Quản lý tốt hơn các lễ hội

Mùa xuân, mùa trẩy hội. Trước đây, theo nông vụ cũ, theo tập quán cũ, “tháng giêng là tháng ăn chơi” mãi đến tháng ba mới “cày vỡ ruộng ra”, một năm có 3 tháng nghỉ ngơi, đi hội. Ba tháng hội ấy là dịp để tìm gặp, mai mối, trao đổi thông tin sau một năm sống khép kín trong lũy tre làng. Biết bao mối tình, bao nhân duyên nảy nở trong những hội làng.

Mùa xuân, mùa trẩy hội. Trước đây, theo nông vụ cũ, theo tập quán cũ, “tháng giêng là tháng ăn chơi” mãi đến tháng ba mới “cày vỡ ruộng ra”, một năm có 3 tháng nghỉ ngơi, đi hội. Ba tháng hội ấy là dịp để tìm gặp, mai mối, trao đổi thông tin sau một năm sống khép kín trong lũy tre làng. Biết bao mối tình, bao nhân duyên nảy nở trong những hội làng.

Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Ảnh tư liệu 

Bây giờ vẫn tiết xuân, vẫn mùa lễ hội nhưng tập quán lao động, tập quán sống đã khác. Với lịch thời vụ hiện nay, những ngày Tết và cả tháng giêng là thời kỳ bận rộn nhất của vụ đông và vụ đông xuân. Trên công trường, nhà máy, doanh nghiệp, cơ quan…, đầu năm là thời điểm lao động khẩn trương, tạo đà cho kế hoạch cả năm.

Đúng lúc đó lại là mùa lễ hội. Mà không phải ít lễ hội. Cách đây 10 năm, Bộ Văn hóa-Thông tin thống kê cả nước có trên 400 lễ hội, nay con số đó đã tới 5.000 và theo xu hướng này, chắc không chỉ dừng lại ở đó.

Có tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, gần như ngày nào cũng có lễ hội, làng nào cũng có lễ hội. Có lễ hội kéo dài cả 3 tháng (lễ hội chùa Hương), những lễ hội khác ít nhất một ngày, còn một tuần, mười ngày là thường. Theo ước tính, mỗi mùa cả nước có 35 triệu ngày công lao động bị thu hút vào lễ hội, chưa kể tình trạng chất lượng lao động giảm sút, đi muộn về sớm. Mùa lễ hội, nhu cầu đi lại cũng tăng, không chỉ tốn kém mà tai nạn giao thông cũng tăng lên.

Mùa lễ hội năm ngoái, số người bị tai nạn giao thông cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai (Hà Nội) tăng gấp đôi các tháng khác trong năm. Tại Đà Nẵng, tuy không phải là nơi diễn ra những lễ hội cuốn hút đông đảo người dân trong dip Tết, nhưng chỉ riêng mấy ngày Tết, từ ngày 30 Tết đến mùng 4 Tết Kỷ Sửu năm 2009, có 242 ca tai nạn giao thông, trong đó có 68 ca chấn thương sọ não làm 11 người tử vong. Những đau thương, mất mát ngay trong dịp Tết làm cho bao nhiêu gia đình hưởng một cái Tết không trọn vẹn.

Lễ hội còn là dịp bói toán, buôn thần bán thánh, cờ bạc, nhậu nhẹt tăng lên. Nhìn vào một số hội như hội Bà chúa Kho (Bắc Ninh), hội Bà chúa Xứ (An Giang), hội Phủ Giày (Nam Định) sẽ thấy rõ hơn những mặt trái của thời khuyến khích làm giàu. Những chuyện như đua nhau sắm mâm lễ, dịch vụ lễ thuê, xóc thẻ, bói toán, buôn bán vàng mã, cờ bạc, nhậu nhẹt say xỉn, đánh nhau tìm đâu cũng có trong nhiều lễ hội. Những việc như thế không chỉ gây mất trật tự trị an, khuyến khích làm giàu bất chính mà còn tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng của xã hội một cách vô ích.

Nêu lên những thực trạng như thế không phải muốn hạn chế đi hội, giảm bớt hội hè. Đi hội là một nhu cầu hưởng thụ văn hóa. Với nhiều lễ hội, đây là dịp bồi dưỡng tình yêu quê hương, nâng cao lòng tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa và cũng là dịp vui chơi, giải trí của người dân. Điều cần chống là chống xu hướng tùy tiện, buông lỏng, từ khâu cấp phép, tổ chức đến quản lý các lễ hội đang có rất nhiều tiêu cực theo hướng thương mại hóa. Chống sự lơ là, thiếu trách nhiệm, thiếu văn minh, thiếu sự cẩn trọng khi tham gia giao thông của người dân. Và một điều cần lưu ý nữa là ý‎ thức của những người trong độ tuổi lao động, không vì mải mê lễ hội mà xao nhãng, bỏ bê công việc của mình.

PHẠM VŨ

Đọc thêm