công tác quy hoạch phát triển cây xanh như phát triển một số cây xanh vào nhóm cây trồng chủ lực có dáng đẹp, thẩm mỹ cao như giáng hương, muồng đen, osaka đỏ...

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng cây xanh đô thị, cây xanh đường phố thì mới chỉ đạt về số lượng, còn chất lượng tạo tán, cảnh quan vẫn còn chờ đợi thêm một thời gian nữa. Tồn tại trong việc triển khai Đề án Phát triển cây xanh đô thị là các dự án phát triển cây xanh tại các khu dân cư mới triển khai còn chậm. 5 năm qua, diện tích công viên, vườn hoa tăng lên không đáng kể.

Việc quy hoạch, đầu tư các khu công viên, vườn hoa tại các khu dân cư mới dường như bỏ trắng. Những đồ án quy hoạch phát triển công viên bách thảo, bách thú, công viên phục vụ nghiên cứu học tập... chưa được quan tâm đúng mức. Chương trình xã hội hóa cây xanh chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Đáng quan tâm là công tác triển khai thiết lập vành đai cây xanh chắn gió như dừa, thông, dương liễu... ở các tuyến đường ven biển chưa đạt yêu cầu.

Xây dựng mô hình Mái nhà xanh

“Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng xây dựng và triển khai chương trình: Mái nhà xanh. Một mái nhà với tiêu chí “Sạch - Xanh - Tiết kiệm” là một mô hình lý tưởng và bền vững cho mọi gia đình, góp phần tạo nên một xã hội văn hóa, văn minh... Theo đó, phấn đấu mỗi gia đình trồng từ 3-5 chậu cây cảnh hoặc 1 cây xanh nhằm tăng giá trị thẩm mỹ cho ngôi nhà, làm giảm bụi bẩn, tránh được một số vi khuẩn độc hại trong nhà, đồng thời góp phần gia tăng diện tích cây xanh trong thành phố; tích cực tham gia trồng và bảo quản, chăm sóc cây xanh trên kiệt đường, hè phố”. (Nguồn: Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng)

Bài và ảnh:  TRIỆU TÙNG

Đọc thêm