Quản lý dịch vụ phân phối - Lúng túng

Từ nhiều năm qua, quản lý dịch vụ phân phối tại Việt Nam luôn bị hụt hơi so với thực tế và quy mô phát triển. Đây là nội dung chính đặt ra tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về quản lý dịch vụ phân phối và kiến nghị chính sách cho VN” do Dự án Hỗ trợ thương mại Đa Biên – Mutrap III tổ chức ngày 7-9 tại TPHCM.

Từ nhiều năm qua, quản lý dịch vụ phân phối tại Việt Nam luôn bị hụt hơi so với thực tế và quy mô phát triển. Đây là nội dung chính đặt ra tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về quản lý dịch vụ phân phối và kiến nghị chính sách cho VN” do Dự án Hỗ trợ thương mại Đa Biên – Mutrap III tổ chức ngày 7-9 tại TPHCM.

Tăng trưởng nhanh, thứ hạng cao

Các siêu thị tại TPHCM đang thu hút nhiều người dân đến mua sắm. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Các siêu thị tại TPHCM đang thu hút nhiều người dân đến mua sắm. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Hơn 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực phân phối nói chung và bán lẻ nói riêng của VN đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ của Việt Nam liên tục tăng cao qua các thời kỳ: 1996-2000: 10,75%/năm, 2001-2005: 18,3%, 2006-2008: 25%. Riêng năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 65 tỷ USD, chiếm hơn 60% GDP của VN. Dù quy mô thị trường còn nhỏ nhưng lại có tốc độ phát triển nhanh, tiềm năng lớn, chính trị ổn định, cơ cấu dân số trẻ, thị trường VN đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Đây chính là lý do VN liên tục được xếp thứ hạng cao về chỉ số phát triển kinh doanh bán lẻ (GRDI) toàn cầu (năm 2007 xếp thứ 4, 2008 xếp thứ nhất, 2009 xếp thứ 6 và 2010 thứ 14 -  theo A.T. Kearney).

Nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu của nước ngoài như Metro Cash & Carry (Đức), Big C của Bourbon (Pháp), Parkson (Malaysia), Diamond Plaza (Hàn Quốc), Lotte (Hàn Quốc)... đã có mặt ở nước ta.

Theo số liệu của Bộ Công thương, đến hết năm 2009, VN có 8.500 chợ các loại, 451 siêu thị (tăng 62 siêu thị so với năm 2008). Trong đó, doanh nghiệp (DN) trong nước có 425 siêu thị, DN FDI có 26 siêu thị (chiếm 4%-5% tổng doanh thu bản lẻ toàn quốc).

Theo nhận định của nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển: “Chưa bao giờ hoạt động phân phối, đặc biệt là hoạt động bán lẻ tại VN lại sôi động và phát triển mạnh như hiện nay. Điều này không chỉ tạo cơ hội cho các DN trong và ngoài nước mà còn giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Cần có luật riêng cho bán lẻ

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, dịch vụ phân phối đã bộc lộ nhiều yếu kém. Đó là tính tự phát cao, trật tự thị trường và văn minh thương mại kém. Nạn buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều. Phương thức kinh doanh truyền thống (hộ gia đình, chợ) chiếm tỷ trọng lớn. Do chưa xây dựng tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đã tạo sức ép đối với hộ kinh doanh nhỏ và không minh bạch đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh VN cam kết WTO về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối nhưng khuôn khổ pháp lý thiếu đồng bộ, chồng chéo, tính cụ thể và minh bạch còn kém… Nói cách khác, đến thời điểm này VN đang thiếu các công cụ quản lý dịch vụ phân phối một cách hữu hiệu. Hệ thống pháp luật VN về dịch vụ phân phối còn rất nhiều điểm chưa hoàn thiện như: chưa có quy định thống nhất về dịch vụ phân phối, chưa làm rõ các khái niệm bán buôn, bán lẻ, tiêu chí về ENT… Tại các văn bản hiện hành cũng thể hiện nhiều bất cập, nhất là trong việc quản lý hàng hóa hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Trong khâu quản lý nhà nước, chất lượng quy hoạch hệ thống phát triển thương mại thấp, chưa thể hiện sự phát triển các mô hình kinh doanh do chưa xây dựng các tiêu chí phân loại cụ thể.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TPHCM bức xúc, cách đây vài năm, sở đã làm văn bản trình UBND TPHCM không cấp phép cho một dự án vốn FDI vì nhiều lý do. Nhưng không lâu sau đó, dự án này vẫn được tiến hành từ việc cấp phép của một ngành khác? Cách làm này đã phá vỡ quy hoạch hệ thống phân phối tại một địa bàn của TPHCM, tạo tiền lệ không tốt trong quá trình cấp phép và quản lý DN. Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng thừa nhận, phá vỡ quy hoạch đã trở thành căn bệnh trầm kha của VN!

Cần có một công thức rõ ràng hơn về ENT nhằm tránh tình trạng tùy tiện trong việc cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài đã được nhiều đại biểu kiến nghị. Theo đó, việc mở thêm điểm bán lẻ thứ 2 sẽ được xem xét tùy theo từng trường hợp cụ thể, thông qua việc kiểm tra ENT với những tiêu chí như quy mô địa lý, số lượng nhà bán lẻ hiện diện trên địa bàn, sự ổn định của thị trường… Với việc áp dụng ENT, VN có thể hạn chế bớt những tổn hại cho các DN, đặc biệt là những hộ kinh doanh cá thể từ việc hiện diện của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc VN cần phải có một bộ luật riêng về bán lẻ, quy định rõ các loại hình phân phối hiện đại như: bán buôn, bán lẻ, đại lý hoa hồng, nhượng quyền thương mại, bán hàng trực tiếp (bán tại nhà), bán hàng qua mạng… Đây sẽ là cơ sở để quản lý lĩnh vực dịch vụ phân phối tốt hơn, tạo hành lang pháp lý cho các DN cùng phát triển. Bên cạnh đó, việc soạn thảo, sửa đổi các bộ luật cho phù hợp với cam kết WTO là điều cần phải được tính sớm và phải tính một cách khôn ngoan nhất để giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế. Tránh tình trạng, luật cho phép nhưng cam kết lại không sẽ rất khó cho nhà đầu tư.

THÚY HẢI

SGGP Online

Đọc thêm