Quán cơm giá 1.000 đồng: Để người nhận từ thiện không còn mặc cảm

(PLVN) - “Của cho không bằng cách cho”, hiểu được ý nghĩa của câu nói trên, Hội từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Cần Thơ đã cùng các mạnh thường quân chung tay xây dựng nên quán cơm với giá 1.000 đồng. Cũng là từ thiện nhưng với sự khéo léo của Hội, những người được nhận từ thiện không còn cảm giác mặc cảm và thấy được đối xử công bằng.

Quán cơm với giá 1.000 đồng và quầy hàng với giá 0 đồng tại số 100, đường Trần Việt Châu, quận Ninh Kiều giờ đây không còn xa lạ với những người nghèo đang tất bật mưu sinh trong những ngày cận tết.

Buổi sáng các tình nguyện viên dậy từ rất sớm, luôn tay, luôn chân đỡ đần nhau để hoàn thành công việc, người thì nhặt rau, rửa rau người thì nấu cơm, dọn dẹp bàn ghế để đón khách. Công việc được diễn ra một cách nhuần nhuyễn trên môi ai cũng nở một nụ cười rạng rỡ vì đã giúp được biết bao mảnh đời bất hạnh.

Trong quán có một tấm bảng nho nhỏ để dành liệt kê các món còn thiếu ở quán, như: nước tương, tàu hủ, gạo, chén, đũa… nếu ai có vật gì sẽ nhanh tay đăng ký hỗ trợ cho quán. Nhờ vậy mà từ khi thành lập đến nay đã hoạt động được gần 3 năm, mỗi ngày phục vụ khách hàng từ 250 đến 300 suất cơm.

Khách hàng chủ yếu là người bán vé số, sinh viên xa nhà, các cô chú chạy xe ôm, làm bảo vệ, công nhân... mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng đều gặp khó khăn trong cuộc sống.

Quán cơm từ thiện với giá 1.000 đồng để người nhận từ thiện không còn mặc cảm.

Chị Phương là một tình nguyện viên đang loay hoay trong bếp chia sẻ cùng chúng tôi: “Hồi trước ở nhà chị không biết nấu nướng gì cả, nhưng khi đến đây chị đã tập tành nấu ăn rồi hỏi các chú, các cô xem có vừa miệng không? Sau khi lắng nghe những góp ý chị sẽ ghi vào cuốn sổ để rút kinh nghiệm cho lần sau. Khách ở đây dễ thương lắm ngon hay dỡ gì cũng khen chị, khen mọi người”. Hội từ thiện không chỉ là nơi giúp đỡ những mảnh đời cơ cực mà còn là nơi để mọi người kết bạn và san sẻ yêu thương.

Trước đây, quán ăn phục vụ 1 ngày 2 buổi nhưng sau đó đã ngưng hoạt động một thời gian do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đến nay, bếp đã quay lại hoạt động nhưng rút ngắn lại chỉ còn 1 buổi. “Nhà tôi hiện tại có 4 người, tôi làm công việc chạy grap thu nhập không cao lắm nhưng buổi sáng nhờ có bếp ăn này mà tôi giảm đi một phần chi phí. Nếu quán cơm có thể hoạt động thêm buổi chiều thì tôi mừng lắm” chú Sơn, một khách hàng thân thiết của quán chia sẻ.

Quán cơm từ thiện nhưng không hoàn toàn cho không, mỗi khách hàng đến đây dùng cơm sẽ phải trả một khoản phí tượng trưng là 1.000 đồng, để lý giải cho điều đó, ông Ngô Thành Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Cần Thơ chia sẻ: “Chúng tôi thống nhất với giá 1.000 đồng để những người đến ăn không còn mặc cảm, đến đây là để mua bán và sẽ được nhân viên phục vụ tận tâm như một khách hàng đúng nghĩa”. 

Cửa hàng 0 đồng vào giờ nghỉ trưa luôn tấp nập người đến cho và người đến nhận.

Bên cạnh quán ăn 1.000 đồng, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP còn tổ chức câu lạc bộ trẻ em đường phố, đây là lớp học tình thương cho trẻ em có hoàn cảnh cơ nhở, nhà nghèo hoặc mồ côi cha mẹ đang phải tất bật mưu sinh. Lớp học chủ yếu dạy chữ phổ thông, góp phần cùng Đảng và Nhà nước xóa nạn mù chữ, hy vọng sẽ giúp các em một phần nào đó cho tương lai sau này.

Để khích lệ tinh thần học tập của các em, những phần thưởng là tấm giấy khen cùng vài quyển tập giờ đây trở nên xa xỉ mà thay vào đó khi các em học tốt, học ngoan sẽ được trao tặng 5kg gạo để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của bản thân và gia đình. 

Trong khuôn viên của Hội còn xây dựng thêm quầy hàng 0 đồng với tiêu chí “Ai cho thì nhận, ai cần thì cho”. Cửa hàng với đủ các loại áo, quần, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… được sắp xếp ngay ngắn trên kệ để có thể phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Cô Nguyễn Thị Vân, hiện đang làm tạp vụ cho một công ty tại TP Cần Thơ chia sẻ: “Lâu lâu cô cũng đến đây một lần để tìm quần áo cho mình và cho mấy đứa cháu nội ở nhà. Nhờ vào cửa hàng này mà cô tiết kiệm được rất nhiều chi phí để lo cho tụi nhỏ. Lại đây nhân viên rất vui vẻ và tận tình lựa đồ giúp cô nên cô vui lắm”.

Ngoài ra, với số lượng quần áo cũ được quyên góp nhiều, kèm với gạo và nhu yếu phẩm được các mạnh thường quân hỗ trợ, trong các đợt thiện nguyện Hội sẽ trao tặng cho bà con khó khăn ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang...

Trong bộn bề cuộc sống, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai, nhiều mảnh đời bất hạnh đang cần lắm những trái tim ấm áp của các mạnh thường quân để giúp họ đón một cái Tết trọn vẹn. Quán cơm từ thiện 1000 đồng, cửa hàng 0 đồng... ở Cần Thơ thực sự là những "ngọn lửa ấm"cần được nhân rộng để xã hội cùng sẻ chia với người còn khó khăn không chỉ mỗi dịp Tết đến xuân về.

Đọc thêm