Những biển cấm… cho có
Trên vỉa hè, quán cà phê, quán ăn tha hồ bành trướng, những gánh hàng rong cũng không ngoại lệ. Nếu không bị trưng dụng làm nơi buôn bán, những vỉa hè này cũng bị biến thành mặt tiền của quán, nơi khách để xe. Tại khu vực phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, đoạn đường trước Trường Cao đẳng Cần Thơ, cả hai bên đường dường như không còn chỗ cho người bộ hành.
Trước nhà hàng Biển Đông 2, ô tô đậu kín cả hai bên đường, liền một dãy dài. Việc ô tô neo đậu ngay dưới lòng đường khiến cho người lưu thông qua đây gặp không ít khó khăn.
Cchúng tôi chưa kịp dừng xe thì có đến 2 – 3 bảo vệ ra gọi khách. Thật bất ngờ khi bảo vệ hướng dẫn đậu xe dưới lòng đường dọc với hàng loạt xe khác mà không sợ cơ quan địa phương xử lý. Trước sự thắc mắc của chúng tôi, bảo vệ giải thích: “Các anh yên tâm, đậu xe ở đây không bị xử phạt gì đâu, chủ quán em quan hệ mạnh lắm. Xe đậu hai bên lòng đường là của quán em hết, trước đó có bảng cấm nhưng đâu có sao”. Quá bất ngờ kiểu nói tỉnh như ruồi của anh bảo vệ, chúng tôi hỏi tại sao lại như vậy thì anh này chỉ nói chỏng một câu “Mình ăn cơm thì cũng phải để mấy anh em ăn “cháo gà” chứ anh!”.
Đường 30/4, là một trong những tuyến đường đẹp, trọng điểm của TP Cần Thơ nhưng chỉ một điểm nhỏ về vấn nạn lấn chiếm lòng, lề đường đã trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người. Qua những gì chúng tôi ghi nhận và quan sát suốt nhiều ngày thì những biển cấm của Nhà nước về việc cấm đậu xe xuống lòng đường ở các tuyến đường trên địa bàn TP gần như bị các cơ sở kinh doanh này xem nhẹ và bất chấp.
Không còn giải pháp?
Hiện nay, các quán nhậu “mọc lên như nấm”; khu vực trung tâm quận Ninh Kiều là nơi có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, có lượng khách tham quan mua sắm nhiều, do đó, nhu cầu về bãi đậu xe là rất lớn. Việc lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, đậu xe rất phổ biến. Trên các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, 30/4, Mậu Thân… Có nhiều đoạn thay vì dành cho người đi bộ nay bị “hồ biến” thành nơi kinh doanh, buôn bán. Khi chúng tôi hỏi chính quyền địa phương có đến xử lý không thì ai cũng lắc đầu và “ngao ngán”.
Chị Huỳnh Thị Nga (37 tuổi, quận Cái Răng) nói: “Mỗi khi tan sở là nơi đây hàng loạt chiếc xe ô tô đã đậu thành một hàng dài ngay dưới lòng đường trước nhà hàng gây cản trở và làm mất trật tự an toàn giao thông, đó là chưa kể khi chạy ngang qua đây các xe ô tô ra vào liên tục khiến tôi xém bị tai nạn mấy lần. Điều đáng lo lắng hơn là những bác tài này bước ra từ quán nhậu. Tôi không hiểu tại sao tình trạng đỗ xe trái phép gây cản trở, mất an toàn cho người tham gia giao thông này ngang nhiên tồn tại hàng ngày mà vẫn chưa bị lực lượng chức năng nào xử lý. Rồi đến khi xảy ra tai nạn thì trách nhiệm thuộc về ai!”.
Ngoài vấn đề ô tô “oanh tạc” lòng đường thì trên vỉa hè nơi đây cũng bộn bề xe máy các loại. “Thử hỏi vỉa hè dành cho người đi bộ bị chiếm hữu, lòng đường cũng không còn để đi, thế người đi bộ họ như thế nào. Tôi nhớ Luật có quy định rõ ràng vậy thì cớ gì mà quán nhậu đó lại ngang nhiên cho khách đỗ xe như thế mà đến nay chính quyền địa phương cũng không đả động gì đến” – bác Nguyễn Văn Út bức xúc nói.
Cơ quan chức năng của quận Ninh Kiều cần xem xét lại trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý trật tự đô thị, trong đó có vấn đề biến vỉa hè, lòng đường thành bãi đỗ cho các loại xe. Nên chăng, cần có những biện pháp mạnh, triệt để hơn nữa xử phạt vấn đề này? Không thể vì quyền lợi kinh tế của một tập thể hay cá nhân nào đó mà ảnh hưởng đến việc lập lại trật tự lòng, lề đường để góp phần tạo bộ mặt văn minh đô thị của những khu vực trung tâm của TP.
Luật sư Kiều Anh Vũ – Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn
Việc lấn chiếm lòng, lề đường hiện nay chủ yếu là để kinh doanh, buôn bán hoặc làm bãi giữ xe bởi các quán ăn uống, quán nhậu và một số ít trường hợp là bán hàng rong. Lòng, lề đường bị chiếm dụng sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại bình thường của người dân và cũng làm mất mỹ quan đô thị. Hành vi lấn chiếm lòng, lề đường là hành vi vi phạm pháp luật.
Khoản 2, khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vi phạm về lấn, chiếm lòng lề đường sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với các mức phạt khác nhau.
Từ ngày 01/8/2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP sẽ thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP và vẫn tiếp tục quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm này, đồng thời có sửa đổi, bổ sung nhưng nhìn chung mức xử phạt vẫn không thay đổi đáng kể.