Quan trọng là không hỏi kiểu chất vấn

 Đây là kinh nghiệm mà TS Nguyễn Văn Điệp - Trưởng Khoa đào tạo Luật sư (Học viện Tư pháp) cho rằng không thể thiếu trong quá trình trợ giúp pháp lý (TGPL) cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

Đây là kinh nghiệm mà TS Nguyễn Văn Điệp - Trưởng Khoa đào tạo Luật sư (Học viện Tư pháp) cho rằng không thể thiếu trong quá trình trợ giúp pháp lý (TGPL) cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

Theo ông Điệp, việc trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong vụ án hình sự đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi lẽ, đây là đối tượng chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất, về tâm sinh lý. Họ thường bị hạn chế về trình độ nhận thức, kinh nghiệm sống, thiếu các kỹ năng sống cần thiết nên ít có khả năng tự kiềm chế, dễ bị kích động, bị cuốn vào các hành vi vi phạm pháp luật.

Để bảo vệ quyền lợi cho người chưa thành niên một cách tốt nhất, Trợ giúp viên pháp lý phải nắm vững những kiến thức pháp luật áp dụng đối với các đối tượng này. Chẳng hạn, trong việc xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, cần lưu ý người chưa thành niên nhưng đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Trong khi với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đây là một trong những quy định rất nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước Việt Nam đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để người chưa thành niên  nhận ra sai lầm từ đó sửa chữa những sai lầm của mình, tạo điều kiện để các em có khả năng tái hòa nhập cuộc sống.

Ông Điệp nêu lên một thực tế, nhiều trường hợp bị can, bị cáo và kể cả người bị hại không nhớ chính xác... độ tuổi của mình. Do vậy, trợ giúp viên cần nắm được cách xác định tuổi của bị can, bị cáo để vừa bảo vệ cho quyền lợi của thân chủ mình, vừa hỗ trợ cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Cụ thể, trường hợp xác định được tháng cụ thể, nhưng không xác định được ngày nào trong tháng đó, thì trợ giúp viên lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo; trường hợp đã xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa đầu năm hay nửa cuối năm, thì lấy ngày 30/6 hoặc ngày 31/12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.

Ngoài ra, trường hợp không xác định được nửa năm nào, quý nào, tháng nào trong năm, thì lấy ngày 31/12 của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo. “Việc nắm vững thủ tục tố tụng áp dụng đối với người chưa thành niên  phạm tội còn giúp Trợ giúp viên có những đề xuất kịp thời trong việc đề xuất thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng”, ông Điệp nhấn mạnh.

Cũng theo ông Điệp, bên cạnh việc nắm vững các kiến thức pháp luật, Trợ giúp viên cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong việc tiếp xúc, trao đổi thông tin với người chưa thành niên. Trợ giúp viên phải là người có tính kiên trì nhằm thuyết phục người chưa thành niên tự kể ra câu chuyện của họ. Muốn vậy, cần chuẩn bị và ổn định về mặt tâm lý cho người chưa thành niên phạm tội; các câu hỏi đưa ra với họ nên ngắn gọn, dễ hiểu; không hứa hẹn về kết quả giải quyết vụ án và nhất là không đặt câu hỏi theo kiểu chất vấn.

Hoàng Thư

Đọc thêm