Quan chức lẫn dân thường căng mình “soi” nhà máy nhiệt điện

(PLO) - Gần đây, câu chuyện về các dự án nhiệt điện được công luận đề cập khá đậm khiến vấn đề trở nên nóng giống như tên gọi vốn có của loại hình phát điện này. Cùng với đó là nhiều câu hỏi, thậm chí cả sự e ngại, như: Nhiệt điện ích lợi cở nào? Tác động đến môi trường ra sao, và cách nào để quản lý, vận hành nó hiệu quả?
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã lắp hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải ra môi trường

Cơ chế 3 kênh giám sát 

Tại Tuy phong (Bình Thuận) - nơi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang vận hành, cả quan chức chính quyền lẫn người dân địa phương đều lấy mốc tháng 4/2015 - thời điểm xảy ra sự cố phán tán bụi xỉ của nhà máy này để nói về những tồn tại trước đây cũng như những nỗ lực làm sạch môi trường ven biển của chủ đầu tư dự án, sau khi công trình nói trên được đưa vào vận hành thương mại.

“Thời kỳ đầu, người dân do chưa hiểu hoặc chưa được thông tin đầy đủ về nhiệt điện, tiếp đó lại xảy ra sự cố ở bãi thải xỉ nên có sự bất bình. Nhưng sau đó, khi đã được giải thích rõ, cộng với nỗ lực từ phía Công ty Nhiệt điện Vinh Tân trong kiểm soát môi trường, cùng với những lợi ích mà dự án đã mang lại cho địa phương - khiến người dân ở đây dần đồng thuận. Đến thời điểm này, đa phần họ đã ủng hộ việc vận hành nhà máy”, ông Nguyễn Trung Trực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết.

Ngoài ra, vị đại diện chính quyền còn nhấn mạnh quan điểm địa phương khi nói rằng, lợi ích từ hoạt động của các nhà máy điện mang lại cho kinh tế địa phương là điều không thể phủ nhận, song cả huyện và tỉnh không vì thế mà thỏa hiệp với những vấn đề tiêu cực trong lĩnh vực môi trường (nếu có).

“Chúng tôi đã, đang giám sát nhà máy độc lập theo cơ chế 3 kênh. Thứ nhất, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ “soi” mọi hoạt động, trong đó đặc biệt chú ý vấn đề môi trường của nhà máy 24/24h; tiếp đó, nhân dân thông qua các đoàn thể ở địa phương sẽ trực tiếp giám sát hoạt động ở đây, nhất là chuyện thải tro xỉ, và cuối cùng mới đến hệ thống quan trắc tự động do Nhiệt điện Vĩnh Tân thiết lập”, ông Trực thông tin thêm. 

Theo tìm hiểu của PLVN, vào thời điểm vấn đề môi trường ở Nhiệt điện Vĩnh Tân được dư luận đặc biệt quan tâm, với ý kiến cho rằng, nước thải (nước làm mát bình ngưng của nhà máy) từ trong nhà máy chảy ra ngoài môi trường nóng và có nguy ảnh hưởng đến môi trường biển - vùng nuôi trồng thủy sản lớn của Bình Thuận, thì chính ông Phó Chủ tịch huyện nói trên là người đã nhảy xuống biển - tại vị trí gần với nơi nguồn nước thải thoát ra ngoài để tắm, nhằm chứng minh cho nhân dân trong vùng biết rằng, nước làm mát của Nhiệt điện Vĩnh Tân đổ ra biển không nóng, và không gây ô nhiễm biển như một số ý kiến kiến từng lo ngại.

“Nói đa phần dân ủng hộ dự án, nhưng đây đó vẫn còn vài người vì một số lý do vẫn còn nói ra, nói dzô. Nhưng tôi khẳng định số này không có nhiều, tuy nhiên Nhà nước cũng cần phải lưu ý. Thực tế,  công tác xử lý, giám sát môi trường hơn 1 năm qua, dù có chuyển biến tích cực, nhưng ngành Điện cần khắc phục triệt để vấn đề môi trường ở bãi xỉ, nhất là vào mùa gió, vì Bình Thuận là tỉnh có điều kiện khí hậu rất  khắc nghiệt”, ông Trực đề nghị.

Chúng tôi cũng đã kiểm chứng lời ông Phó Chủ tịch huyện Tuy Phong khi nói chuyện với bà Nguyễn Thị Tráng - Trưởng Ban công tác Mặt trận kiêm Chi hội trưởng Phụ nữ xã Vĩnh Hưng (Tuy Phong). Tại đây, bà Tráng nói: “Môi trường, cuộc sống của bà con, cô bác năm qua đã có nhiều thay đổi so với trước. Với tư cách vừa là người dân vừa là đại diện cho các tổ chức ở cơ sở, tôi nhiều lần có mặt trong các đoàn kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường ở nhà máy và bãi thải xỉ Hố Dừa, thì nhận thấy không còn bụi bặm như trước nữa”.

Tro xỉ được lu lèn, phun nước tạo ẩm tại bãi thải Hồ Dừa thuộc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2

“Mắt thần” bủa vây nhà máy...

Tại các Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cũng như Duyên Hải 1 (Trà Vinh), 3 vấn đề đang được quan tâm xử lý hay nói đúng hơn là thường xuyên bị các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân để mắt nhiều nhất, đó là: khí thải lò hơi, nước thải (nước làm mát sản xuất, nước sinh hoạt) và bãi thải xỉ.  Bởi cả 2 nhà máy nói trên đều sử dụng lò hơi công nghệ đốt than phun (PC); trong đó nhiên liệu chính là than cám 6a.1 (tỷ lệ tro xỉ khoảng 34%), còn dầu HFO là nhiên liệu dùng để khởi động.

“Tro xỉ thải ra trong quá trình đốt lò vận hành nhà máy là chất thải không thuộc danh mục nguy hại. Lượng tro xỉ của nhà máy khoảng 1,3 triệu tấn/năm, bao gồm 90% tro bay, còn lại là xỉ đáy lò. Tro bay được thu giữ và chứa tại 3 silo, được trộn với nước tạo độ ẩm cần thiết để tránh bụi khi gặp gió, sau đó nó được bơm vào xe chuyên dụng vận chuyển ra bãi thải được thiết kế với sức chứa trong vòng hơn 7 năm.”, ông Thiên Thanh Sơn - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân giải thích.

Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Âu Nguyễn Đình Thảo - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải còn cho biết, đơn vị này đã đưa vào vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) ngay từ giai đoạn khởi động các tổ máy nên đã khắc phục được tình trạng “khói đen” ở cột hơi khi tải thấp.

“Lúc mới vận hành, trên ông khói đúng là có khói đen khiến dân phải ứng, nhưng đến thời điểm này sau khi UBND tỉnh, các sở ngành,  chủ đầu tư và nhà thầu phối hợp xử lý nên tình trạng này đã được khắc phục. Tôi xin nói thêm, ở đây ngoài sự phối hợp kiểm tra từ tỉnh cho tới Thị xã Duyên Hải do ngành TN&MT chủ trì, chúng tôi còn lập cả đường dây nóng để tiếp nhận thông tin. Nếu nhà máy mà thải khói đen là dân họ điện cho chúng tôi liền.”, ông Nguyễn Hữu Thảo - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh xác nhận với PLVN.

Theo quan sát, hiện ở khu vực bãi thải xỉ Hố Dừa thuộc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, đã có hơn 10 camera được bố trí để quan sát, thu nhận những thông tin, hình ảnh quan trắc được về môi trường hàng ngày, rồi từ đó truyền hình ảnh, số liệu online về thẳng Trung tâm điều khiển của nhà máy cũng như Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận để trực tiếp giám sát, chấn chỉnh nếu có dấu hiệu vi phạm về môi trường. Đối với nước thải và nồng độ bụi... cũng quan trắc, kiểm tra theo cơ chế trên. 

Tóm lại, bên trong nhà máy hay ngoài bãi thải của các nhà máy nhiệt điện, nhất cử nhất động trong công tác vận hành, phát thải... đều được các địa phương phối hợp chặt với chủ đầu tư kiểm soát suốt ngày, đêm để hạn chế tối đa những tác động xấu có thể gây ra đối với môi trường.

Nhiều doanh nghiệp cam kết tiêu thụ tro xỉ 

Đại diện Công ty Nhiệt điện Duyên Hải thông báo, đến thời điểm này công ty đã ký hợp đồng mua, bán tro xỉ với 3 doanh nghiệp để làm gạch, sản xuất xi măng... với khối lượng hơn 1,2 triệu tấn/năm. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Thương mại Nguyễn Trình (Trà Vinh) đã cho ra sản phẩm gạch không nung làm từ chất thải tro xỉ của Nhiệt điện Duyên Hải.

Tương tự, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân cũng đã bắt tay với Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh, với cam kết tiêu thụ toàn bộ tro xỉ của nhà máy trong vòng 28 năm. Được biết, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải ra khoảng 1,3 tấn/năm. Nếu giải quyết được vấn đề tro xỉ thì cũng có nghĩa áp lực về môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện sẽ giảm đi rất đáng kể.

Đọc thêm