Nhận diện thách thức
Đến nay, đã có 6 khu du lịch chính thức có quyết định được công nhận là khu du lịch quốc gia, gồm: Hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Sapa (Lào Cai), Núi Sam (An Giang), Trà Cổ (Quảng Ninh) và Mũi Né (Bình Thuận), Đền Hùng (Phú Thọ).
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá trên cả nước hiện có 49 khu du lịch tiềm năng có thể quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia. Trong đó, đã có 22 khu du lịch được lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và đã được phê duyệt.
Khu du lịch quốc gia mang lại tiềm lực phát triển kinh tế to lớn. Đơn cử, Khu du lịch quốc gia Mũi Né nổi tiếng với thương hiệu “biển xanh - cát trắng - nắng vàng”, hệ thống di sản văn hoá vùng miền đặc trưng gắn với cuộc sống bình dị của ngư dân làng chài ven biển.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khu du lịch quốc gia Mũi Né nằm trên ranh giới hành chính của 3 huyện, thành phố, trải dài theo dải đất ven biển từ thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết; có diện tích khoảng 14.760 ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là khoảng 1.000 ha.
Đáng nói, với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2019 đạt 12%/năm về khách du lịch, 27%/năm tổng thu từ khách du lịch, khu du lịch quốc gia Mũi Né có 195 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 28.582 tỷ đồng, 112 dự án đã đi vào hoạt động.
Nếu không có Covid-19, thống kê cho thấy hàng năm khu du lịch quốc gia Mũi Né đón từ 75-80% trên tổng số lượt du khách nội địa và 90-95% trên tổng số lượt du khách quốc tế đến Bình Thuận. Ban quản lý đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đưa khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tiềm năng là vậy nhưng giải bài toán tìm ra mô hình quản lý phù hợp lại là một thách thức lớn. Khi đưa vào hoạt động, một số mô hình quản lý đã bộc lộ nhiều bất cập. Có thể kể tới, nhiều khu du lịch quốc gia chưa thành lập Ban quản lý chuyên ngành riêng, hoạt động theo mô hình quản lý chung; công tác quản lý được giao cho nhiều cấp khác nhau như UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Sở chuyên ngành (Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ban quản lý Vườn quốc gia, Ban quản lý di tích…
Chính vì vậy, công tác quản lý gặp tình trạng thiếu thống nhất, không đồng bộ, kém chuyên nghiệp, phát sinh xung đột lợi ích giữa các cấp, các ngành... Cụ thể hơn là sự chồng chéo giữa quản lý hành chính với quản lý du lịch; giữa quản lý ngành du lịch với các ngành khác, lĩnh vực khác như tài nguyên và môi trường, nông nghiệp - nông thôn, quản lý di sản, quản lý vườn quốc gia...
Mô hình quản lý nào mới hiệu quả? Đây là bài toán khó đặt ra với các chuyên gia và các nhà quản lý, nhà đầu tư.
Cần một “nhạc trưởng”
Công tác quản lý tại các khu du lịch quốc gia và các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia còn nhiều vướng mắc, lúng túng, khó triển khai là do thiếu những quy định pháp lý về mô hình quản lý. Đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể nào về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia nên địa phương “mạnh ai nấy làm”.
Đơn cử, khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm đã thành lập Ban Quản lý khu du lịch là đơn vị sự nghiệp công lập, tự đảm bảo một phần chi phí thường xuyên, trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng. Trong khi đó, khu du lịch quốc gia Sapa đã thành lập Ban quản lý du lịch tỉnh Lào Cai là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc UBND tỉnh Lào Cai, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và kinh phí chi hoạt động thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp.
Một số mô hình hiện đang có là: Ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp tỉnh; Ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các Sở Du lịch, Sở VHTT&DL, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...; Ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện; mô hình do UBND cấp xã quản lý trực tiếp; mô hình do doanh nghiệp quản lý và điều hành. Điều này gây khó khăn cho quá trình quản lý nói chung.
Một số mô hình khi áp dụng đã mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động du lịch. Tuy nhiên, một số mô hình hiện nay còn chưa xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc chồng chéo trong quá trình quản lý gây ra những khó khăn trong thực thi nhiệm vụ. Trong khi đó, cũng không thể áp dụng một mô hình quản lý cứng nhắc cho tất cả các địa phương bởi mô hình này phải được xây dựng dựa trên điều kiện tình hình thực tế tại địa phương.
Mô hình quản lý khu du lịch quốc gia phù hợp là nhu cầu cấp thiết để nâng tầng du lịch quốc gia, phát huy tiềm năng to lớn của những khu du lịch này. Giải được bài toán này là một viễn cảnh có lợi cho tất cả các bên, bao gồm người dân, du khách, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các nhà quản lý, chính quyền các cấp.