Ra sức bao che cho SCB
Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giữa năm 2017 về thanh tra Ngân hàng SCB, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (TTGSNHNN) đã thành lập đoàn thanh tra tại Ngân hàng SCB, chia làm 2 đợt.
Đợt 1 bắt đầu từ ngày 01/8/2017 do Nguyễn Văn Hưng- Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNHNN thành lập đoàn thanh tra với 18 thành viên do cơ quan TTGSNHNN là đơn vị chủ trì phối hợp với Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Thanh tra Chính phủ (TTCP), Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG). Trưởng đoàn là Đỗ Thị Nhàn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng (Vụ I) tiến hành thanh tra tại hội sở chính và 12 chi nhánh.
Kết quả thanh tra thực tế của Đoàn Thanh tra xác định: Thực trạng tài chính Ngân hàng SCB tại thời điểm 30/6/2017 rất xấu. Theo đó, các chỉ số đều nằm trong báo động đỏ, cụ thể: Tỷ lệ nợ xấu chiếm gần 21%, trong khi theo quy định tỷ lệ này phải thấp hơn 3%; tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ (CAR) là 6,5%, trong khi quy định là hơn 9%; tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là hơn 13%, trong khi quy định là bé hơn hoặc bằng 50%; tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/ tổng dư nợ là gần 63%, trong khi quy định không được quá 55%...
Những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng nên lẽ ra phải được chuyển cho cơ quan chức năng điều tra xử lý và đưa Ngân hàng SCB vào diện kiểm soát đặc biệt để kịp thời ngăn chặn những hậu quả lớn hơn. Thế nhưng vì vụ lợi, mờ mắt trước tiền tài mà SCB mang lại nên Đoàn Thanh tra đã tìm mọi cách để bao che, lấp liếm nhằm biến “bò què thành bò lành”, hòng qua mặt các cơ quan chức năng.
Cụ thể, trên cơ sở chấp nhận 4 kiến nghị của SCB, Đoàn Thanh tra báo cáo đề xuất Nguyễn Văn Hưng xin ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cho phép Ngân hàng SCB giữ nguyên nhóm nợ nhóm 1 (thực tế là nhóm nợ nhóm 4 và 5 lên tới hàng chục nghìn tỷ)… Khi Cơ quan TTGSNHNN chưa báo cáo lãnh đạo NHNN xử lý 4 kiến nghị của SCB để xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thanh tra cho lãnh đạo NHNN và Thủ tướng Chính phủ (tháng 1/2018) thì Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo Tổ Tổng hợp (Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh và Bùi Tuấn Khoa) bỏ ngoài số liệu nợ phân loại nhóm 4 và nhóm 5 của một số dự án như: Mũi Đèn Đỏ, Dự án 6A, Dự án Royal Garden với tổng dư nợ gần 38 nghìn tỷ đồng, số trích lập dự phòng rủi ro gần 19 nghìn tỷ đồng và thoái lãi dự thu hơn 3 nghìn tỷ đồng…
Nguyễn Văn Hưng - Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGSNHNN (Ảnh TTX) |
Số liệu sau khi chỉnh sửa đã bị thay đổi, sai lệch. Theo đó, nợ xấu từ hơn 91 nghìn tỷ (chiếm 35,8%) xuống còn hơn 51 nghìn tỷ (chiếm gần 21%); vốn chủ sở hữu từ âm hơn 19 nghìn tỷ lên dương hơn 2,7 nghìn tỷ đồng; lỗ lũy kế từ âm gần 32 nghìn tỷ lên chỉ còn âm gần 10 nghìn tỷ…
Trong nội dung trình lên Đoàn Thanh tra có đưa nội dung đề nghị đưa Ngân hàng SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, nhưng Nguyễn Văn Hưng đã yêu cầu bỏ nội dung này ra khỏi báo cáo của Ngân hàng Nhà nước để báo cáo Chính phủ.
Để có thông tin báo cáo Chính phủ theo yêu cầu, Nguyễn Văn Hưng đã có công văn yêu cầu CIC báo cáo dư nợ của nhóm 71 khách tại địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. Mặc dù được CIC và Ngân hàng SCB báo cáo đầy đủ, nhưng Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn và Tổ Tổng hợp đã không sử dụng, không báo cáo dư nợ phát sinh sau ngày 30/6/2017 của nhóm khách hàng này và không bổ sung 13 khách hàng phát sinh dư nợ sau ngày 30/6/2017 để báo cáo họp Chính phủ (tháng 3/2018), báo cáo kết quả thanh tra gửi Ngân hàng Nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Không chỉ thế, sau đó Đoàn Thanh tra còn điều chỉnh kế hoạch thanh tra không theo chỉ đạo của Chính phủ, mà theo hướng có lợi cho SCB. Theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn đã chỉnh sửa bổ sung số liệu để giảm nợ xấu một cách ngoạn mục từ gần 21% thời điểm 30/6/2017 xuống chỉ còn 6,8% tại thời điểm 30/4/2018. Tương ứng với nợ xấu của SCB giảm được hơn 73 nghìn tỷ đồng, giữ nguyên nợ nhóm 1 cho SCB.
Trưởng Đoàn Thanh tra nhận 2 thùng xốp tiền
Vì sao khi thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm với tính chất, quy mô đặc biệt nghiêm trọng tại Ngân hàng SCB nhưng Đoàn Thanh tra vẫn cố tình báo cáo gian dối, bao che cho Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB? Câu trả lời đó chính là Đoàn Thanh tra đã bị lợi ích vật chất cám dỗ. Vì lợi ích cá nhân mà những quan chức trong Đoàn Thanh tra đã biến mình thành một công cụ để Trương Mỹ Lan qua mặt các cơ quan chức năng và tiếp tục phạm tội với tính chất manh động táo bạo hơn.
Theo đó, một số cá nhân đã nhận tiền, quà và lợi ích vật chất khác của Ngân hàng SCB để làm trái công vụ trong quá trình thanh tra, gồm: Nguyễn Văn Hưng đã nhận 390 nghìn USD (tương khoảng 9 tỷ đồng), Nguyễn Thị Phụng- Phó Đoàn Thanh tra nhận 20 nghìn USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách, và 1 chiếc khăn; Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa nhận 100 triệu đồng; Vương Đỗ Tuấn Anh nhận 20 nghìn USD và 2 chiếc áo; Trần Văn Tuấn nhận 6 nghìn USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà nhận 14 nghìn USD và 100 triệu đồng; Nguyễn Duy Phương nhận 1 nghìn USD; Nguyễn Văn Thùy nhận 21 nghìn USD, 60 triệu đồng, 1 áo sơ mi, 1 áo phông và 1 hộp yến… Với hành vi phạm tội của mình, các bị can này bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với khung hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù.
Đặc biệt nhất đó chính là Đỗ Thị Nhàn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng (Vụ I)- Trưởng Đoàn Thanh tra đã nhận số tiền lên tới 5,2 triệu USD (tương đương khoảng 120 tỷ đồng). Theo đó, để che giấu những sai phạm tại SCB, Trương Mỹ Lan đã nhiều lần gặp gỡ, bàn bạc với Đỗ Thị Nhàn - Trưởng Đoàn thanh tra tìm cách để “cứu” SCB mà chính xác hơn là để “cứu” Trương Mỹ Lan thoát khỏi lao lý nên Lan đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng Giám đốc SCB trực tiếp đưa cho Đỗ Thị Nhàn 3 lần với số 5,2 triệu USD. Lần đầu bỏ 200 nghìn USD trong túi quà hoa quả. Hai lần còn lại do số tiền cực lớn nên đã được đóng vào thùng xốp mang đến cho Nhàn.