Thành lập đội ngũ cộng tác viên làm đề thi cho từng môn học. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ biên soạn, biên tập đề thi cho đội ngũ này để từng bước xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cho đơn vị, phục vụ cho việc ra đề kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ, kiểm tra chất lượng đầu năm... là những nội dung trong Phương hướng tổ chức thi năm 2010 của Bộ GD&ĐT.
|
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 với việc tổ chức thi theo cụm, chấm chéo bài thi tự luận đã nhận được sự đánh giá cao của xã hội |
Bên cạnh việc củng cố, hoàn thiện hệ thống các đơn vị chức năng thực hiện công tác thi và quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá; tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, an toàn đảm bảo kết quả thi khách quan, công bằng, đánh giá đúng thực chất trình độ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ; phối hợp các hình thức kiểm tra vấn đáp, tự luận và trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra, đánh giá; đổi mới ra đề kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức của người học,phù hợp với nội dung chương trình, thời gian quy định; hạn chế lối học tủ, học vẹt, ghi nhớ máy móc. Trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu đối với chương trình từng cấp học, kiên quyết không để tình trạng học sinh ‘‘ngồi sai lớp’’
Chỉ đạo, tổ chức các kỳ thi gọn nhẹ, thiết thực, đảm bảo đánh giá đúng trình độ, năng lực người học; khắc phục những thiếu sót, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, tạo tiền đề tiến tới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Tổng kết và rút kinh nghiệm các kỳ thi năm 2009, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT với các giải pháp thi cụm, chấm chéo, tăng cường lực lượng thanh tra giám sát từ các trường ngoài khối phổ thông, thống nhất sử dụng phần mềm quản lý thi trong phạm vi toàn quốc...; trên cơ sở đó đề ra các giải pháp nhằm phát huy các ưu điểm và khắc phục những bất cập, tồn tại để tổ chức tốt hơn các kỳ thi năm 2010.
Đối với các kỳ thi chọn học sinh giỏi: tổ chức việc thi, tuyển chọn học sinh giỏi; tuyển chọn các đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia theo đúng Quy chế thi chọn học sinh giỏi.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT: cần quán triệt quy chế thi sâu rộng, thực hiện những điều chỉnh cần thiết trên cơ sở rút kinh nghiệm kỳ thi năm 2009 để tập trung quyết liệt, thực hiện hiệu quả hơn các giải pháp thi cụm, chấm chéo, thống nhất sử dụng phần mềm quản lý thi trong phạm vi toàn quốc; đồng thời đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, đầu tư làm tốt hơn nữa công tác đề thi, từ soạn thảo, phản biện đến in sao và vận chuyển đề thi. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở GDĐT với các trường ĐH, CĐ trong tổ chức thi.
Tiếp tục tổ chức biên soạn và biên tập câu hỏi (trắc nghiệm, tự luận), bài tập kiểm tra làm nguồn tư liệu phục vụ công tác dạy, học, kiểm tra, thi của giáo viên, học sinh và các cấp quản lý giáo dục.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, căn cứ vào các văn bản pháp quy, các hướng dẫn của Bộ về thi và điều kiện cụ thể, các địa phương, đơn vị sớm tổ chức các hội nghị thi của đơn vị nhằm tổng kết đánh giá các kỳ thi năm 2009, lập phương án tổ chức thi năm 2010 phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo được yêu cầu của các kỳ thi.
Các cấp quản lý giáo dục sớm xây dựng kế hoạch, chuẩn bị điều kiện, đề xuất chế độ, chính sách hợp lý đối với công tác tổ chức thi ở đơn vị; chủ động chuẩn bị nhân sự đúng thành phần, đúng tiêu chuẩn cho việc thành lập Ban chỉ đạo thi các cấp, các Hội đồng (Ban) coi thi, chấm thi, phúc khảo và thanh tra thi phù hợp với từng kỳ thi đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để giáo viên và học sinh có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về thi, thực hiện nghiêm túc quy chế thi nhằm ngăn chặn tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong tất cả các khâu tổ chức thi.
Tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo tổ chức thi. Dành kinh phí hợp lý để mua sắm những thiết bị hiện đại phục vụ cho các khâu của quy trình tổ chức thi từ ra đề thi đến coi thi, chấm thi và xét duyệt kết quả.
Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập của các nhà trường. Có kế hoạch tổ chức việc ôn tập bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người học, cần chú ý đối tượng có học lực yếu, kém và đối tượng chưa tốt nghiệp ở các kỳ thi trước.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp, xây dựng Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia; tổ chức tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế năm 2010; xúc tiến việc chuẩn bị tổ chức Olympic Hoá học quốc tế năm 2014 và Olympic Sinh học quốc tế năm 2016 tại Việt Nam.
Theo GDTĐ