Tranh cãi liên quan đến chủ quyền phần biên đảo mà Nhật Bản gọi là "Vùng lãnh thổ phương Bắc" trong khi Nga gọi là quần đảo Nam Kuril bùng phát nhiều ngày qua đang có nguy cơ "đốt nóng" quan hệ Nga - Nhật.
Bất đồng sâu sắc về chủ quyền các hòn đảo kể trên không chỉ là nguyên nhân cản trở Mátxcơva và Tokyo ký Hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ II, mà còn đẩy quan hệ hai bên vốn đã căng thẳng ngày càng phức tạp hơn.
|
Đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là “Vùng lãnh thổ phương Bắc”, Nga gọi là quần đảo Nam Kuril đang “đốt nóng” quan hệ hai nước. |
Không phải lần đầu tiên quan hệ Nga - Nhật "nóng - lạnh" thất thường do những tranh cãi liên quan đến chủ quyền quần đảo tranh chấp này. Đỉnh điểm cuộc khẩu chiến ngoại giao đã nổ ra vào tháng 11 năm ngoái, khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới thăm đảo Kunashiri với lời khẳng định "đây là một phần lãnh thổ quan trọng của Nga". Với Tokyo, hành động này là không thể chấp nhận, bởi từ trước đến nay chưa từng có chuyến thăm nào như vậy.
Cùng với triệu hồi Đại sứ Nhật Bản tại Liên bang Nga Masahara Kono về nước và triệu Đại sứ Liên bang Nga tại Nhật Bản Mikhail Bely đến phản đối, Thủ tướng Naoto Kan khi đó đã khẳng định, chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Nga tới quần đảo tranh chấp này đã làm tổn thương tình cảm của công chúng Nhật. Không dừng lại ở cuộc khẩu chiến ngoại giao, cả hai viện của Nhật Bản còn thông qua dự luật tái khẳng định chủ quyền đối với bốn hòn đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp này. Dự luật quy định rõ rằng, bốn hòn đảo này, gồm đảo Iturup, Shikotan, Kunashir và Habomai là "phần lãnh thổ không thể tách rời" của Nhật Bản; đồng thời nêu rõ Chính phủ Nhật Bản sẽ "thực hiện những nỗ lực cao nhất để sớm lấy lại các hòn đảo này".
Giữa lúc ngọn lửa ngoại giao căng thẳng chưa được dập tắt, một loạt chuyến thị sát quần đảo Nam Kuril từ đầu năm đến nay của các quan chức Nga như Phó Thủ tướng Igor Shuvalov, Thứ trưởng Quốc phòng Dmitry Bulgakov, Bộ trưởng Khu vực Viktor Basargin rồi Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdiukov được xem là "giọt nước tràn ly", khiến Nhật Bản "đứng ngồi không yên". Với Nhật Bản, tuyên bố mới đây của Tổng thống Dmitry Medvedev về việc một loạt quan chức cao cấp Nga tới quần đảo Nam Kuril để minh chứng rằng khu vực này cần thu hút đầu tư nâng cao đời sống mọi mặt của dân chúng là động thái đáng tiếc, đe dọa tới mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa hai nước.
Bộ Ngoại giao Nga cũng ngay lập tức lên tiếng đáp trả rằng, Mátxcơva đã nhiều lần tỏ ý lấy làm tiếc về phản ứng gay gắt của Nhật Bản liên quan đến các chuyến thăm tới quần đảo Nam Kuril của các quan chức cao cấp Nga, trong đó có chuyến thăm gần đây nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdiukov. Với Mátxcơva, việc Tokyo tuyên bố chủ quyền đối với các đảo đang tranh chấp không chỉ làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương, ngăn cản một hiệp định hòa bình giữa hai nước, mà còn cản trở quan hệ của người dân hai nước ở những khu vực lân cận.
Được biết đến là khu vực giàu tài nguyên, nằm giữa vùng biển trù phú, quần đảo Nam Kuril hiện có khoảng 19.000 người sinh sống. Mặc dù điều kiện hạ tầng còn kém, nhưng quần đảo này lại có ý nghĩa chiến lược với cả đôi bên. Căng thẳng trong quan hệ Nga - Nhật một lần nữa cho thấy, tranh cãi về chủ quyền biển đảo vẫn là câu chuyện dài kỳ với nhiều quốc gia có chung lợi ích hiện nay. Tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng, quan hệ Nga - Nhật có thể tiếp tục căng thẳng và lý do không chỉ vì tranh chấp lãnh thổ hay lập trường cứng rắn của bên nào, mà điều quan trọng hơn là vì hai nước thiếu các cuộc đối thoại.
Căng thẳng trong quan hệ Nga - Nhật bùng phát ngay trước thềm chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara dự kiến vào ngày 10-2 tới. Chắc chắn chủ quyền biên đảo sẽ là một chủ đề trong chương trình nghị sự với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Liệu những bất đồng trong quan hệ Nga - Nhật có được hóa giải sau chuyến thăm này hay không đang được dư luận khu vực trông đợi. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trong những ngày vừa qua, chuyến thăm Nga tới đây của Ngoại trưởng Seiji Maehara sẽ thật sự là một chuyến công du không dễ dàng.
Theo (hanoimoi)