Phúc thẩm vụ CDC Hà Nội: Nhiều bị cáo khai vì nhiệm vụ chung chống dịch, không vụ lợi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau bục khai báo, nhiều bị cáo khẳng định họ không có động cơ, mục đích vụ lợi gì ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chung, vì công tác chống dịch.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Sáng 24/6, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) ra xét xử phúc thẩm. Phiên tòa được mở theo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được cải tạo tại địa phương của các bị cáo.

Nữ bị cáo bật khóc tại tòa

Sau bục khai báo, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) khai kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ông Cảm khẳng định mình không quen biết Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) và không có việc thỏa thuận ăn chia 10%.

Quá trình khai báo, bị cáo Cảm thừa nhận sai. Tuy nhiên, cái sai của ông phải do cố ý, ông không hưởng lợi. Sau đó, ông Cảm đề nghị HĐXX, VKS xem xét bối cảnh, điều kiện xảy ra vụ án, xem xét cho cán bộ CDC Hà Nội. Đây là những người có chuyên môn cao, có nhiều cống hiến, đóng góp cho việc bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô.

Theo ông Cảm, thời điểm đó, ông và cấp dưới đều vì công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19, không ai tư lợi trong việc mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế. “Các bị cáo và CDC làm công tác phòng, chống dịch bệnh. Nếu dịch bệnh bùng phát thì không lường được hậu quả”, bị cáo Cảm nói và cho biết trước tình hình dịch bệnh và với yêu cầu của cơ quan cấp trên, của người hành nghề y, các bị cáo quên đi những rủi ro khi thực hiện nhiệm vụ.

Trước đó, cựu Giám đốc CDC cũng trình bày trước HĐXX những tình tiết giảm nhẹ mới để cấp phúc thẩm xem xét, giảm án cho ông.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm tại tòa.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm tại tòa.

Theo lời bị cáo Cảm, ông là thân nhân của người có công với cách mạng, bố ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Bản thân ông được cơ quan chủ quản là Sở Y tế Hà Nội có công văn gửi tới tòa xin giảm nhẹ cho ông. Ngoài ra, CDC Hà Nội và hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức – những người tuyến đầu chống dịch có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo Cảm. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia, bác sĩ, nhiều đơn vị trong ngành y tế có văn bản xin giảm nhẹ cho bị cáo…

Đến lượt mình, bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội) cũng thừa nhận hành vi như bản án sơ thẩm quy kết. Lý giải về sai phạm của mình, bị cáo Thanh nói làm sai do áp lực, tiến độ của công việc. “Lúc đó, bị cáo và mọi người không nghĩ gì khác mà chỉ có mục tiêu làm sao hoàn thành nhiệm vụ chung”, bị cáo Thanh nói và khẳng định bà không cố tình làm sai, không có động cơ mục đích gì.

Quá trình khai báo, bị cáo này đã bật khóc nghẹn ngào. Theo lời bị cáo Thanh, mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên 6 năm 6 tháng tù là quá nặng. “Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo. Chồng bị cáo là sĩ quan trong quân đội, thường xyên đi công tác. Bị cáo có bố mẹ già, mong HĐXX cho bị cáo sớm trở về với gia đình”, bị cáo Thanh nói.

Bị hại nêu 5 lý do xin giảm nhẹ cho bị cáo

Sau khi thẩm vấn các bị cáo xong, HĐXX đã hỏi đại diện CDC (bị hại trong vụ án). Theo lời người đại diện, họ có 5 lý do xin giảm nhẹ cho các bị cáo thuộc CDC Hà Nội.

Cụ thể, khi dịch bệnh Ccovid-19 xảy ra, việc mua sắm trang thiết bị, cán bộ cCDC hoàn toàn không có kinh nghiệm. Bởi các bị cáo là những người làm chuyên môn, không có kinh nghiệm thực hiện việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị máy móc..

CDC Hà Nội mong tòa án xem xét về bối cảnh xảy ra vi phạm, do dịch bệnh. Theo đại diện CDC Hà Nội, trước khi mua máy, công suất xét nghiệm của CDC chỉ có vài trăm mẫu/ngày, sau khi mua máy, công suất xét nghiệm tăng lên vài nghìn mẫu/ngày. “Chính vì công suất xét nghiệm thấp nên việc mua máy cần gấp”, đại diện CDC Hà Nội nói và cho biết thời điểm đó không có bất kỳ thông tin công khai nào về giá mua bán, mỗi nơi 1 giá.

Theo lời vị này, máy xét nghiệm không phải hàng hóa thông thường, lợi dụng việc thiếu thông tin nên nhà thầu làm giá, đây là bản chất vụ án. “Hậu quả vụ án xảy ra, nhiều đơn vị sợ mua sắm máy”, đại diện CDC nói.

Sau đó, vị này xin HĐXX xem xét cho các bị cáo của CDC Hà Nội. Bởi các bác sỹ học qua nghiệp vụ đấu thầu có 3 ngày nên không thể nắm rõ quy trình đấu thầu, không thể lường được sai phạm của mình. Các bị cáo đều mong muốn nhanh chóng có biện pháp chống dịch, không có động cơ vụ lợi trong vụ mua bán này, các nhà thầu đã chủ động khắc phục hậu quả, đề nghị Tòa xem xét lại cho các bị cáo.

Trước khi dừng lời, đại diện CDC Hà Nội nói các bị cáo, trong đó có bị cáo Cảm đều có nhiều năm gắn bó, đóng góp cho công tác phòng chống dịch, nhân thân các bị cáo đều tốt...

Trước đó, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, chiều 12/12/2020, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết với các bị cáo. Theo đó, tòa tuyên bị cáo Nguyễn Nhật Cảm 10 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) cùng bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.

Bởi theo HĐXX, các bị cáo đã không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu mà chủ động gặp, bàn bạc, thống nhất giá mua hàng hóa thuộc danh mục gói thầu số 15 với nhà thầu. Sau đó, chỉ đạo các bộ phận chức năng trong đơn vị thực hiện hành vi gian lận, hợp thức hóa toàn bộ quy trình, thủ tục chỉ định thầu để mua sắm hàng hóa là máy móc, thiết bị y tế theo đúng giá đã thỏa thuận mua bán, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

Đọc thêm