Thực phẩm chức năng đang được quảng cáo quá đà, khiến người tiêu dùng nghĩ nó như một loại thần dược. TS. Nguyễn Thanh Phong - Phó cục trưởng Cục ATVSTP- Bộ Y trao đổi liên quan đến việc quản lý vấn đề này.
|
- Thưa TS, ông đánh giá như thế nào về tình trạng quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) hiện nay?
- Luật quy định việc quảng cáo phải được thực hiện trên nguyên tắc chính xác, đúng tác dụng của sản phẩm, không được quảng cáo lừa dối, nói quá tác dụng,… đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, đây là loại hàng hóa đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người sử dụng, do vậy việc quảng cáo gian dối ở lĩnh vực này ngoài việc làm cho người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế, còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe. Tôi có thể khẳng định đối với những nội dung quảng cáo về TPCN đã được Cục ATVSTP thẩm định thì những nội dung quảng cáo ấy là hoàn toàn chính xác.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn rất nhiều những nội dung quảng cáo TPCN trốn tránh sự thẩm định của cơ quan y tế, có những nội dung quảng cáo về TPCN không đúng với bản chất sản phẩm.
- Theo ông đâu là nguyên nhân khiến quảng cáo TPCN sai phạm ngày càng rầm rộ?
- Sai phạm chủ yếu ở đây đầu tiên phải kể đến là lỗi do doanh nghiệp muốn bán được nhiều hàng với lợi nhuận cao nên đã quảng cáo sai quy định, bên cạnh đó có sự tiếp tay của một số đơn vị phát hành quảng cáo. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-BYT-BVHTT ngày 12/1/2004 hướng dẫn quản lý quảng cáo trong lĩnh vực y tế thì các cơ quan phát hành quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi những nội dung quảng cáo đã được thẩm định và chỉ quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định.
Tuy nhiên, hiện tình trạng quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định và quảng cáo chưa được thẩm định của cơ quan y tế vẫn xảy ra, đặc biệt là một số đài phát thanh, truyền hình ở các địa phương và một số nhà in, nhà xuất bản. Trong khi đó, đây lại là những đơn vị mà ngành y tế không có chức năng xử phạt.
Theo tôi, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngành y tế và ngành thông tin, truyền thông để ngăn chặn tình trạng này. Thời gian vừa qua, các cơ quan thanh tra của ngành y tế đã xử lý rất nhiều các vi phạm quảng cáo nhưng chỉ xử lý được doanh nghiệp có TPCN, mà không thể xử lý các cơ quan phát hành quảng cáo, nên hình thức xử lý này chỉ là chạy theo vụ việc mà thôi.
- Theo ông, các quy định của pháp luật về vấn đề này hiện còn điều gì vướng mắc, bất cập?
- Vì nhiều lý do như sự phối hợp giữa ngành y tế và ngành văn hóa thông tin còn chưa chặt chẽ, mức xử phạt còn thấp,… nên vẫn còn xảy ra tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, các ngành chức năng đang cố gắng ngăn chặn và xử lý tình trạng này (như: Xây dựng văn bản quy định tăng mức xử phạt, tăng cường sự phối hợp giữa ngành y tế và ngành văn hóa thông tin,…)
Tuy nhiên, Luật Quảng cáo đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ đang giao ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quảng cáo; theo dự thảo của Nghị định thì việc quảng cáo trong lĩnh vực y tế như: khám chữa bệnh, giải phẫu thẩm mỹ, TPCN, y học cổ truyền…, doanh nghiệp muốn quảng cáo chỉ cần thông báo nội dung dự kiến quảng cáo đến cơ quan y tế chứ không cần phải thẩm định nội dung. Theo tôi, nếu thực hiện như vậy sẽ hết sức nguy hiểm.
Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị với những quảng cáo thuộc lĩnh vực ngành y tế quản lý cần phải được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định (như Luật ATTP, Luật Dược, Luật Khám chữa bệnh đã quy định).
- Với vai trò là đại diện cơ quan quản lý nhà nước đối với thực phẩm chức năng, ông có đề xuất gì để hạn chế tình trạng quảng cáo sản phẩm chức năng gian dối, sai sự thật?
- Nguyên nhân của việc xảy ra tình trạng quảng cáo TPCN không đúng với bản chất của sản phẩm vẫn còn tồn tại ở một số nơi là do:
Thứ nhất: Doanh nghiệp có sản phẩm muốn bán với giá cao nên cố tình quảng cáo sai sự thật để lừa dối khách hàng.
Thứ hai: Mức xử phạt về hành vi vi phạm này còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
Thứ ba: Vẫn còn có sự tiếp tay của một số đơn vị phát hành quảng cáo, cố tình phát hành quảng cáo cho các sản phẩm chưa được thẩm định nội dung.
Thứ tư: Chưa có sự cộng tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của ngành y tế (đơn vị quản lý doanh nghiệp có sản phẩm TPCN) và các cơ quan chức năng của ngành thông tin, truyền thông (đơn vị quảng lý các cơ quan phát hành quảng cáo: Báo, đài, nhà in, nhà xuất bản)
Để hạn chế tình trạng trên, Cục ATVSTP đã tham mưu để Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, theo hướng sẽ tăng mức xử phạt, đồng thời, có thể áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa ngành y tế và ngành văn hóa thông tin, xử lý nghiêm đối với các đơn vị phát hành quảng cáo sai quy định và một điều đặc biệt quan trọng đó là các quy định của pháp luật về quảng cáo cần xây dựng theo hướng đối với những nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế cần phải được thẩm định nội dung chặt chẽ, không thể buông lỏng, dễ dãi trong lĩnh vực này.
- Trân trọng cảm ơn ông!
P.V. (thực hiện)