Quản lý nhà nước và số liệu thống kê

Một trong những vấn đề được Sở Công Thương đặt ra trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo thành phố là số liệu thống kê.

Một trong những vấn đề được Sở Công Thương đặt ra trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo thành phố là số liệu thống kê. Theo Sở Công Thương, với chức năng quản lý nhà nước, sở có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu, đề xuất với thành phố các biện pháp, chiến lược phát triển công nghiệp, thương mại. Hằng tháng, hằng quý, 6 tháng, 1 năm, sở tổng hợp số liệu, báo cáo thành phố, góp phần hoạch định các chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển 2 ngành trọng yếu này.
Trước đây, khi hầu hết doanh nghiệp đều là doanh nghiệp nhà nước và trực thuộc sở, số liệu sản xuất kinh doanh được báo cáo đều đặn, thường xuyên. Nhưng hiện nay, khi các doanh nghiệp chuyển đổi theo mô hình công ty cổ phần hoặc công  ty TNHH một thành viên, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý không được chặt chẽ như trước, số liệu thống kê trở thành vấn đề khá nan giải. Theo Luật Thống kê, các doanh nghiệp chỉ báo cáo số liệu với Cục Thống kê, số doanh nghiệp báo cáo theo kênh riêng của Sở Công Thương rất hạn chế và chưa mang tính bao quát, tổng thể. Vì vậy, để thống nhất số liệu, Sở Công Thương phải kết hợp với Cục Thống kê. Tuy nhiên, số liệu có được cũng chưa đáp ứng yêu cầu vì  Cục Thống kê chỉ cung cấp những số liệu chủ yếu nhất, mới dừng lại ở việc thống kê, phân chia lĩnh vực, ngành nghề, so sánh với kế hoạch và với cùng kỳ năm trước. Với số liệu như vậy, rõ ràng là ít có được sự tổng hợp sâu sắc, nêu bật mặt mạnh, mặt yếu để từ đó ngành có thể tham mưu một cách sát thực hơn với thành phố. 
Ngay cả ở Cục Thống kê thì không phải tất cả doanh nghiệp đều tự giác nộp báo cáo và không phải báo cáo nào cũng đáp ứng yêu cầu. Nhiều trường hợp cán bộ thống kê phải thường xuyên thúc giục doanh nghiệp, điện thoại nhiều lần mới có được báo cáo gửi lên. Trong khi đó, theo lãnh đạo Cục Thống kê, báo cáo của cục không chỉ phục vụ thành phố mà còn là báo cáo với Tổng cục, làm cơ sở định hướng cho hoạt động của cả nước đối với các ngành, các lĩnh vực.
Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước đang phải giải quyết nhiều khó khăn trong vấn đề số liệu. Hải Phòng hiện có hàng chục nghìn doanh nghiệp, việc tập hợp số liệu lại càng khó khăn hơn. Nếu như cơ quan quản lý Nhà nước không có được những số liệu cần thiết thì làm sao bảo đảm độ chính xác cũng như chất lượng  tham mưu, đề xuất. Vì vậy, ngoài việc Sở Công Thương phải có các biện pháp riêng hiệu quả hơn trong tổng hợp các số liệu về hoạt động công nghiệp, thương mại trên địa bàn, thành phố cũng cần có sự hỗ trợ kịp thời, chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổng hợp phối hợp chặt chẽ với nhau trong cung cấp thông tin, làm cơ sở chung cho hoạt động của toàn thành phố. Về phía các doanh nghiệp, không nên coi nhẹ việc báo cáo mà phải thấy rõ hơn tầm quan trọng của các số liệu thống kê, để từ đó hoạch định cơ chế chính sách của thành phố cũng như của Trung ương sát thực hơn, vì lợi ích của doanh nghiệp nhiều hơn.

Hồng Thanh

Đọc thêm