Quán xin con

(PLO) - Nổi tiếng là quán “cầu tự” linh thiêng, Quán hai cụ (hay còn gọi là Quán xin con, ở tại thôn Phong Doanh, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã trở thành điểm tựa tâm linh cho những người hiếm muộn. 
Cầu tự chỉ cần thắp hương
“Quán xin con” tọa lạc giữa cánh đồng vắng thuộc thôn Phong Doanh. Toàn bộ không gian quán rộng khoảng 40m2, xung quanh là cây cối mát mẻ và các phiến đá có khắc chữ nho ghi lại những mốc lịch sử quan trọng của quán. Ngoài thờ hai vị lang tiên tương truyền từng bốc thuốc chữa bệnh ở đây, quán còn thờ một viên nhũ đá có khắc hình một con rồng mẹ và 99 con rồng con. 
Người dân Phong Doanh cho biết sở dĩ có cái tên “Quán xin con” là bởi, từ bao đời nay những người hiếm muộn hoặc không có con trai thường đến đây thắp nhang “cầu tự”. Có những người dù đã chạy chữa khắp nơi, uống cả thuốc tây, thuốc bắc đều không khỏi thì chỉ cần đến đây dâng chút lễ hoa quả, thắp hương xin “hai cụ” là về mang bầu rồi sinh hạ. 
Người dân cho biết thêm, mặc dù ở đây có thờ cúng, hương nhang nhưng không được gọi là đền, đình, chùa… mà lại được gọi là “quán”, bởi tương truyền đây vốn là quán nghỉ chân, chữa bệnh của hai vị lang tiên. Hai vị đó cũng chủ yếu bốc thuốc, chữa bệnh hiếm muộn.
Tìm gặp bà Nguyễn Thị Nép (75 tuổi, thôn Phong Doanh, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), thủ nhang ở  “quán sinh con”, chúng tôi được biết thêm về “thần tích” của quán thiêng này. Cụ cho biết, tương truyền, từ xa xưa có hai cụ lang giàu lòng nhân đức đến đây lập quán chữa bệnh làm phúc cho  dân, nhất là những người muộn mằn, hiếm hoi, khó khăn đường con cái. 
Rồi một ngày, trong cơn giông bão, hai cụ bỗng “quy hóa” về trời, bỏ lại ngôi quán trống. Để ghi nhớ công ơn hai cụ, người dân nơi đây đã tu sửa lại quán, đặt bát nhang, hoa quả lễ thờ hai cụ. Từ đó, hai cụ được tôn xưng là “Nhị vị tiên cung” còn ngôi quán được ghi danh là “Đông lang quán sứ”. 
 Cụ Nguyễn Thị Nép kể về thần tích “Quán xin con”
Bà Nép cho biết thêm: “Nghe cha ông kể lại, thời nhà Lê (khoảng năm 1578) ngôi quán được dựng vững chắc bằng 8 cột đá. Trên mỗi cột có khắc chữ Nho ghi lại lịch sử hai cụ. Sau gặp cơn hồng thủy, quán mất đi một cột rồi dần dần xuống cấp nặng nề. Đến năm 1983, người dân chúng tôi tiến hành tu sửa lại quán cũng như hương khói cho hai cụ đến tận bây giờ”.
Tương truyền là vậy, nhưng người dân Phong Doanh cũng không ai biết chính xác quán có từ bao giờ, chỉ truyền miệng nhau quán đã có gần 500 tuổi. Nhìn những cột đá rêu phong cùng hàng cây cổ thụ cũng có thể thấy quán đã có từ lâu đời. Và bởi đây là quán “cầu tự” nổi tiếng linh thiêng nên thường được mọi người gọi bằng tên dân gian là “Quán xin con”.
Không chỉ người dân trong thôn, làng mà khách thập phương từ khắp nơi cũng tìm đến “Quán xin con” để cầu tự. Ông Cao Văn Việt (70 tuổi, thôn Phong Doanh, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) – người ghi danh sách công đức ở quán cho biết: 
“Vào những ngày rằm hay ngày mùng một âm lịch, người dân đến đây xin con đông lắm, ngồi chật cả kín cả trong và ngoài quán. Nhiều ô tô, xe máy không có chỗ để, đành phải đỗ ở ngoài làng rồi đi bộ vào. Bình thường mỗi ngày quán chỉ có hai vãi phục vụ hương khói, nhưng trong những ngày đó thì phải có đến hơn chục vãi ra sắp lễ, cầu khấn giúp người dân”.
Cách “xin con” cũng rất đơn giản. Mỗi người chỉ cần sắp một mâm lễ hoa quả cùng thẻ hương dâng lên cầu khấn “hai cụ” (?), còn lại tuyệt đối không được đặt tiền, chỉ những ai muốn công đức thì bỏ tiền vào hòm công đức. 
Cụ Nép cho biết thêm, vào những ngày mùng 5/5 hay 10/10 âm lịch, những người được hai cụ “cho con” sẽ quay lại đây làm lễ “sêu”, cầu cho những đứa trẻ được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn. Lễ “sêu” này sẽ được tiến hành cho đến khi đứa trẻ tròn 13 tuổi. 
Có bệnh thì vái tứ phương
Về thôn Phong Doanh, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị về chuyện xin con, đặc biệt là câu chuyện gia đình anh Nguyễn Văn Bạn. Anh Bạn sinh năm 1970, lấy vợ lúc vừa tròn 20 tuổi nhưng đến năm 29 tuổi vẫn chưa có một mụn con. Hai vợ chồng chạy chữa khắp các bệnh viện lớn, nhỏ bằng đủ thứ thuốc bắc, thuốc tây, bất cứ ai mách chỗ nào có cụ lang chữa bệnh hiếm muộn hai vợ chồng anh cũng tìm đến nhưng vẫn không được. 
Hơn 9 năm chạy chữa không thành công, hai vợ chồng tuyệt vọng tìm đến Quán hai cụ xin con. Nào ngờ, một năm sau chị vợ mang bầu rồi sinh hạ đứa con trai đầu lòng vào năm 2001. Hai năm sau, anh chị tiếp tục sinh một bé gái và ba năm sau nữa anh chị lại sinh hạ được một bé trai. 
 ”Quán xin con” tọa lạc giữa cánh đồng hoang vắng tại thôn Phong Doanh,
 xã Bình Dương.
Nhìn bầy con đang vui chơi, chị Lương (vợ anh Bạn) cười: “Lúc đó chúng tôi đã có ý định xin con nuôi, nhưng không ngờ lại có thể mang bầu và sinh được đàn con như vậy. Cũng có thể đó là kết quả của việc nhiều năm chạy chữa lại thêm hai cụ phù hộ, ban ơn”.
Quán hai cụ không chỉ là nơi đặt niềm tin của những người hiếm muộn mà còn là nơi xin con trai. Bà Nguyễn Thị Phùng (75 tuổi, thôn Phong Doanh, xã Bình Dương) kể lại câu chuyện của mình: “Hai vợ chồng tôi lấy nhau được gần 20 năm thì sinh được 7 cô “thị mẹt”. Gia đình nhà chồng nhất định ép tôi phải sinh con trai để có người nối dõi tông đường. Gần 40 tuổi, tôi tuyệt vọng tìm đến Quán hai cụ xin mụn con trai, nào ngờ tháng 3 xuống xin thì tháng tư có bầu và 9 tháng sau tôi sinh được cậu con trai vào đúng ngày 30 Tết”. 
Những câu chuyện thú vị khiến người nghe nửa tin, nửa ngờ lại là chứng cứ hùng hồn của người dân thôn Phong Doanh về sự linh thiêng của “Quán xin con”. Nhưng có một điều đặc biệt là người dân nơi đây không tôn sùng, tín bái ngôi quán như thánh thần mà chỉ coi đó như một nơi dừng chân nghỉ mát rồi xin hai cụ lang tiên ban lộc con cháu đầy đàn. 
Ông Bùi Văn Luân (trưởng thôn Phong Doanh) cho biết: “Quán xin con thuộc sự quản lý của chi hội người cao tuổi thôn Phong Doanh. Chính quyền xã đã có rất nhiều đợt kiểm tra nhưng không phát hiện thấy ở đây có hiện tượng mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh”. Tiền công đức mỗi năm được các cụ công khai với dân làng, rồi dùng vào việc tu bổ quán, chùa và làm đường bê tông trong xã”.
Lý giải chuyện “xin” con theo khoa học, các bác sĩ chuyên khoa sản đều cho rằng, trong việc chữa bệnh hiếm muộn thì vấn đề cân bằng tâm lý là rất quan trọng. Nhiều người vẫn quan niệm con cái là của “trời” cho nên tìm đến đình, chùa, miếu mạo để cầu xin. Trong trường hợp này, đình, chùa, quán… giống như một điểm tựa tâm linh giúp họ thoải mái về mặt tâm lý, kết hợp với việc chạy chữa có thể đạt được nguyện vọng sinh con.  T.V
 “Người con” nhiều tuổi nhất của quán
Cụ Nguyễn Văn Hữu (85 tuổi, thôn Phong Doanh, xã Bình Dương), được coi là “đứa con” nhiều tuổi nhất được “xin” từ quán. Cụ Hữu kể: “Hai cụ thân sinh nhà tôi lấy nhau được hơn 7 năm mà vẫn chưa có con. Chạy chữa khắp nơi không được, hai cụ ra quán làm lễ xin con. Một năm sau, tôi được hạ sinh, vẫn được gọi là “con xin” của quán. Hiện tại, chỉ riêng xã Bình Dương cũng có đến hàng trăm người là “con xin””.

Đọc thêm