Quản lý doanh nghiệp: Còn nhiều việc phải làm

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 23- 11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh bị “ quay” nhiều về trách nhiệm của Bộ trong vụ Vinashin, về quản lý doanh nghiệp cũng như tiền và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp; về quỹ bình ổn giá xăng dầu cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến tiền tệ, giá cả.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 23- 11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh bị “ quay” nhiều về trách nhiệm của Bộ trong vụ Vinashin, về quản lý doanh nghiệp cũng như tiền và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp; về quỹ bình ổn giá xăng dầu cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến tiền tệ, giá cả. Bộ trưởng trả lời khá cặn kẽ nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội, tuy nhiên còn “ hơi dài và sức khái quát tổng hợp hạn chế” như nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Quản lý sắp xếp doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm

Đại biểu Phạm Thị Loan ( Hà Nội) mở đầu phiên chất vấn bằng sự bức xúc về câu hỏi mà “cách đây 1 - 2 năm đã 3 lần gửi Bộ trưởng  nhưng được trả lời với 3 số liệu khác nhau”. Đó là tỷ lệ mà các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước được phép đầu tư ra ngoài ngành? Bộ trưởng khẳng định con số này không quá 30% trên tổng tài sản được đầu tư sang khu vực không phải là ngành sản xuất chính nhưng phục vụ sản xuất chính; đầu tư vào tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, chỉ được đầu tư vào 1 doanh nghiệp và không quá 20% vốn điều lệ. Bộ đang yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty báo cáo để rút vốn nếu đầu tư không đúng lĩnh vực cho phép.

Về Tổng công ty quản lý vốn Nhà nước, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề lớn, đã được ghi trong Nghị quyết và được luật hóa, một trong những biện pháp góp phần quản lý, kinh doanh vốn Nhà nước chứ không phải là chủ quản của DNNN. Hiện có khoảng 900 doanh nghiệp nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổng vốn chiếm chưa đầy 2% tổng vốn Nhà nước tại tất cả doanh nghiệp. Trong đó, có 87% số doanh nghiệp cần bán và bán hết rút vốn về đề tập trung đầu tư vào những lĩnh vực then chốt Nhà nước phải nắm giữ. Hiện đã góp vốn đầu tư vào ngành điện, ngành dầu khí… Cách quản lý hoàn toàn theo pháp luật quy định và hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Trả lời về việc nhiều doanh nghiệp FDI thua lỗ, không nộp thuế, có biểu hiện chuyển giá…, Bộ trưởng cho biết, từ năm 2005 Bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn cho phép cơ quan thuế thực hiện biện pháp chống chuyển giá, đồng thời tích cực thực hiện thanh tra, kiểm tra nhưng chống chuyển giá vô cùng khó khăn vì họ chuyển ngay từ nước ngoài. Năm 2010 ban hành thông tư thay thế và kiểm tra 127 doanh nghiệp FDI lỗ nhiều, liên tục 3 năm phát hiện khai lỗ không đúng 1450 tỷ đồng và đã truy thu vào ngân sách. Hiện nay tiếp tục thanh tra toàn diện, đối chiếu chứng từ đầu vào đầu ra, tham khảo giá trên thị trường thế giới, có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp thu thập thông tin liên quan và sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn trong năm tới.

Về Vinashin, Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm của mình, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm, báo cáo Thủ tướng và Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Vinashin thực hiện kết luận thanh tra. Tuy nhiên, có việc Vinashin đã làm, nhưng cũng có việc chưa làm hoặc làm chậm. Bộ trưởng cho rằng, hiệu lực của thanh tra là có nhưng còn bất cập vì chưa bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện.

Tăng giá do nhiều nguyên nhân

Trả lời đại biểu Đỗ Mạnh Hùng về lý do tăng giá, Bộ trưởng phân tích nguyên nhân tăng giá là do mức độ nhập khẩu rất lớn, chịu tác động của giá bên ngoài, trọng khi cơ cấu nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước chiếm 75%. Trong nước có nhiều nhân tố như tác động của thiên tai dịch bệnh, sức mua tăng, giá vàng, giá đô- la tăng đột biến… Giá bông xơ, xăng dầu, khí hóa lỏng, giấy… tăng 20- 30% ở nước ngoài. Ngoài ra, có một số mặt hàng chưa đi theo giá thị trường, phải có lộ trình điều chỉnh giá như điện, than… Hiện  than bán cho điện mới đạt khoảng 76- 80% giá thành, than bán cho giấy, phân bón, xi măng mới khoảng 80%, phải có lộ trình để không ảnh hưởng tới sản xuất, tới nhân dân.

Còn yếu tố giá tăng do Tết, sức mua tăng chỉ là một trong những nguyên nhân. Giải quyết cái gốc của vấn đề là tăng cường cung cầu, không để thiếu hàng, phát huy vai trò quản lý giá của các địa phương…  

Kinh phí xây dựng nông thôn mới phải bố trí từ nhiều nguồn

Đại biểu Phạm Xuân Thường ( Thái Bình) nêu ý kiến: có  19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mỗi xã cần 100 tỷ đồng / 10 năm, bình quân 10 tỷ đồng/ năm sẽ rất khó. Trong khi hiện nay mới bố trí nguồn vốn nhỏ giọt thì mục tiêu xây dựng nông thôn mới phải lùi lại tới 20 năm, tức là năm 2040 mới thực hiện được. Theo Bộ trưởng, xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, tổng thể gồm nhiều nguồn vốn, được thí điểm tại 11 xã phải sử dụng tổng thể tất cả chương trình hiện nay Chính phủ đã bố trí. Vì vậy, 1 xã có nhiều chương trình mục tiêu như 135 đối với miền núi, xây dựng trường học, đường đến xã…vốn phải lồng ghép, sử dụng tổng thể các chương trình thực hiện. Vốn ngân sách phân bổ trước hết là xây dựng quy hoạch nông thôn, quy hoạch địa bàn xã, trên cơ sở đó bố trí triển khai các chương trình  nhưng không phải quy hoạch xong mới thực hiện mà thực hiện song song. Trong kế hoạch triển khai sẽ thực hiện cơ sở hạ tầng trước, kết hợp với các tiêu chí khác.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng:
Nghiên cứu đường sắt cao tốc Bắc Nam là chuẩn bị cho tương lai

Đường sắt cao tốc, xây dựng hạ tầng giao thông, các biện pháp chống ùn tắc, tai nạn giao thông… được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT nhiều lần và được Bộ trưởng trả lời khá rõ ràng, trên cơ sở phân tích thêm một số điểm đáng quan tâm.

Tiếp tục nghiên cứu đường sắt cao tốc Bắc Nam

Đại biểu  Nguyễn Minh Thuyết ( Lạng Sơn) yêu cầu Bộ trưởng trả lời căn cứ pháp lý nào để tiếp tục nghiên cứu đường sắt cao tốc Bắc Nam. Bộ trưởng cho biết, tại kỳ họp trước, Quốc hội chưa thông qua nên Chính phủ, Bộ GTVT không tiến hành đầu tư, nhưng tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc, về luật là được phép thực hiện. Bộ đã chủ động nghiên cứu rất nhiều đường sắt, đề xuất dự án dưới dạng tiền khả thi hoặc khả thi để phục vụ làm rõ thêm những vấn đề mà các báo cáo tiền khả thi chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu mà đại biểu Quốc hội nêu, về vốn, hiệu quả, sức chịu đựng của nền kinh tế, phục vụ công tác quy hoạch của ngành GTVT. Theo đó, sẽ xây dựng một quy hoạch chi tiết về tuyến đường sắt Bắc Nam trong tương lai gắn với quy hoạch sử dụng đất, kết hợp với một số dự án khác như đường sắt trên cao nối đường vành đai Hà Nội với sân bay Nội Bài, với tuyến đường sắt Hà Nội- Thanh Hóa-Vinh, Nha Trang – thành phố Hồ Chí Minh, TP.Hồ Chí Minh- Cần Thơ… Tuy nhiên, mới dừng ở nghiên cứu, lập dự án, nếu thấy khả thi, có thể thực hiện được sẽ báo cáo Quốc hội vào thời điểm thích hợp, nếu Quốc hội đồng ý mới đầu tư.

Bộ trưởng cho biết, đường sắt 1 m có từ 130 năm nay, chỉ có thể duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp nhưng hiện đại hóa là bất khả kháng do công nghệ cũ, hành lang bị xâm phạm nghiêm trọng, các thành phố đều muốn dịch chuyển đường sắt ra ngoài. Còn  nếu làm đường sắt 1m45 thì giao thông đường sắt bị tê liệt, tốn kém. Do đó, duy tu sửa chữa đường sắt 1 m, mở rộng giao thông Bắc Nam phục vụ vận tải ở cự ly ngắn vài trăm km, cùng với đó là quy hoạch tuyến đường sắt mới Bắc Nam,  cân nhắc phương án và theo Bộ trưởng nếu làm thì đi ngay vào hiện đại, thế giới đã làm tới đường sắt tốc độ 600 km/ giờ thì ta cũng cần suy nghĩ, còn trên tuyến ưu tiên cái nào trước, cái nào sau đang nghiên cứu cụ thể.

Phương án giao thông vận chuyển bô xít Tây Nguyên bất cập

Đại biểu  Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu vấn đề rất đáng quan tâm khi  sang năm sản phẩm bô xít đầu tiên sẽ xuất xưởng. Đại biểu nêu ý kiến cử tri băn khoăn sản phẩm ra cảng biển bằng con đường nào khi mà  tình trạng xuống cấp của đường sá rồi tai nạn giao thông đang nhức nhối,  nếu vận chuyển bô xít sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Bộ trưởng cho rằng trước mắt phải sử dụng đường bộ, hoặc doanh nghiệp cùng Nhà nước đầu tư đường sắt, thứ 3 là đường ống. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội chưa đồng tình bởi lẽ giao thông phải đi trước, nếu bây giờ mới là phương án thì sẽ phá nát đường bộ và người dân tiếp tục phải gánh chịu hậu quả không đáng có.     

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội về khai thác đường Hồ Chí Minh, về sự quá tải của quốc lộ 1A, về tai nạn giao thông do đường sá và ý thức con người, do cách đào tạo lái xe, về đầu tư cơ sở hạ tầng. Bộ trưởng thừa nhận còn nhiều bất cập, khó khăn và tiếp tục khắc phục trong thời gian tới…

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng:
Từ năm 2013- 2014, Vinashin sẽ có lãi

Trước nhiều bức xúc và nhiều câu hỏi trao đi đổi lại về Vinashin của đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin đăng đàn trả lời.

Theo Phó thủ tướng, năm 2005- 2006 là thời kỳ hoàng kim của Vinashin, đóng tàu tới hàng trăm nghìn tấn, đội ngũ công nhân kỹ thuật lớn với 55.000 người. Sau thời kỳ hoàng kim ấy, không ngờ năm 2008- 2009 lâm vào tình trạng phá sản, không chỉ Vinashin Việt Nam mà toàn bộ ngành đóng tàu thế giới như  Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, CHLB Đức… Vinashin đứng hàng thứ 7 trong các nước có ngành công nghiệp tàu thủy. Hàn Quốc cứu ngành đóng tàu bằng cách bỏ ra 25 tỷ USD, Trung Quốc 65 tỷ USD dùng  bù giá để mua lại những con tàu đang đóng dở dang. Như vậy, chủ tàu bỏ nhưng họ vẫn cứu, và Trung Quốc, Hàn Quốc đang vươn lên đứng đầu về đóng tàu. Việt Nam không có tiền nên đình trệ, công nhân không có việc làm, 8/12 tỷ USD hợp đồng bị hủy, đặt ta trước sự lựa chọn. Vì thế Chính phủ quyết định trình Bộ Chính trị ra chủ trương, phải cơ cấu Vinashin thành công, bảo đảm nước ta vẫn có doanh nghiệp đóng tàu là chủ lực, vì công nghiệp tàu thủy, công nghiệp cơ khí của ta đang phát triển đúng với tiềm năng kinh tế biển. Tuy nhiên, đây là việc hết sức khó khăn, nguồn hàng đóng tàu bị hạn chế, nguồn tài chính hạn hẹp, nếu không tái cơ cấu thì cơ bản cơ sở vật chất đó trở thành đống sắt vụn, nếu cơ cấu sẽ phục hồi và sẽ phát triển, sẽ tự nó trả được nợ. Do đó, tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2008 gồm cắt giảm các dự án đầu tư, thu hồi vốn của Vinashin đầu tư vào các dự án khác, từ hơn 100 dự án xuống còn 28 dự án nhưng chỉ tập trung vào 13 dự án. Đầu năm 2009 tình hình khó khăn hơn và đầu năm 2010 thực hiện bước 2 tái cơ cấu, chuyển vận tải hàng hóa  sang Vinalines, chuyển một số cơ sở đóng tàu phụ trợ chuyên dùng sang Tập đoàn Dầu khí bởi Dầu khí đang có nhu cầu và bây giờ là tái cơ cấu bước 3. Đây là một quyết định phải làm rất chặt chẽ. Qua gần 6 tháng, đặc biệt từ tháng 8 tới nay, tư tưởng công nhân của Vinashin ổn định từ trên xuống dưới trừ một số người vi phạm.  Đến nay, tất cả công nhân có việc làm, lương 2,8 triệu đồng, số làm vận tải của Vinalines có lương 6 triệu đồng/ tháng, chuyển sang dầu khí có lương bình quân 3 triệu đồng/ tháng. Tinh thần của công nhân phấn khởi, quyết tâm làm ăn để phát triển. Sản xuất kinh doanh bắt đầu phục hồi, nhưng chưa mạnh. 130 con tàu vẫn giữ được hợp đồng, 28 nhà máy hoạt động trở lại, có nguồn hàng, 27 con tàu dở dang đang đóng, có chủ hàng mua, năm nay sẽ đóng 66 con tàu, trước dự định chỉ 57 tàu, mang lại doanh thu gần 600 triệu USD cộng với doanh thu 14.000 tỷ đồng của công nghiệp phụ trợ. Năm 2011 ký được hợp đồng 110 con tàu. Tàu chuyển sang Vinalines thì 23/26 tàu lên biển chuyển hàng, có dịch vụ thu 1400 tỷ đồng.  Còn 3 con tàu nữa,  1 tháo dỡ bán, coi như mất một phần, 1 sửa chữa được, tàu Hoa Sen đã có phương án sử dụng (cho thuê), 1 năm thu về 4 triệu USD, nếu bán sẽ là thiệt hại lớn vì giá xuống.

Về khả năng trả nợ , nếu sản xuất kinh doanh phục hồi, tàu đóng được, bán được thì Vinashin có tiền trả nợ ngắn hạn, dài hạn. Tuy nhiên, còn 216 doanh nghiệp cần tái cơ cấu nhưng không vội vàng làm một lúc, phải bán, bán nợ hoặc cho thuê nhưng số này chỉ chiếm khoảng 20% tổng tài sản của Vinashin. Trước mắt, năm nay Vinashin vẫn lỗ, sang năm lỗ ít hơn và 2012 có thể đứng vững được, 2013 sẽ trở lại có lãi.

Về điều tra xử lý vi phạm, Chính phủ đang tiến hành, những người cố ý làm trái, vi phạm sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó là kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ tới các Bộ liên quan, tập đoàn, tổng Công ty … Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang giúp Bộ Chính trị làm việc này, kết quả kiểm điểm sẽ công khai trước công luận. Việc tái cơ cấu Vinashin được tiến hành khẩn trương, Chính phủ đang làm hết sức mình với 3 bước là củng cố, ổn định rồi phát triển. 3 bước này phải cần tới 4- 5 năm./.

Hồng Thanh 

Đọc thêm