QH “bắt mạch” căn bệnh trầm kha về khiếu kiện đất đai

Theo báo cáo của UBTV QH, trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo hàng năm các cơ quan hành chính nhà nước nhận được có khoảng 70% là đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Quốc hội dành trọn một ngày làm việc để các đại biểu “bắt mạch, kê đơn” cho căn bệnh trầm kha này. 

Theo báo cáo của UBTV QH, trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo hàng năm các cơ quan hành chính nhà nước nhận được có khoảng 70% là đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Quốc hội dành trọn một ngày làm việc để các đại biểu “bắt mạch, kê đơn” cho căn bệnh trầm kha này. 

Cần làm rõ khái niệm “một số cán bộ”, “bộ phận không nhỏ”
Ngoài “ma trận” văn bản hướng dẫn thi hành các chính sách về đất đai như cách nói của đại biểu tỉnh Kiên Giang, sự hạn chế của bộ phận thực thi hệ thống văn bản này cũng là nguyên nhân khiến tình trạng khiếu kiện đất đai không "giảm nhiệt". 

Đại biểu Hồ Thị Thủy, Vĩnh Phúc, nhận định, nhiều cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết về khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai còn có thái độ vô cảm, bàng quan với những bức xúc của người dân.

Đại biểu Hồ Thị Thủy
Đại biểu Hồ Thị Thủy - Vĩnh Phúc: "Nhiều cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai về đất đai còn có thái độ vô cảm, bàng quan".
Chung quan điểm, đại biểu Khúc Thị Duyền - Thái Bình, Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang, thẳng thắn: Đội ngũ cán bộ quản lý về đất đai còn thiếu về số lượng, còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Sự yếu kém trong vận dụng pháp luật để giải quyết khiếu nại, tố cáo, sự buông lỏng trong quản lý đất đai, sự lãng phí trong quy hoạch sử dụng đất... của cơ quan chức năng đã tạo ra sự gia tăng trong khiếu nại, tố cáo về đất đai trong thời gian qua.
Phát biểu trong phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường - Nguyễn Minh Quang cho rằng: Những vấn đề về đất đai của nước ta có tính lịch sử, trải qua nhiều giai đoạn với những biến động lớn.

Bộ trưởng cũng thừa nhận các văn bản pháp luật với sự chồng chéo, đã gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý lẫn người sử dụng. 

Một nguyên nhân mà Bộ trưởng cho rằng cũng khiến cho tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài là việc tổ chức thực hiện có vấn đề. Đặc biệt là liên quan đến việc thu hồi đất của UBND các cấp và những cán bộ thực thi công vụ. “Theo tôi nếu giải quyết được vấn đề này thì tình hình sẽ khác”, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường nói.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường cho rằng, hướng khắc phục sẽ là sửa luật Đất đai. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị QH xem xét chỉnh sửa các luật khác có liên quan đến vấn đề đất đai để phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Tám Khá), Trà Vinh, còn cho rằng, trong việc tổ chức thi hành pháp luật về đất đai, còn có những cán bộ thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức.

Có không ít cán bộ  sử dụng tiền thu từ quỹ đất công ích trái pháp luật; nhũng nhiễu, cửa quyền gây phiền hà cho nhân dân. 

Câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thái Học, Phú Yên, có lẽ cũng là điều mà nhiều cử tri cả nước mong muốn được giải đáp: “Trong nhiều báo cáo khi đề cập đến những tồn tại hạn chế khuyết điểm của đội ngũ cán bộ chúng ta thường sử dụng cụm từ “một bộ phận không nhỏ”, “một bộ phận cán bộ”. Những cán bộ được nêu ở đây được xác định như thế nào?. Số liệu báo cáo giám sát cho thấy từ năm 2003 đến năm 2011, thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý hành chính 6650 người, chuyển cơ quan điều tra 380 vụ, 665 đối tượng. Từ số liệu này cho thấy số cán bộ làm sai, làm trái liên quan đến đất đai nhiều, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng có bao nhiêu cán bộ công chức đã bị xử lý, hình thức xử lý thế nào, đã nghiêm minh chưa, có trường hợp nào chưa xem xét, xử lý hoặc xử lý chưa thỏa đáng?”.
Cần xóa bỏ cơ chế tạo thuận lợi cho người chây ì
Quy định về giá bồi thường đất thu hồi cũng được nhiều đại biểu cho là nguyên nhân khiến người dân không hài lòng khi bị thu hồi đất. Trong lĩnh vực này, có hai luồng ý kiến chủ đạo. Một số cho rằng việc giá đền bù hiện nay không phù hợp với thực tế, gây bức xúc cho người dân, một số khác lại có quan điểm việc Nhà nước “thoáng” về giá đất chính là nguyên nhân gây bức xúc. 
Đại biểu Trần Văn Tấn, Tiền Giang, phân tích: Trong khi các dự án đền bù về đất ở các dự án đều thấp hơn rất xa so với giá giao dịch thực tế mà người dân gọi là giá thị trường, nhưng luật lại quy định giá đền bù phải sát với giá thị trường, khiến nảy sinh khiếu kiện của công dân. Cũng bởi Luật Đất đai quy định hàng năm vào ngày 1/1 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành khung giá đất mới, nhiều người dân trong vùng quy hoạch cố tình trì hoãn không thực hiện quyết định thu hồi đất nhằm kéo dài thời gian để chờ ban hành khung giá đất mới cao hơn hoặc để được hưởng hệ số trượt giá.
Sự chênh lệch về giá trong việc đền bù như phản ánh của đại biểu Thân Đức Nam, TP Đà Nẵng, cũng là nguyên nhân khiến người dân nảy sinh tâm lý so bì, đòi hỏi: Trên một địa bàn, hiện trạng sử dụng đất giống nhau, nhưng nếu là dự án công ích thì chỉ được bồi thường theo giá Nhà nước, còn nếu được quyết định là dự án thương mại thì thương lượng với giá đất sử dụng theo giá thị trường. Trong nhiều trường hợp, hai loại giá này chênh lệch hàng chục lần nên người dân đi khiếu kiện.
“Người dân đặt vấn đề tại sao Nhà nước không điều tiết giá đền bù giữa hai loại dự án để dẫn đến việc đền bù phải công bằng, dựa theo hiện trạng sử dụng đất, chứ không nên theo mục đích sử dụng đất trong tương lai, bất luận mục đích sử dụng đất là gì”, đại biểu Nam nói.
Đại biểu Thân Đức Nam cũng cho rằng, việc quy định bồi thường khi thu hồi đất theo giá thị trường khiến người dân có cách hiểu  là nhà nước mua lại quyền sử dụng đất đã giao kể cả đất giao không thu tiền như đất nông nghiệp. Đây là mâu thuẫn giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng mà hậu quả xảy ra trên thực tế là người dân đòi cho được giá thị trường giống như bán lại quyền sử dụng đất cho Nhà nước.
Một thực tế đáng lo ngại mà các đại biểu đã nhận định và trình bày trước Quốc hội là các quy định pháp luật hiện nay đã làm nảy sinh tình trạng người dân đi kiện nhiều thì có lợi, người dân chấp hành luật pháp tốt thì chịu thiệt thòi. 
Đại biểu Ly Kiều Vân, Quảng Trị, cũng cho rằng: Nhiều trường hợp người dân cố tình khiếu nại, tố cáo nhằm hoãn thời gian giao đất để đợi đất tăng giá. Hơn nữa, việc quy định giá đất theo cơ chế thị trường, theo xu thế hàng năm, năm sau cao hơn năm trước đã tạo sự bất công bằng giữa những người giao đất, điều này đã tạo nên một nghịch lý những người gương mẫu thực hiện nghiêm chỉnh, chấp hành các quyết định thu hồi đất thì nhận được giá đền bù thấp, còn những người cố tình chây ì chống đối thì sau đó lại được bồi thường với giá cao.
Tuy ở hai địa phương khá xa nhau, nhưng cả đại biểu tỉnh Hậu Giang - Phạm Hồng Phong và đại biểu tỉnh Bắc Kạn - Phương Thị Thanh -  đều chung nhận định: Mức giá đất theo thời gian và theo biến động của thị trường làm cho tình trạng giá đất luôn không ổn định, dẫn đến xảy ra tình trạng hộ giao đất sớm nhận tiền đền bù thấp hơn hộ giao đất muộn. Từ đó phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại và không chấp hành việc giao đất cho nhà nước có khi có quyết định thu hồi.  
Nhật Thanh

Đọc thêm