Qua thị trường chứng khoán: Nhận biết dòng vốn ngoại

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến tháng 11- 2010, lượng vốn ròng (lượng vào trừ lượng ra) của nhà đầu tư  nước ngoài trên TTCK Việt Nam  đạt 920 triệu USD. Đây là một con số khá lớn, đáng chú ý là dòng tiền chảy vào tương đối đều trong các tháng

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến tháng 11- 2010, lượng vốn ròng (lượng vào trừ lượng ra) của nhà đầu tư  nước ngoài trên TTCK Việt Nam  đạt 920 triệu USD. Đây là một con số khá lớn, đáng chú ý là dòng tiền chảy vào tương đối đều trong các tháng, nhất là  6 tháng gần đây, có tháng lượng vốn ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 150 triệu USD. Một tỷ trọng đáng kể trong số đó được dành cho cổ phiếu. Có thể khẳng định, đây là một tín hiệu tốt cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tập trung cho cổ phiếu
Trong số hơn 900 triệu USD trên, thống kê của Ủy ban Chứng khoán cho thấy, có tới 600 triệu USD được đổ vào mua ròng cổ phiếu, mặc dù mức độ thanh khoản của thị trường chưa thể so sánh được với thời kỳ trước. Phần còn lại tập trung vào thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu chưa niêm yết. Trước khủng hoảng, trái phiếu chiếm 85%, nhưng hiện chỉ còn khoảng 12%, không tính lượng trái phiếu Chính phủ huy động trên thị trường vốn quốc tế. Giá trị danh mục của các nhà đầu tư nước ngoài tính đến cuối tháng 10- 2010 đạt 6,5 tỷ USD (chưa tính 1 tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính huy động từ đầu năm). Điều này phản ánh đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năng trung và dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là thị trường cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.                                                                                          Ảnh: Linh Nga

Số liệu thống kê cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư  nước ngoài đạt 49% là 7/633, trong đó 4 doanh nghiệp trên HNX, 3 doanh nghiệp trên HOSE. Số lượng doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 20% là 132/633, trong đó 69 doanh nghiệp trên HNX, 63 doanh nghiệp trên HOSE (có 2 doanh nghiệp đạt tỷ lệ 48,99%, 1 doanh nghiệp đạt tỷ lệ 48,96%). Tổng giá trị cổ phiếu do nhà đầu tư  nước ngoài nắm giữ đạt 24,58%, trong đó trên HNX đạt 14,21%, trên HOSE đạt 29,10%.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối rẻ so với các nước khác. Cụ thể, có những thời điểm, VN-Index gần chạm đáy 420 điểm, tại vùng này mức PE bình quân của thị trường chỉ khoảng 10x, thấp hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực. Bên cạnh đó, với sự bão hòa về các khoản đầu tư ở các thị trường phát triển khác thì sự kỳ vọng tăng cao hơn nữa là không nhiều. Một lý do nữa là do tốc độ tăng trưởng của các thị trường tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… không cao hơn so với thị trường ở các nước đang phát triển. Và đây là động lực chính để thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Điều quan trọng là khi dòng vốn ngoại đổ vào thị trường càng nhiều thì lượng cầu sẽ ngày càng tăng lên, đó là một tín hiệu tốt cho thấy khả năng thị trường sẽ đi lên.

Sáng suốt hơn trong nhận biết

Theo ông  Phan Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, giai đoạn 2011 - 2012, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn. Đó là vì Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển nhanh và ổn định trong suốt các năm vừa qua và được dự báo là duy trì đà phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đẩy nhanh việc tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài,Việt Nam cần làm tốt hơn 3 việc.  Một là, công bố thông tin kịp thời, đều đặn để thị trường minh bạch hơn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thông tin tới các nhà đầu tư hằng tháng, hằng quý. Thứ hai là, đẩy mạnh  cổ phần hóa. Trong đó, nên coi việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là bán cho đối tác chiến lược để giúp doanh nghiệp tốt hơn sau cổ phần hóa, chứ không phải để bán tài sản của Nhà nước với giá cao nhất. Thứ ba, Chính phủ đưa ra thông điệp rõ ràng, ổn định về chính sách vĩ mô, bảo vệ nhà đầu tư.

Mặc dù có sự cải thiện đáng kể về dòng vốn ngoại với thị trường chứng khoán, nhưng nhà đầu tư nội cũng nên có sự nhận biết rõ ràng hơn về các động thái mua, bán của nhà đầu tư ngoại. Dường như luôn có sự ngược chiều nhau rất đáng quan tâm. Cụ thể, khi các nhà đầu tư nội hào hứng mua vào thì khối ngoại tranh thủ xả hàng. Nhưng cũng có tình trạng trong các  phiên đỏ lửa, khối ngoại lại mua ròng trở lại. Chẳng hạn, trong phiên 8-12, VN-Index đổ dốc tới 7,93 điểm, xuống 452,83 điểm thì khối ngoại lại mua ròng với khối lượng hơn 2,5 triệu cổ phiếu với giá trị gần 96 tỷ đồng. Trước đó, phiên 7- 12 cũng là một phiên xả hàng của các nhà đầu tư nội khiến VN-Index mất 4,8 điểm, nhưng khối ngoại lại mua ròng trong phiên này với gần 2 triệu cổ phiếu tại sàn HOSE, giá trị mua ròng hơn 71 tỷ đồng.

Đánh giá về động thái của khối ngoại, một số nhà phân tích cho rằng, khối ngoại cũng lướt sóng, bắt đáy khá mạnh và tận dụng mọi thời cơ để làm ra lợi nhuận. Hơn nữa, họ có tiềm năng tài chính, có nhiều kinh nghiệm lọc lõi nên không loại trừ có những lúc họ dẫn dắt thị trường. Do đó, các nhà đầu tư nội cần có sự nhận biết cụ thể,  theo dõi sát sao hành động của khối ngoại để chuẩn bị cho các kế hoạch đầu tư và có những quyết định đúng đắn nhất cho riêng mình.

              Thanh Hiệp

Đọc thêm