Quản lý đô thị trước sức ép dân nhập cư: Cần thay đổi tư duy

Hình như chúng ta vẫn cố tình quên lãng người nhập cư trong các tính toán của mình nên đã không có những phương án tổ chức và quản lý đô thị thích hợp.

Hình như chúng ta vẫn cố tình quên lãng người nhập cư trong các tính toán của mình nên đã không có những phương án tổ chức và quản lý đô thị thích hợp.

Quản lý đô thị trước sức ép dân nhập cư:  Cần thay đổi tư duy
Các luồng di dân từ nông thôn vào các thành phố lớn ngày càng tăng nên bộ máy chính quyền đô thị cần phân quyền và chủ động hơn trong công tác quản lý. Ảnh: HTD

Giống như mọi quốc gia đang phát triển khác, các đô thị lớn tại Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM luôn phải đứng trước những sức ép lớn về sự gia tăng dân số cơ học do chúng luôn đóng vai trò là những “lực hút” về kinh tế của quốc gia. Vì vậy, theo giảng viên xã hội học - Thạc sĩ Lê Minh Tiến, thực tế từ sau đổi mới đến nay cho thấy bất chấp mọi rào cản về hành chính để siết chặt việc nhập cư vào các đô thị lớn, các luồng di dân từ nông thôn vào các TP vẫn ngày càng tăng.

Trong bối cảnh ấy, để có thể quản lý tốt đô thị như TP.HCM, trước hết phải xem chuyện nhập cư từ nơi khác đến là bình thường vì không có cách nào và cũng không có quyền để ngăn cấm. Hơn nữa, nếu thiếu vắng người nhập cư thì sự vận hành của TP sẽ bị trục trặc ngay bởi nhiều hoạt động tại TP.HCM hiện nay, người nhập cư đang là những “vai diễn chính” (công nhân tại các khu công nghiệp, hệ thống thu gom rác dân lập…).

Vậy làm thế nào để đô thị có thể đương đầu với những vấn đề riêng có của mình?

Phân quyền mạnh hơn

Trước hết, bộ máy chính quyền đô thị phải được tổ chức hoàn toàn khác với chính quyền nông thôn, đồng thời đô thị cần có những luật lệ, quy định riêng để phù hợp với thực tế phát triển của mình. Nhưng nếu chỉ thành lập chính quyền đô thị theo kiểu sắp xếp các bộ máy hành chính cho khác với chính quyền nông thôn thì cũng chưa đủ. Vấn đề mấu chốt là phải xem lại mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền đô thị, giữa chính quyền đô thị với các thành phần khác trong nó.

Về mối qua hệ giữa trung ương - đô thị, cần phân quyền mạnh hơn nữa cho các đô thị. Từ trước tới nay, trung ương vẫn nắm quyền chi phối rất lớn đối với những vấn đề liên quan đến đầu tư và tài chính-ngân sách. Chính điều này đã làm hạn chế sự chủ động của các đô thị trong việc đưa ra những quyết sách, quyết định khiến đà tiến của các đô thị có phần chậm hơn so với tiềm năng.

Nên chăng Chính phủ chỉ nên đóng vai trò là “người điều phối” (facilitateur), người tạo ra các khuôn khổ pháp lý và quản lý cơ bản. Cần để cho các đô thị quyền tự quyết nhiều hơn bởi hơn ai hết, chính đô thị là người hiểu rõ các nhu cầu, các điểm mạnh cũng như những hạn chế của mình. Đô thị cũng là nơi phát sinh những nhu cầu đi trước của phát triển nên nếu có đủ quyền cần thiết, đô thị sẽ chủ động trong nắm bắt, điều chỉnh những vướng mắc để phục vụ cho phát triển.

Thay đổi cách tuyển dụng nhân sự

Một yếu tố quan trọng khác là TP phải thay đổi tư duy về nhân lực của bộ máy hành chính, bởi nếu được phân quyền mà nhân lực kém thì cũng không mang lại hiệu quả như mong đợi. Để quản lý và điều khiển tốt sự vận hành của đô thị thì các nhân viên trong bộ máy công quyền phải có những phẩm chất chuyên môn vượt trội so với ở nông thôn, vì họ phải đối diện với những vấn đề phức tạp hơn nhiều. Nhân lực trong bộ máy chính quyền đô thị phải là những con người chuyên nghiệp chứ không thể là những nhân viên “tay ngang” vừa làm vừa học việc.

Để có được những con người chuyên nghiệp như thế, TP phải thay đổi tư duy về tuyển dụng nhân sự trong bộ máy hành chính theo hướng nhân sự phải được tuyển dụng theo phẩm chất chuyên môn; sự thăng tiến của cá nhân phải dựa trên thành tích chứ không do “quy hoạch” hay lý lịch gia đình… Có thể thấy việc thi tuyển cạnh tranh công chức mà TP.HCM và Đà Nẵng đang làm thí điểm là bước đột phá trong chuyển hướng tư duy như vừa đề cập.

Ngoài ra, cần phải cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền đô thị với các thành phần khác trong đô thị. Muốn vậy, chính quyền đô thị phải thay đổi triết lý lãnh đạo của mình: Xem việc đưa TP phát triển không là nhiệm vụ hay “đặc quyền” của riêng mình mà coi đó là sự nghiệp chung của mọi thành phần trong TP. Chính quyền đô thị phải thiết kế các cơ chế mới để tạo được sự tham gia của mọi thành phần vào việc phát triển đô thị. Nói cách khác, tiến trình ra quyết định, quyết sách của TP cần phải điều chỉnh theo hướng “từ dưới lên” chứ không còn là “từ trên xuống” như lâu nay. Cách làm này vừa thể hiện tính dân chủ cao, vừa dễ dàng nhận được sự đồng thuận và tham gia của mọi thành phần trong đô thị.

Hỏi ý dân từng chuyện nhỏ

Ở Louvain (Bỉ), khi dự định cho xe bốn bánh lưu thông vào một con đường nhỏ, chính quyền liền thông báo và đề nghị dân chúng cho ý kiến. Người dân trong khu vực xung quanh tự tổ chức các buổi họp để tranh luận xem có nên cho xe bốn bánh lưu thông trên con đường đó hay không. Khi đã có ý kiến của đại diện các nhóm dân cư liên quan, chính quyền TP mới đưa ra quyết định dựa trên ý kiến đa số.

“Hội nghị Diên Hồng" kiểu Brazil

Các đô thị ở châu Mỹ Latinh mà điển hình là chính quyền TP Porto Alegre (Brazil) là một kiểu mẫu của loại chính quyền đô thị "từ dưới lên". Ngay từ năm 1989, chính quyền TP này đã thiết chế hóa sự tham gia của mọi thành phần vào các quyết sách liên quan đến ngân sách TP. Theo đó, mỗi năm các công dân của TP được mời gọi tham gia vào hai cuộc hội nghị để cùng thảo luận và chọn ra năm vấn đề bức thiết nhất của TP để đầu tư, giải quyết trên danh sách các vấn đề mà TP đưa ra. Cách làm này hiện đã được nhân rộng ra trên 100 TP khác của Brazil.

Theo Pháp Luật TP

Đọc thêm