Hằng năm, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hàng nghìn sinh viên (SV) đến học tập và đăng ký tạm trú tại địa phương. Thế nhưng, việc quản lý các đối tượng này hầu như chưa được các ngành chức năng và chính quyền các cấp thực sự quan tâm.
Quản lý SV khá phức tạp
Dọc đường Phan Tứ (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) có hơn 10 dãy phòng trọ dành cho SV thuê. Do nằm sát đường nên tình trạng mất cắp áo quần, điện thoại di động, xe máy đã xảy ra không ít lần. SV Đỗ Văn Thông, Trường Đại học Kinh tế cho biết: “Cách đây 2 ngày, em bị kẻ trộm lấy mất điện thoại để trên bàn học. Nhà chủ ở xa nên chẳng biết kêu ai. Bọn trộm biết Công an và dân phòng thường đi tuần vào đêm khuya nên ít khi chúng “hành nghề” vào thời điểm đó”.
Hiện nay, trên địa bàn phường Mỹ An có 700 nhà trọ bình dân với 7.000 phòng trọ cho thuê, trong đó SV chiếm đến 95% số lượng người thuê. Tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), số lượng này lớn hơn rất nhiều với hơn 1.100 nhà trọ, trong đó SV cũng là đối tượng thuê chính. Trong năm học 2009-2010, số lượng sinh viên có đăng ký tạm trú trên địa bàn phường là 1.000 SV (trong đó có 800 SV ở các ký túc xá). Tuy nhiên trên thực tế, đó chưa phải là con số chính xác và đầy đủ nhất, bởi nhiều SV thường xuyên thay đổi chỗ ở và không đăng ký tạm trú. Trong khi đó, nhà trường và Công an phường quản lý đối tượng này chủ yếu thông qua việc theo dõi những đánh giá trong sổ tạm trú và sổ quản lý học sinh, sinh viên. Công việc này cũng chỉ diễn ra từ 1 đến 2 lần trong năm.
Ông Nguyễn Đức Biên, Tổ trưởng tổ dân phố số 20, Tổ trưởng tổ bảo vệ Quang Thành 3A, phường Hòa Khánh Bắc cho biết: “Trong tổ của tôi có 85 hộ gia đình với 185 phòng trọ, chủ yếu cho SV thuê. Việc quản lý các em không hề dễ. Nếu chủ nhà trọ nào quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Tổ trưởng bảo vệ thì khu nhà trọ đó khá an toàn. Hạn chế nhất của các em là còn thiếu cảnh giác nên thường xảy ra mất đồ và hay tụ tập bia rượu, dẫn đến to tiếng và xô xát. Không có người quản lý nên các em sống khá tự do”. Được biết, trong năm 2009 vừa qua, Công an phường Hòa Khánh Bắc đã xử lý 18 đối tượng SV vi phạm pháp luật, trong đó xử lý hình sự 6 SV, xử lý hành chính 12 SV.
Phối hợp để quản lý SV
Để quản lý SV ngoại trú tốt hơn, hằng năm vào đầu năm học, Công an phường Hòa Khánh Bắc phối hợp với các trường trên địa bàn tổ chức những buổi tuyên truyền, nói chuyện về luật pháp; đồng thời khuyến cáo về những phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm và cung cấp cho SV một số biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Hằng năm, Công an phường tổ chức 2 đến 3 buổi gặp mặt các đối tượng tạm trú và chủ nhà trọ tại khu dân cư để phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tình hình an ninh trật tự tại địa phương để mọi người cùng biết.
Trung tá Lê Đáng, Phó trưởng Công an phường Hòa Khánh Bắc cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng ký kết chương trình phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Mục đích lớn nhất của chương trình là nâng cao ý thức của các em trong việc tự bảo vệ bản thân và tài sản của mình. Đồng thời quan hệ chặt chẽ với tổ dân phố, chủ nhà trọ để kịp thời phát hiện những biểu hiện xấu của những người thuê trọ. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Đoàn Thanh niên phường tổ chức câu lạc bộ SV tạm trú nhằm thu hút các em tham gia sinh hoạt, hạn chế những hoạt động thiếu lành mạnh bên ngoài xã hội. Song song đó, tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, nhất là những điểm nóng thường xảy ra mất cắp, đánh nhau”.
Quản lý, bảo vệ SV tạm trú là vấn đề cần được các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố quan tâm. Nhưng để làm được điều đó, cần có sự phối hợp tích cực và hiệu quả của ngành Công an và các hội, đoàn thể tại địa phương. Có như vậy, cuộc sống của sinh viên sẽ an toàn hơn.
KHÁNH HÒA