Quà về quê

Đối với những người đi làm ăn phương xa, cả năm chỉ trông đến ngày Tết để về quê sum họp với gia đình, tổ tiên. Lo tàu xe đã đành, chuyện quà cáp mừng Tết cho ông bà, con cháu cũng phải nghĩ tới.

Đối với những người đi làm ăn phương xa, cả năm chỉ trông đến ngày Tết để về quê sum họp với gia đình, tổ tiên. Lo tàu xe đã đành, chuyện quà cáp mừng Tết cho ông bà, con cháu cũng phải nghĩ tới.

Cô Lan đang tư vấn cho khách hàng chọn quà về quê.

Cô Lan đang tư vấn cho khách hàng chọn quà về quê. 

Đã hơn 3 năm lấy chồng ở Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Nga (quận Liên Chiểu) không có điều kiện về thăm quê thường xuyên. Năm nay, chị quyết định đưa cả nhà về quê ăn Tết. Mọi việc cơ bản đã xong xuôi, nhưng chị lo nghĩ nhất là chọn mua quà Tết. Quê chị ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, một vùng quê luôn nặng tình nghĩa anh em, xóm giềng. Chị Nga nói: “Cháu chắt thì đông, bánh kẹo phải mua túi to chia mới đủ”.

Những người như chị Nga ở Đà Nẵng không ít, và đây là những khách hàng đến chợ, siêu thị khá lớn trong những tuần áp Tết. Cô Lan bán thực phẩm, bánh mứt tại chợ Hàn cho biết, những khách hàng quen hay nhờ cô tư vấn chọn sản phẩm làm quà. Để có được những món quà ý nghĩa, vừa với túi tiền, người bán phải hỏi kỹ: Nào là quê ở đâu? Quà cho người lớn hay trẻ em? Đặc điểm người nhận quà thích ăn cay, ngọt hay mặn để biết mà bán.

Chọn quà là sản vật của Đà Nẵng, ngoài bánh khô mè Bà Liễu, bánh đậu xanh, nem, chả, tré Bà Đệ, còn có nước mắm Nam Ô, tôm chua bà Hiền... Anh Lê Thanh Hải, công tác tại Văn phòng kiến trúc Nhà Đẹp, nói rằng: “Đúng là chín người nhưng tới mười hai ý. Vợ tôi quê Bắc Giang, năm nào cũng lo sốt vó với việc mua quà về Tết. Ở ngoài Bắc, người ta không quen với những món trong Nam. Ví dụ như mấy thứ mắm tôm chua, mắm nêm, họ chẳng mặn mà. Còn bánh kẹo, cá khô, mực khô thì ở đâu chẳng có, nước mắm lại càng rình rang thêm mệt”. Rút kinh nghiệm những lần trước, năm nay anh bàn với vợ khá kỹ về các món quà về Tết.

Những người quê xa đều thấu hiểu những hoàn cảnh như chị Nga, anh Hải, bởi họ biết rõ, dù eo hẹp về kinh tế, nhưng vẫn phải rộng tay đối với quà Tết cho họ hàng nội-ngoại. Anh Hải nói: “Em biết rồi đó, mình xa quê lâu, bây giờ về mà người này có quà, người kia không có là bị trách móc. Mua quà mà người ta không dùng được cũng dở, lại còn bị chê. Ở nông thôn ngày nay cũng chẳng thua gì thành phố là mấy”. Chị Nga tính: Lương nấu cơm của chị mỗi tháng chỉ 1,2 triệu đồng, chồng chị là bộ đội chuyên nghiệp, lương mỗi tháng 3,5 triệu đồng. Tổng thu nhập của cả nhà chưa đầy 5 triệu, trong khi đó, việc học hành, chi tiêu cho cả gia đình cũng hết ngần ấy. Đã vậy, một lần về quê tốn gần chục triệu đồng, đành phải vay mượn. Xong một cái Tết, phải tìm thêm những công việc phụ như dán giấy mã, sửa quần áo… để trả nợ. 

Những câu chuyện về quà Tết trên đây phần nào cho thấy, người xa quê còn rất nhiều gánh nặng.

Bài và ảnh: Duyên Anh

Đọc thêm