Quan tâm giáo dục, ngăn ngừa thiếu niên vi phạm pháp luật

Tình trạng thiếu niên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua, khiến xã hội quan tâm lo lắng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, song tựu trung lại là do sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục từ phía gia đình và nhà trường chưa thật sự chú trọng việc dạy đạo đức cho học sinh.

Tình trạng thiếu niên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua, khiến xã hội quan tâm lo lắng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, song tựu trung lại là do sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục từ phía gia đình và nhà trường chưa thật sự chú trọng việc dạy đạo đức cho học sinh.

Những nguyên nhân từ phía gia đình

Gia đình được xem như là xã hội thu nhỏ và là nơi thiếu niên tiếp xúc đầu tiên, vì vậy, môi trường giáo dục gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống của các em. Thế nhưng thời gian qua, vai trò, trách nhiệm của một số gia đình có phần mờ nhạt trong việc quản lý, giáo dục thế hệ trẻ, dẫn đến tình trạng thiếu niên vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Theo số liệu thống kê của Viện Tâm lý xã hội, có 28% thuộc các gia đình, cha mẹ là người tốt, có điều kiện, có hiểu biết nhưng không chú ý đúng mức đến việc quản lý, giáo dục con cái; 49% thuộc các gia đình cha mẹ ỷ lại nhà trường, lo làm ăn, quá bận rộn công tác; 8% thuộc các gia đình có cha mẹ ly hôn, 1 trong 2 người chết, người còn lại đi tìm cuộc sống gia đình mới dẫn tới thiếu niên bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ, thiếu tình thương. Vì vậy, có 71% thiếu niên không được chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục chu đáo. Hậu quả là các em có tâm lý ngang bướng, bất cần đời, dễ dàng phạm tội khi bị rủ rê, lôi kéo làm trái pháp luật. Ngoài ra, các gia đình có cha mẹ buôn bán bất hợp pháp; có người thân phạm tội; có bố hoặc mẹ, anh hoặc chị nghiện hút và tiêm chích ma túy... đã ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ.

Mặt khác, do được cha mẹ quá nuông chiều, thỏa mãn các nhu cầu con cái, dẫn tới một thói quen xấu “muốn gì được nấy”, hình thành tính ỷ lại, dựa dẫm, sống ích kỷ, các em không có ý thức trách nhiệm, luôn đòi phải được phục vụ, được hưởng thụ. Ngược lại, nếu gia đình không đáp ứng thỏa mãn nhu cầu, những yêu sách dẫn tới các em bất mãn, thù ghét cha mẹ. Và dĩ nhiên, các em dễ bỏ nhà ra đi “bụi”, theo bạn bè hư hỏng vi phạm pháp luật...

Nâng cao vai trò, trách nhiệm nhà trường

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng thiếu niên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống, nhà trường và gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Ở nhà trường, vai trò, trách nhiệm của thầy giáo, cô giáo (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm) và cán bộ quản lý giáo dục trong công tác quản lý, giáo dục học sinh ở môi trường học đường là rất cần thiết. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải luôn là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo để học sinh noi theo. Thế nhưng, điều đáng buồn là hiện nay có một bộ phận giáo viên chưa được đào tạo kỹ lưỡng về các phương pháp giáo dục một cách tích cực.

Họ bất lực trước những tình huống học sinh vi phạm nội quy, tỏ ra lung túng cách giải quyết. Từ đó, họ cảm thấy “sự trừng phạt’ là biện pháp duy nhất đối với họ, theo quan niệm “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Với những học sinh sai phạm, mắc lỗi, họ cho rằng ngoài trừng phạt thân thể (TPTT) thì không có biện pháp nào khác hơn. Họ không biết kiềm chế khi giải quyết các tình huống xảy ra trong lớp học, không ít trường học, các em bị phạt không phải vì lỗi của mình mà vì chưa làm hài lòng thầy, cô giáo. Hầu hết, các em bị điểm kém, chẳng những bị cha mẹ trừng phạt ở nhà mà còn bị thầy cô trừng phạt một lần nữa ở lớp. Nhưng các thầy, cô giáo không biết rằng biện pháp TPTT chỉ có tác dụng trước mắt, chứ không có tác dụng lâu dài!

Thật sai lầm khi giáo viên “dùng bạo lực để giải quyết vấn đề”, bởi học sinh bắt chước và hình thành hành vi “dùng bạo lực để giải quyết sự bất đồng” với bạn bè chung quanh. Nguy hại hơn, ở các em nảy sinh và phát triển thái độ thù địch, hung hăng, trái ngược với ý thức kỷ luật tự giác, phá hủy mối quan hệ gắn bó thân thiện giữa giáo viên-học sinh. Sự oán hận, thù ghét làm ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy-trò, làm cho học sinh mất niềm tin. Một khi học sinh đã mất niềm tin ở thầy, cô giáo thì không thể nói đến hiệu quả của công tác quản lý, giáo dục và ngăn ngừa học sinh vi phạm pháp luật.

Để quan tâm, giúp đỡ thiếu niên đạt hiệu quả trong quá trình hình thành nhân cách, đạo đức, trở thành người tốt cho xã hội sau này, các thầy, cô giáo cần phải nắm rõ hoàn cảnh, đặc điểm tâm sinh lý của từng học sinh mà mình phụ trách. Sự quan tâm gần gũi, thương yêu học sinh như con em của mình mới có thể quản lý, giáo dục và cảm hóa được học sinh. Trong quá trình lên lớp, thầy cô giáo phải khoan dung, rộng lượng, tha thứ những lỗi lầm mà các em mắc phải lần đầu tiên. Thầy, cô giáo phải có lòng kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ và điều cốt lõi nhất là lòng yêu thương con người thì mới dễ cảm hóa, giáo dục học sinh.

Nhà trường cần xây dựng cho học sinh nền nếp tự giác việc thực hiện nội quy nhà trường. Xây dựng được môi trường thân thiện cả về 3 mặt (tâm lý xã hội học đường, tự nhiên, vật chất). Tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả các em học sinh được phát huy, bộc lộ hết khả năng một cách độc lập, sáng tạo và thật sự bình đẳng. Muốn giáo dục tốt thiếu niên sau này trở thành công dân tốt, nhà trường phải biết phối hợp chặt chẽ và đồng thời có sự tương tác qua lại giữa ba môi trường giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội.

Nhận thức được vấn đề giáo dục, quản lý và ngăn ngừa thiếu niên vi phạm pháp luật là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó không xem nhẹ môi trường nào, nhưng môi trường giáo dục gia đình có tính quyết định ngăn ngừa thiếu niên phạm pháp. Tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, các lực lượng đổ lỗi cho nhau (như thực tế học sinh hư dẫn tới bỏ học, hay là học sinh bỏ học dẫn tới hư hỏng) mà vấn đề chính là chúng ta có trách nhiệm cùng nhau tham gia gánh vác và giải quyết. Công tác này chỉ thành công, trước tiên là phải được gia đình, cha mẹ, nhà trường quản lý, giáo dục, ngăn ngừa một cách tốt nhất và sẵn sàng “miễn dịch” trước cái xấu, cái tiêu cực của môi trường xã hội.

Nguyễn Đăng Ngưng

Đọc thêm