Qua 10 năm phát triển giáo dục trung cấp chuyên nghiệp

Trong 10 năm (2001-2010), cùng với hệ thống các cơ sở đào tạo trong cả nước cung cấp nguồn nhân lực trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, các cơ sở đào tạo TCCN trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển, đồng bộ trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ…
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định nghiên cứu thiết kế chế tạo mô hình hệ thống băng tải đa năng ứng dụng trong giảng dạy
Ảnh: Dương Đức

Trong 10 năm (2001-2010), cùng với hệ thống các cơ sở đào tạo trong cả nước cung cấp nguồn nhân lực trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, các cơ sở đào tạo TCCN trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển, đồng bộ trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ… Từ năm 2001 đến năm 2006, toàn tỉnh có 8 cơ sở đào tạo TCCN, đào tạo 24 ngành nghề với năng lực đào tạo khoảng 5 nghìn học sinh/năm. Đến giai đoạn 2006-2010, đã có 17 cơ sở đào tạo TCCN, đào tạo ở 37 ngành nghề với khoảng 19 nghìn học sinh/năm. Riêng năm học 2009-2010, đã tuyển được 9.284 học sinh đào tạo TCCN theo ngành học trong các trường đại học, cao đẳng, TCCN và các trường nghề, nâng tổng số học sinh TCCN đã tuyển từ năm 2001 đến 2010 là 61.468 học sinh, trong đó có 2.187 học sinh tốt nghiệp THCS, 59.279 học sinh tốt nghiệp THPT. Hàng năm, công tác tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp để phát triển giáo dục TCCN được Sở GD-ĐT và các cơ sở đặc biệt quan tâm. Thông qua hệ thống truyền thông từ cơ sở đến tỉnh, các thông tin về đào tạo nghề cùng nhu cầu tuyển dụng lao động được đăng tải thường xuyên. Các hội nghị về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng và TCCN cũng được ngành và các cơ sở đào tạo TCCN kết hợp phổ biến tới các bậc phụ huynh và học sinh. Nhiều trường THPT, trung tâm GDTX đã tổ chức hoặc liên kết cụm trường hội thảo về định hướng nghề nghiệp giúp học sinh có nhận thức đúng đắn về ngành nghề, chọn trường, chọn nghề phù hợp với yêu cầu xã hội, với trình độ và điều kiện của bản thân gia đình. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu xã hội, trong những năm qua, cơ cấu ngành nghề TCCN của các trường trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện và đồng bộ trên các lĩnh vực với 14 ngành nghề được mở thêm, 15 chương trình đào tạo được bổ sung, 14 chương trình được xây dựng mới theo hướng nghề nghiệp - ứng dụng, 156 giáo trình được biên soạn sử dụng nội bộ trong trường và hàng nghìn đầu sách được các nhà trường đầu tư mua sắm phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh. Các hoạt động dự giờ, tổ chức hội giảng cấp khoa, cấp trường và cấp tỉnh được duy trì thường xuyên đã giúp giáo viên các trường cập nhật kiến thức mới, tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đồng thời giúp cho công tác quản lý điều chỉnh kịp thời, sát thực tế chương trình nhiệm vụ công tác. Bằng sự cố gắng của các trường và toàn ngành trong việc chăm lo, đào tạo đội ngũ giáo viên, đến nay cơ cấu trình độ giáo viên TCCN đã được nâng lên. Số cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ thạc sỹ trở lên đạt gần 10%. 10 năm qua, đã có 13.957 lượt cán bộ, giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường. Thực hiện liên thông, liên kết TCCN với các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân và phân luồng học sinh sau THCS và THPT, từ năm 2006 đến hết năm 2009, đã có 3.477 học sinh tốt nghiệp TCCN được học lên ĐH, CĐ. Bằng nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư trọng điểm của Bộ, ngành Trung ương, của tỉnh và nguồn vốn của đơn vị, 10 năm qua, các trường ĐH, CĐ, TCCN và các cơ sở đào tạo khác đã được đầu tư 640 tỷ đồng và 44ha đất. Do đó cơ sở vật chất như nhà học, nhà làm việc, xưởng thực hành, sân chơi, bãi tập của các trường đã được cải thiện rõ rệt. Một số trường đã mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, giáo viên và đào tạo nghề cho học sinh.

Tuy nhiên, chất lượng lao động có trình độ TCCN nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Học sinh ra trường khó tìm được việc làm đúng ngành nghề đã được đào tạo, nhiều ngành trong các trường TCCN còn chưa có vị trí rõ ràng trong dây chuyền sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, xã hội và doanh nghiệp còn chưa thực sự quan tâm, coi trọng đối tượng lao động được đào tạo TCCN. Mặt khác, việc đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo TCCN ở các trường còn hạn chế, chủ yếu nặng về lý thuyết, ít thực hành, việc tổ chức thực tập sản xuất tại cơ sở kinh doanh còn gặp khó khăn. Với kinh phí cấp cho đào tạo TCCN thấp, có những ngành nghề chỉ đáp ứng khoảng 50-60% định mức kinh phí đào tạo nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Ở một số trường, tuy đội ngũ giáo viên tăng về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng trình độ tay nghề, sự am hiểu về công nghệ tiên tiến, hiện đại và các thiết bị mới còn hạn chế do chưa được thường xuyên cập nhật kiến thức, trang thiết bị dạy học còn thiếu và lạc hậu. Trong công tác phân luồng, mặc dù thực hiện mục tiêu thu hút 15% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề và TCCN theo Đề án phổ cập giáo dục bậc trung học của tỉnh, nhưng trong 10 năm qua số học sinh tốt nghiệp THCS theo học TCCN còn ít, không đạt được mục tiêu đề ra nên phần lớn các trường TCCN không hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh theo kế hoạch…

Đào tạo theo nhu cầu xã hội là một chủ trương đúng đắn để nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Vì vậy, để phát triển hệ thống giáo dục TCCN, cần tập trung ổn định quy mô, hệ thống các trường TCCN, triển khai nhiệm vụ đào tạo theo địa chỉ thông qua ký hợp đồng với cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, chú trọng mở thêm ngành đào tạo mới; tăng cường các điều kiện cần thiết bảo đảm chất lượng đào tạo và thực hiện đổi mới công tác quản lý. Do vậy rất cần sự quan tâm của tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cho các trường nhằm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, số lượng trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực có trình độ TCCN./.

Hồng Minh

Đọc thêm