Quân đội ta hiếu với dân

Chủ nghĩa yêu nước của dân ta được Bác Hồ và Đảng ta nâng cao trong thời đại mới đã tạo nên sức mạnh để giải phóng dân tộc, tiến hành kháng chiến chống quân đội xâm lược. Với tư tưởng lấy chiến tranh nhân dân chống chiến tranh đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng quân đội nhân dân làm nòng cốt trong khởi nghĩa và đấu tranh cách mạng.

Dựng nước và giữ nước là truyền thống được xây dựng và vun đắp bằng trí tuệ, mồ hôi và xương máu của các thế hệ người Việt Nam yêu nước, tạo nên chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta.

Chủ nghĩa yêu nước của dân ta được Bác Hồ và Đảng ta nâng cao trong thời đại mới đã tạo nên sức mạnh để giải phóng dân tộc, tiến hành kháng chiến chống quân đội xâm lược. Với tư tưởng lấy chiến tranh nhân dân chống chiến tranh đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng quân đội nhân dân làm nòng cốt trong khởi nghĩa và đấu tranh cách mạng. Năm 1944, trước yêu cầu chuẩn bị lực lượng quân sự hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành chính quyền, Bác Hồ đã ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đó, được Bác Hồ, Đảng ta giáo dục, nhân dân nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc, quân đội nhân dân Việt Nam lớn mạnh và trở thành một đội quân anh hùng, bách chiến, bách thắng. Lúc đầu khi thành lập mới có 34 chiến sĩ với trang bị vũ khí thô sơ và súng đạn ít ỏi, quân đội nhân dân Việt Nam do biết dựa vào nhân dân, vì nhân dân mà hy sinh, chiến đấu đã cùng toàn dân ta đánh bại hai đế quốc xâm lược có quân đội nhà nghề và trang bị, vũ khí hiện đại. Lịch sử đã ghi đậm những chiến thắng vẻ vang của quân đội ta. Nổi bật nhất là những chiến thắng có ý nghĩa quyết định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình, mở ra tương lai phát triển của đất nước như chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa xuân 1975. 

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 88 (Giao Thủy) vận động quần chúng chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ an ninh biên giới biển.  Ảnh: Thu Hà
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 88 (Giao Thủy) vận động quần chúng chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ an ninh biên giới biển.
Ảnh: Thu Hà

Trong hoà bình dựng xây Tổ quốc, quân đội ta trở thành một đội quân vừa công tác vừa sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ và giúp đỡ nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm tháng vừa qua, hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ trong mưa bão, khắc phục hậu quả thiên tai trên mọi miền của Tổ quốc đã in đậm trong lòng nhân dân cả nước và bầu bạn quốc tế. Chỉ có một quân đội hiếu với dân, biết dựa vào dân mà hoạt động, rèn luyện, vì lợi ích của nhân dân mới có thể làm những công việc khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng để cứu dân. Đội quân đó như Bác Hồ đã nói: Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đó là lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh, công tác. Đội quân đó luôn dựa vào nhân dân, làm nòng cốt cho sự nghiệp quốc phòng của nhân dân. Đó chính là bản chất cách mạng, phẩm chất anh hùng của Anh bộ đội Cụ Hồ được xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và trưởng thành trong đấu tranh cách mạng của toàn dân do Bác Hồ - Người cha thân yêu của lực lượng vũ trang sáng lập và rèn luyện.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quốc phòng toàn dân là lấy dân làm gốc, lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền quốc gia. Là người sáng lập quân đội cách mạng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm giáo dục lực lượng vũ trang “trung với nước, hiếu với dân”. Người cho rằng, cán bộ, đảng viên trong quân đội hiếu với dân cũng như hiếu kính cha mẹ mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân và không có sức mạnh nào bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Cán bộ lực lượng vũ trang phải dựa vào dân, phải biết quý sức dân, quý yêu chiến sĩ như anh em ruột thịt vì nhân dân đã giao con em cho quân đội. Sức mạnh giữ nước của nhân dân là rất to lớn, song sức mạnh đó chỉ được phát huy khi được Đảng giác ngộ, quân đội làm nòng cốt và được tổ chức, huấn luyện. Bác Hồ nhiều lần chỉ rõ rằng: Muốn có phong trào cách mạng của quần chúng bảo vệ Tổ quốc, phải đưa trình độ quần chúng từ thấp lên cao, từ giác ngộ cách mạng đến hành động cách mạng, phải đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh. Vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh Tổ quốc là một công việc gian khổ, vất vả. Muốn làm tốt công tác vận động quần chúng, trước hết phải có niềm tin mãnh liệt vào quần chúng, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, sâu sát quần chúng và lãnh đạo quần chúng nhân dân bảo vệ, giữ gìn chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, lãnh thổ. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, mà trước hết là chủ quyền lãnh thổ là vô cùng thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Sự vững bền, ổn định chủ quyền là tiền đề, là điều kiện đảm bảo cho sự ổn định về chính trị, quốc phòng, an ninh, mở rộng bang giao tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước. Do đó, việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền quốc gia là sự nghiệp trọng yếu của toàn dân, trách nhiệm lớn thuộc về lực lượng vũ trang, là nghĩa vụ của mọi thế hệ công dân. Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia phải luôn được đặt trong một chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt phải coi trọng tăng cường quốc phòng, an ninh đối với địa bàn vùng biên giới, bờ biển, hải đảo với sự huy động lực lượng chuyên trách làm nòng cốt trong phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân để hình thành thế trận quốc phòng toàn dân trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ ra rằng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là sự nghiệp “của dân, do dân, vì dân”. Nhiệm vụ xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng phong trào cách mạng của quần chúng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng là của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị để nhân dân thực hiện, tham gia mới có hiệu quả. Nếu không có nhân dân tham gia thì không có lực lượng vũ trang nào có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ quốc phòng.

Ngày nay, trong điều kiện mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, chủ quyền quốc gia, trước hết là chủ quyền trên biên giới lãnh thổ có những yêu cầu mới. Nước ta có biên giới đất liền và vùng biển dài, rộng, cư dân miền núi vùng biên giới thưa, còn nhiều khó khăn, biên giới quốc gia là loại hình biên giới “mở”, trước âm mưu phá hoại của các loại đối tượng phản động và tội phạm trên biên giới thì nhiệm vụ quản lý lãnh thổ, lãnh hải càng khó khăn, phức tạp. Lực lượng vũ trang và các lực lượng liên quan phải dựa vào “tai mắt” nhân dân mới có thể kịp thời nắm bắt mọi diễn biến tình hình để có đối sách và biện pháp xử lý phù hợp.

Quân đội ta cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội X và nhiều nghị quyết Trung ương, nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ là “bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, văn hoá - tư tưởng và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội... ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”./.

Phạm Văn Khánh

Đọc thêm