Âm ỉ nạn phá rừng
Biết nhóm phóng viên đến tìm hiểu về nạn phá rừng phòng hộ, một số người dân đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đến khoảnh rừng bị tàn phá để tận mục sở thị.
Đập vào mắt chúng tôi, giữa cánh rừng tươi tốt là hình ảnh những con đường mới được khai phá để đưa phương tiện cơ giới vào bên trong rừng. Từ vị trí này phóng tầm mắt lên phía thượng nguồn có thể thấy một khoảnh rừng lớn đã bị đốt cháy đen, chuẩn bị cho việc trồng keo.
Tiến sâu vào bên trong, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ không thương tiếc để phục vụ việc trồng keo trái phép.
Mặc dù các bảng ghi quy định về bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn được dựng dọc các lối vào nhưng dường như không có tác dụng gì. Rừng vẫn bị tàn phá, cày xới.
Sau khi đốn hạ cây, những kẻ phá rừng còn dùng máy móc san ủi tạo thành những bờ rãnh rộng 1-2 mét nhằm phân lô để trồng keo. Có khu vực đã được trồng mới cây keo lá tràm, lá đã lên xanh tốt.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Hoa, Trưởng Công an xã Bình Trị cho biết, từ đầu năm đến nay, Công an xã đã nhiều lần tổ chức tuần tra và phát hiện nhiều vụ phá rừng.
Cụ thể như, ngày 26/2/2016, tổ kiểm tra của xã đã phát hiện đối tượng Nguyễn Phúc Diễn (SN 1983, ngụ xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đang điều khiển xe cơ giới đào bới rừng phòng hộ đầu nguồn.
Qua đấu tranh Diễn khai được ông Nguyễn Văn Hải (ngụ xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình) thuê san ủi rừng để chuẩn bị trồng keo. Vụ việc sau đó được bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Thăng Bình giải quyết theo thẩm quyền. UBND huyện Thăng Bình đã xử phạt các đối tượng liên quan 80 triệu đồng về hành vi phá rừng.
Tiếp đến, ngày 7/8/2016, tổ công tác của xã đã phát hiện 5 đối tượng đang sử dụng 3 cưa máy cầm tay và một số vật dụng khác đốn hạ rừng tự nhiên tại khu vực hố Bà Lộc, thuộc tiểu khu 484.
Khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng quăng dụng cụ bỏ chạy thoát thân. Với quyết tâm bảo vệ rừng đầu nguồn, tổ công tác đã lập tức triển khai bao vây, bắt được 3 đối tượng.
Qua đấu tranh ban đầu, các đối tượng khai nhận phá rừng thuê cho một cán bộ lãnh đạo xã Tiên Sơn (huyện Tiên phước). Điều đáng nói, trong số những kẻ phá rừng có một đối tượng mặc sắc phục công an viên và khai rằng đang công tác tại công an xã Tiên Sơn. Tại thời điểm bị phát hiện, các đối tượng trên đã chặt hạ nhiều cây gỗ lớn trên diện tích 2,78 ha.
Gần đây nhất, sáng ngày 25/8/2016, UBND xã Bình Trị phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện kiểm tra khu vực rừng giáp ranh với xã Bình Lãnh (huyện Thăng Bình) đã phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với Nguyễn Văn Hải (ngụ xã Bình Lãnh) và một đối tượng trú tại xã Tiên Sơn đang dùng cưa máy để xẻ gỗ.
Điều đáng nói, đối tượng Hải là người trước đây đã bị xử phạt về hành vi phá rừng nhưng vẫn tiếp tục tái phạm. Ngày hôm sau, 26/8, trong lúc kiểm tra tại tiểu khu 484, giáp ranh với các xã Bình Định Nam, Bình Phú (huyện Thăng Bình), tổ công tác phát hiện có khoảng 500m đường mòn đã bị san ủi mở rộng hòng đưa xe cơ giới vào phá rừng.
Nhiều người dân địa phương cho hay, tình trạng phá rừng trồng keo xảy ra tại khu rừng phòng hộ trên không phải mới đây mà bắt đầu từ năm 2012. Thời điểm đó, sau khi kiểm tra, xác minh, địa phương đã tổ chức họp dân thông báo tình trạng phá rừng.
|
Nhiều khoảnh rừng đã bị đốt cháy để chuẩn bị trồng keo |
Kết quả kiểm tra cho thấy, có gần 49 ha rừng đã bị phá, trong đó có nhiều đối tượng chặt phá gần 4ha. 12 hộ dân và 24 đối tượng ở các thôn Vinh Nam, Nam Tiễn và Vinh Đông (xã Bình Trị) tham gia phá rừng đã bị đưa ra kiểm điểm trước nhân dân địa phương.
Các hộ đã hứa không tái phạm và cam kết sẽ trồng bù rừng tại các diện tích đã khai thác trái phép. Thế nhưng thời gian gần đây, tình trạng khai thác rừng trái phép ở khu vực này lại tiếp diễn, thậm chí có phần nhức nhối hơn những năm trước.
Hệ lụy khó lường
Theo tìm hiểu được biết, năm 2008, hồ chứa nước Đông Tiễn được xây dựng và đi vào hoạt động, phục vụ tưới cho hơn 700 ha đất canh tác. Từ khi có hồ chứa, hơn 500 ha đất rừng xung quanh lòng hồ trở thành rừng phòng hộ đầu nguồn vô cùng quan trọng đối với hồ Đông Tiễn.
Năm 2012, lợi dụng kế hoạch của huyện trồng cây cao su đại điền tại khu vực xung quanh hồ chứa nước Đông Tiễn, người dân ào ạt xâm lấn, chặt phá rừng nghiêm trọng. Sau khi đưa các đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước nhân dân, tình trạng phá rừng có phần lắng xuống. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, nạn phá rừng lại tiếp tục diễn ra, thậm chí còn diễn biến phức tạp hơn.
Nói về nguyên nhân nạn phá rừng năm 2012, ông Lê Viết Mãnh, Chủ tịch xã Bình Trị cho biết, đó là do người dân thiếu đất canh tác, thiếu hiểu biết pháp luật. Sau vụ việc này, địa phương đã quán triệt và người dân trong xã đã chấp hành không phá rừng phòng hộ nữa. Trong khi đó, người dân của 2 xã giáp ranh là Tiên Sơn và Bình Lãnh lại lén lút sang phá rừng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ phá rừng năm 2012 đã bị buộc trồng rừng để “trả nợ”. Tuy nhiên, không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra kiểm tra, quản lý nên sau khi trồng keo để “trả nợ”, các hộ dân lại quay ra tự khai thác và tiếp tục trồng lại keo. Không những thế, họ còn lấn chiếm thêm diện tích đất rừng để trồng keo trái phép.
Thấy những hộ này trồng keo có kinh tế, các hộ khác, đặc biệt là ở các xã Tiên Sơn, Bình Lãnh, Bình Định Nam... cũng chặt phá rừng phòng hộ để canh tác. Để phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển cây, các hộ này đã thuê xe múc vào đào xới ủi đường một cách ngang nhiên nhưng địa phương cũng như các ngành chức năng của huyện chưa có biện pháp ngăn chặn.
Một người dân địa phương chia sẻ: “Chúng tôi rất bức xúc khi các đối tượng ngang nhiên mang máy móc vào rừng để tàn phá. Đây là rừng phòng hộ, nếu không được gìn giữ sẽ gây xói mòn đất, bồi lắng lòng hồ Đông Tiễn, gây thiếu nước tưới cho cây trồng, dẫn đến mất mùa.
Một người phụ nữ đang hái cây rau dớn trên đường chúng tôi đi ngang qua nói: “Gia đình tôi vẫn thường vào rừng hái măng, cây rau dớn hay những cây thuốc như “lá mồng năm” để bán. Nếu rừng nguyên sinh bị phá, chúng tôi mất nguồn thu nhập này”.
Theo ông Trần Văn Hoa cho biết, UBND xã đã thành lập tổ công tác kiểm tra, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng để bảo vệ rừng còn mang tính hình thức. Việc giải quyết nạn phá rừng chỉ là giải quyết phần ngọn chứ chưa giải quyết tận gốc.
Hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn của xã Bình Trị là nơi giữ nguồn nước, cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho hàng ngàn hộ dân ở địa phương và hơn 700 ha đất nông nghiệp. Nếu tình trạng phá rừng không được ngăn chặn kịp thời thì chẳng bao lâu nữa các cánh rừng xanh nơi đây chỉ còn lại những mảng đồi trọc, trơ trụi đá.
|
Một số khoảnh rừng cây keo trồng trái phép đã lên xanh |
Đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cần nhanh chóng vào cuộc, có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo răn đe, phòng ngừa.