PLVN phản ánh đúng, trúng và kịp thời "thực trạng xù ĐGTT”

"Tôi đã đọc loạt bài bàn về khía cạnh pháp lý của đấu giá từ thiện trên báo PLVN. Tôi thấy loạt bài viết đúng, trúng và thời sự", Giảng viên Nguyễn Văn Điệp, Học viện Tư Pháp, nhận định. 

 

Sau khi PLVN đăng tải loạt bài phản ánh thực trạng và bàn về vấn đề pháp lý trong “xù” đấu giá từ thiện, hôm qua (10/12) Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm “Những khía cạnh pháp lý của hoạt động bán đấu giá tài sản phục vụ mục đích từ thiện”, nhằm phát hiện những lỗ hổng pháp luật của hoạt động này và đóng góp hoàn thiện khung pháp lý, với sự tham gia của các luật sư, thẩm phán, đấu giá viên, giảng viên của Học viện Tư pháp…

Vì sao đấu giá đổ bể?

TS. Phan Chí Hiếu, Giám đốc Học viện Tư pháp nhìn nhận: “Nhiều buổi bán đấu giá phục vụ mục đích từ thiện còn mang tính ngẫu hứng. Ngẫu hứng vì Ban tổ chức chưa quan tâm đến thể lệ, trình tự cũng như các quy định cần phải có của cuộc đấu giá; người tham gia đấu giá lại chưa có các quy định để ràng buộc…”. 

dsgsdg
Rủi ro là chuyện không khó tưởng tượng, khi mà việc tổ chức các hoạt động bán đấu giá từ thiện không được chặt chẽ...

Cùng nhận định này, Thạc sỹ Mai Anh, Trưởng Khoa Đào tạo Thẩm phán (Học viện Tư pháp) thẳng thắn: “Rủi ro là chuyện không khó tưởng tượng, khi mà việc tổ chức các hoạt động bán đấu giá từ thiện không được chặt chẽ. Và khi không được quy định một cách cụ thể, rõ ràng thì đương nhiên là sẽ thiếu chứng cứ để khởi kiện đòi bồi thường”.

Các đại biểu đã cùng đi tìm nguyên nhân khiến các cuộc đấu giá phục vụ mục đích từ thiện trong thời gian qua liên tục bị “xù” tiền. “Trước khi tham gia buổi đấu giá, Ban tổ chức có yêu cầu người đấu giá đặt trước một khoản tiền không? Ban tổ chức có chuẩn bị các Hợp đồng mua bán để ngay sau khi trúng đấu giá thì yêu cầu họ ký vào hợp đồng này?, nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ  xử lý bằng cách nào?”, ông Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc Học viện tư pháp băn khoăn. 

Một nguyên nhân nữa khiến các cuộc đấu giá từ thiện thất bại đó là Ban tổ chức khi bị quỵt  tiền đã không lên tiếng phản đối, không yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý mà đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Chính vì vin vào “điểm yếu” này đã khiến các đại gia “ảo” xem buổi đấu giá từ thiện như một cuộc chơi, thích thì trả tiền, không thích thì thôi. “Gần chục năm qua, sự việc này vẫn tiếp diễn là do các Ban tổ chức không làm đến cùng, làm cho ra nhẽ. Khi chưa có vụ việc cụ thể nào được đem ra xử lý đến nơi đến chốn thì tình trạng trên khó mà chấm dứt”, TS Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.

Luật không bó tay

Nhân vật “nóng lòng” nhất cuộc tọa đàm có lẽ là ông Đinh Gia Diên, Giám đốc Công ty cổ phần đá quý Gia Gia - đơn vị tổ chức “Đêm hội Doanh nhân và Hoa hậu hướng về miền Trung” bị xù 75 tỷ đồng tiền đấu giá mới đây.

Ông Diên cho biết, dù đang hết sức khủng hoảng với hậu quả của sự việc vừa qua nhưng ông vẫn  không ngại bay ra Hà Nội dự cuộc tọa đàm với mong muốn được nghe tư vấn của các chuyên gia luật pháp để khắc phục hậu quả cuộc đấu giá đổ bể vừa qua. Không ngần ngại, ông Diên bộc bạch:  “Doanh nghiệp của tôi đang bên bờ vực phá sản, các đối tác quay mặt với công ty vì cho rằng chúng tôi bội tín, gọi điện không ai nghe.

Chúng tôi làm từ thiện, mục đích không đạt được còn lỗ tới 2,5 tỷ đồng và sắp tới là đóng cửa công ty”. Được biết, Học viện Tư pháp ngỏ ý muốn hỗ trợ pháp lý cho ông Diên trên chặng đường đòi tiền các đại gia thất hứa.

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay những quy định riêng về bán đấu giá từ thiện chưa có nhưng không phải là pháp luật bó tay. “Tôi nghiên cứu kỹ Điều 1 của Nghị định 17 về đấu giá tài sản, phạm vi điều chỉnh của nghị định không điều chỉnh đấu giá từ thiện. Bản chất của bán và trúng đấu giá từ thiện là một hình thức mua bán đặc biệt, thỏa mãn các điều kiện của một giao dịch dân sự như: Chủ thể có năng lực hành vi, tự nguyện, tài sản bán đấu giá không bị cấm, đấu giá công khai…",  ông Phạm Như Hưng, Khoa Đào tạo Thẩm phán, Học viện Tư pháp phân tích. "Vì vậy,  Bộ luật Dân sự sẽ điều chỉnh. Thậm chí trong trường hợp cuộc đấu giá “Đêm hội Doanh nhân và Hoa hậu hướng về Miền Trung” vừa qua, đại diện doanh nghiệp Bảo Long đã ký văn bản cam kết trúng đấu giá với Ban tổ chức, đó là chứng cứ thể hiện giao dịch đã được xác định. Vì vậy, không thực hiện cam kết, gây thiệt hại thì ắt phải bồi thường theo qui định của luật Dân sự”.

Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Chiến, Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến và Cộng sự cho rằng: “Quan điểm của tôi cũng như Báo PLVN đã nêu, không nên tách đấu giá từ thiện và đấu giá nói chung, vì bản chất nó là một, chỉ khác mục đích của cuộc đấu giá mà thôi. Người trúng đấu giá là người đã chấp nhận giao kết hợp đồng và phải bồi thường nếu gây thiệt hại do việc không thực hiện hợp đồng đó”.

Dưới con mắt chuyên môn làm công tác đấu giá, việc xù đấu giá từ thiện cũng được xử lý hết sức “gọn gàng”, khi Giám đốc Trung tâm bán đấu giá tài sản Hải Phòng - Phạm Tuấn, cho rằng: Hoàn toàn có thể khởi kiện được như các bài báo PLVN đã nêu.

Căn cứ Điều 458 Bộ luật Dân sự và Điều 34 Nghị định 17/NĐ-CP, những người trúng đấu giá mặc nhiên được coi là người đã chấp nhận giao kết hợp đồng. Các băng ghi âm, ghi hình được coi là chứng cứ trong vụ án dân sự. Có điều, Ban tổ chức phải chứng minh được thiệt hại của mình.

Việc ký kết hợp đồng sau này chẳng qua là để hợp thức giao dịch, chứ giao dịch đã hoàn thành kể từ khi trả giá xong. Cũng không lo về người đấu giá qua điện thoại “mất tích”, vì cơ quan Công an sẽ tìm ra được. Người đại diện đấu giá không đúng theo qui định của pháp luật cũng phải tự chịu trách nhiệm cá nhân cho giao dịch của mình.

Ông Trần Đại Dân, Giám đốc trung tâm bán đấu giá tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, theo qui định hiện hành, có thể khởi kiện được. Tuy nhiên, bà Lê Thị Bích Lan, Thẩm phán TANDTP Hà Nội cho rằng, để  áp dụng Luật Thương mại hay Luật Dân sự trong lĩnh vực này này cần phải có  tư liệu, căn cứ, tài liệu khởi kiện khác để quyết định.

Đấu giá từ thiện, cần linh hoạt nhưng không tạo kẽ hở

Ông Phạm Tuấn, Giám đốc Trung tâm bán đấu giá tài sản Hải Phòng chia sẻ: “Ở nước ngoài cũng xảy ra tình trạng xù đấu giá, chẳng hạn như ở Pháp mới đây, đấu giá bức tranh của vua Hàm Nghi, người trúng đấu giá cũng không thực hiện cam kết, nhưng luật pháp của họ chặt chẽ, họ yêu cầu cung cấp tài khoản trước khi tham gia đấu giá và Bộ luật Hình sự có qui định để truy đến cùng trách nhiệm của người đó”.

Giảng viên Nguyễn Văn Điệp, Học viện Tư Pháp: Tôi đã đọc loạt bài bàn về khía cạnh pháp lý của đấu giá từ thiện trên báo PLVN. Tôi thấy loạt bài viết đúng, trúng và thời sự.

Ông Phạm Tuấn, Giám đốc Trung tâm bán đấu giá tài sản Hải Phòng: Tôi theo dõi vấn đề pháp lý của câu chuyện bỏ trúng đấu giá từ thiện. Có lẽ, báo PLVN là tờ báo đầu tiên bàn về vấn đề này, khi dư luận đang hết sức phẫn nộ với những đại gia hứa hão. Cách đặt vấn đề và lý giải về pháp lý của báo rất trúng. Ý kiến cá nhân tôi cũng rất giống quan điểm của báo, đó là vụ việc này có cơ sở để khởi kiện.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng thừa nhận, nếu quy định quá chặt như qui trình bán đấu giá thông thường thì đấu giá từ thiện không hấp dẫn, ít người tham gia, khiến mục đích khó đạt được.

Trước nhận định này, ông Phạm Như Hưng nêu quan điểm: “Những người có lương tri và có mục đích làm từ thiện thực sự thì họ không câu nệ điều kiện ràng buộc hay quy định chặt chẽ đến đâu. Bởi vậy, các Nhà tổ chức đừng lấy lý do vì quy định chặt mà các doanh nghiệp không tham gia. Tuy nhiên, quy định gì đi chăng nữa cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào buổi đấu giá”.

TS. Phan Chí Hiếu kiến nghị: “Giả sử người tổ chức đấu giá là đấu giá viên thì không thể hút khách và hấp dẫn bằng một MC là người đẹp, hoa hậu. Vì vậy, nên chăng cần có qui định về trình tự, thủ tục bán đấu giá từ thiện riêng. Tuy nhiên, một trình tự thủ tục linh hoạt cho đấu gia từ thiện không có nghĩa là tạo ra kẽ hở cho những người không có ý thức pháp luật.

Theo tôi, việc lẫn lộn giữa từ thiện và mục đích kinh doanh trong cuộc đấu giá từ thiện như vừa qua là không hay, nên tách bạch điều này để không bị lợi dụng. Người điều hành đấu giá có thể là MC nhưng người đó cần có kiến thức pháp luật nhất định về đấu giá. Học viện tư pháp có thể đào tạo ngắn ngày cho đối tượng này ”. TS. Hiếu cho biết, những ý kiến của cuộc tọa đàm sẽ được tổng hợp và kiến nghị gửi tới Bộ Tư pháp góp phần xây dựng, hoàn thiện pháp luật./.

Thanh Quý - Vân Anh

Đọc thêm